Quốc tế

Thế giới 24h: Xác định nguyên nhân ban đầu thảm họa lật tàu Ấn Độ

08:15, 21/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Một cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn lật tàu vào sáng 20/11 ở Ấn Độ khiến hơn 100 người chết đang được gấp rút tiến hành.

1. Con tàu gặp nạn vào lúc 3h sáng 20/11 (giờ địa phương) ở Puwar - một ngôi làng gần thành phố công nghiệp Kanpur, nơi chuyến tàu cao tốc theo lộ trình Patna- Indore.

AFP cho biết, 146 người đã thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong vụ tai nạn này.

Vụ tàu hỏa trật đường ray khiến 14 toa tàu bị hư hại nghiêm trọng. (ảnh: ReutersTV).
Vụ tàu hỏa trật đường ray khiến 14 toa tàu bị hư hại nghiêm trọng. (ảnh: ReutersTV).

Kanpur là một ngã ba đường sắt lớn và hàng trăm chuyến tàu đi qua đây mỗi ngày. Tàu hỏa là phương tiện giao thông phổ biến của hàng triệu người dân Ấn Độ. Ước tính khoảng 23 triệu lượt hành khách sử dụng mạng lưới đường sắt quy mô lớn này của Ấn Độ mỗi ngày.

Người phát ngôn Bộ Đường sắt Ấn Độ Anil Saxena cho biết không loại trừ khả năng số người chết do vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng này sẽ còn tăng lên.

Đến nay, nguyên nhân của vụ trật đường ray tàu hỏa chưa được làm rõ, song nguồn tin ban đầu cho biết vụ tai nạn có thể bắt nguồn từ một vết đứt gãy trên đường ray.

2. Mỹ ngày 19/11 lên án các vụ không kích vào bệnh viện ở thành phố miền Đông Syria, Aleppo và kêu gọi Nga có các biện pháp ngăn chặn bạo lực leo thang.

Cơ sở hạ tầng ở Aleppo bị tàn phá nặng nề vì chiến sự. (Ảnh: Getty).
Cơ sở hạ tầng ở Aleppo bị tàn phá nặng nề vì chiến sự. (Ảnh: Getty).

Trước đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh cho biết, riêng trong ngày 19/11, ít nhất 6 người đã thiệt mạng vì các vụ không kích của quân đội chính phủ ở Aleppo.  

Tổ chức này cho biết, giao tranh bùng phát trở lại giữa quân đội chính phủ và các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía Đông Aleppo. Tất cả các bệnh viện ở khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát hiện không thể hoạt động được nữa sau các vụ không kích này.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết, Mỹ lên án mạnh mẽ các vụ tấn công kinh hoàng vào cơ sở y tế và nhân viên cứu trợ.

Một lần nữa, Mỹ cùng các đối tác yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Aleppo và kêu gọi Nga làm giảm tình trạng bạo lực để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo đến được với người dân Syria.

3. Hôm nay (20/11, theo giờ Nhật Bản), Thủ tướng Shinzo Abe đã hội đàm với Tổng Thống Nga Putin bên lề Hội nghị APEC được tổ chức tại Peru. Cuộc hội đàm đã diễn ra trong vòng gần 1 tiếng đồng hồ.  

Thủ tướng Shinzo Abe hội đàm với Tổng Thống Nga Putin (Ảnh: sankei.com).
Thủ tướng Shinzo Abe hội đàm với Tổng Thống Nga Putin (Ảnh: sankei.com).

Mở đầu cuộc hội đàm, Tổng thống Putin đã hoan nghênh đối thoại hai nước liên quan tới chính trị, kinh tế đã phát triển tích cực và nhấn mạnh rằng cuộc hội đàm sẽ xác nhận lại những quan hệ trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên mong muốn tăng cường.

Đáp lại, Thủ tướng Abe cũng hoan nghênh chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Nhật Bản dự kiến vào trung tuần tháng 12 tới và mong muốn sẽ tổ chức một Hội nghị mở rộng bàn về kế hoạch hợp tác kinh tế giữa hai nước nhân chuyến thăm lần này.

4. Trong buổi họp báo phát trên truyền hình quốc gia, người đứng đầu một đơn vị điều tra đặc biệt trực thuộc Văn phòng Công tố viên Quận trung tâm Seoul phụ trách về cuộc điều tra này nhấn mạnh, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye được cho là có thông đồng “ở một mức độ đáng kể” với 3 nghi phạm hình sự kể trên vốn đang đối mặt với nhiều tội danh khác nhau.  

Kết quả sơ bộ này là dựa trên nhiều tài liệu bằng chứng toàn diện mà các công tố viên Hàn Quốc thu thập được. Tuy nhiên bà Park Geun-hye không thể bị truy tố hình sự theo hiến pháp nước này cấm một Tổng thống đang tại nhiệm bị khởi tố cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm.

5. Ngày 19/11, khoảng 40.000 người biểu tình ở thủ đô của Malaysia yêu cầu Thủ tướng từ chức vì cáo buộc ông có liên quan đến bê bối biển thủ hàng tỷ USD.  

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng có mặt trong đám đông người biểu tình phản đối đương kim Thủ tướng Najib Razak.

Những người biểu tình Malaysia. (ảnh: KL Cham).
Những người biểu tình Malaysia. (ảnh: KL Cham).

Ông Mahathir, người giữ chức Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Malaysia vừa thành lập một nhóm chính trị mới trong năm nay trong chiến dịch nhằm truất quyền ông Razak.

Ông Mahathir nêu rõ, chính phủ sẽ không thể chấm dứt các cuộc biểu tình dù có bắt giữ bao nhiêu lãnh đạo đối lập đi chăng nữa.

Tuyên bố đưa ra sao khi lãnh đạo nhóm Bersih, phong trào tổ chức các cuộc biểu tình này bị bắt hôm 18/11 vừa qua cùng với một số người ủng hộ và nhà hoạt động đối lập. Cảnh sát Malaysia cho biết, các cuộc biểu tình Bersih là phi pháp./.

Nguồn: Phương Chi/VOV.VN

Các tin khác