Nếu muốn trở lại Iraq, người tị nạn sẽ phải sống trong những điều kiện hết sức khó khăn, đấy là chưa tính đến việc họ sẽ trở về nhà như thế nào?
Thời gian gần đây, Chính phủ Iraq với sự hỗ trợ của các lực lượng nước ngoài đã giải phóng được nhiều khu vực của đất nước khỏi sự kiểm soát của các lực lượng nổi dậy, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Đối với người tị nạn Iraq, đường trở về nhà giờ vẫn quá xa vời. Ảnh Reuters |
Điều này mở ra hy vọng cho những người Iraq đi tị nạn có cơ hội được trở về quê hương. Tuy nhiên, các cơ sở hạ tầng tại Iraq bị tàn phá nặng nề, cùng với đó là quá trình tái thiết chậm chạp ở các khu vực bị ảnh hưởng đã khiến quá trình hồi hương của người tị nạn thêm nhiều khó khăn.
Iraq nằm ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống IS. Các cuộc xung đột ở Iraq có liên quan đến các tay súng lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã làm hàng nghìn người thương vong và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, số người Iraq phải đi tị nạn đã lên tới 3,4 triệu người. Trong đó, số người tị nạn từ Mosul, đang tăng cao, và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng do chính phủ đẩy mạnh các cuộc chiến chống các lực lượng cực đoan trong khu vực.
Theo Bộ trưởng phụ trách vấn đề di trú Jassim Mohammed al-Jaff, tại các khu vực được chính phủ giải phóng, những người tị nạn đã bắt đầu trở về nhà, tuy nhiên, vấn đề người tị nạn chỉ có thể được giải quyết khi tình hình tại Mosul ổn định.
”Giải pháp sau cùng chắc chắn là phải để người tị nạn quay trở về nhà. Bởi các khu vực tiếp nhận cho họ tị nạn chỉ có thể cho họ chỗ ở tạm thời, chứ không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản về lâu dài. Bản thân những người tị nạn cũng không muốn ở mãi trong các khu lều tạm, và họ cũng muốn được trở về quê nhà khi không còn các cuộc xung đột”, ông al-Jaff nói.
Theo giới chức Iraq, hiện chỉ có 600.000 người tị nạn được trở về quê nhà, chiếm 1 phần 6 tổng số người đi tị nạn. Rơi vào vòng xoáy bạo lực, chiến tranh từ năm 2003, đặc biệt là liên tiếp các vụ tấn công khủng bố trên khắp cả nước, Iraq đã rơi vào suy thoái kinh tế và điều này càng khiến cho quá trình tái xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như khôi phục các dịch vụ cơ bản thêm nhiều khó khăn.
Ông Fadelal Gharawi, thành viên Cao ủy nhân quyền của Iraq cho biết: “Vấn đề là những người tị nạn cũng không tình nguyện trở về nhà, vì hầu hết các thành phố dù đã được giải phóng nhưng bị tàn phá nghiêm trọng và không có khả năng cung cấp các nhu cầu cơ bản của cư dân. Trong khi đó, gần đây, nhiều trẻ em của những người tị nạn phải đối mặt với tình trạng bị bắt cóc, thậm chí là thiệt mạng trong quá trình hồi hương”.
Trước những khó khăn trong cuộc tái thiết ở Iraq, Ngoại trưởng các nước gồm Mỹ, Canada, Đức, Hà Lan, Iraq, Kuwait, Nhật Bản đã nhóm họp tại Washington hồi tuần trước nhằm thảo luận việc viện trợ cho Iraq. Tại cuộc họp, ngoại trưởng các nước đã cam kết cùng đóng góp khoản tiền 2 tỷ đôla giúp chính phủ và nhân dân Iraq tái thiết đất nước.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, có tất cả 26 nước cam kết giúp đỡ Iraq. Riêng Mỹ cam kết tài trợ khoản tiền 316 triệu USD. Số tiền này chủ yếu dùng vào việc cứu trợ nhân đạo, tháo gỡ mìn, giúp người dân Iraq xây dựng lại nhà cửa và các công trình xây dựng dài hạn. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết các nước nhất trí ủng hộ tiến trình cải cách của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi.
Tiến trình này có thể giúp tăng cường đoàn kết và lòng tin trong nội bộ đất nước Iraq. Bên cạnh đó, các nước cũng bày tỏ sẽ tiếp tục chung tay đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng./.