Máy bay ném bom mặt trận Su-34 của Nga lần đầu tiên mang theo tên lửa không đối không vừa xuất kích đánh IS. Hành động đó như khẳng định thêm, Nga đã sẵn sàng đáp trả thích đáng hành động “đâm sau lưng” của bất kỳ lực lượng nào.
Mạnh hơn, an toàn hơn
Đó là điều có thể thấy rõ, khi nhìn vào các lực lượng của Nga đang tham gia chiến dịch tiêu diệt lực lượng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Syria, sau sự kiện cường kích cơ Su-24 của Nga bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga đã được điều động sang Syria. Với tính năng kỹ, chiến thuật cực kỳ hiện đại của loại vũ khí phòng không này, Nga không chỉ quản lý toàn bộ vùng trời Syria, mà còn bao quát một phần vùng trời của Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo chí quốc tế đã chỉ ra rằng, kể từ khi S-400 của Nga được điều tới Syria, máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đã được “nghỉ giải lao” trên mặt đất.
Nhân viên kỹ thuật hàng không của không quân Nga tại Syria làm công tác chuẩn bị cho máy bay Su-34. |
Không dừng lại ở đó, Tuần dương hạm Moscow của Nga, vốn đã được điều động tham gia chiến dịch tại Syria, với vai trò kỳ hạm, nay tiến gần hơn vào bờ biển của Syria với nhiệm vụ rõ ràng là “bảo vệ các nhóm không quân Nga”.
Với khả năng kiểm soát vùng trời hoàn hảo và hỏa lực mạnh từ hệ thống tên lửa phòng không S-400 trên mặt đất và S-300 được trang bị trên tuần dương hạm Moscow, lực lượng quân sự của Nga tại Syria đã mạnh hơn rất nhiều.
Điều đó cũng đồng nghĩa, các lực lượng quân sự của Nga, đặc biệt là các máy bay tham chiến với IS sẽ an toàn hơn, nhất là khi các lực lượng của Nga được phép đáp trả không khoan nhượng bất cứ hành động thù địch nào.
Vậy nhưng như vậy vẫn là chưa đủ, Nga tiếp tục triển khai bước đi tiếp theo: Trang bị tên lửa không đối không cho máy bay Su-34 mỗi khi xuất kích.
Thông điệp và biểu tượng
TASS và Sputnik cùng đăng tải, Su-34 vừa thực hiện lần đầu mang tên lửa không đối không khi không kích trên chiến trường Syria.
Tên lửa được chiến đấu cơ này mang theo là loại đạn “có dẫn đường và đủ khả năng đánh trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách đến 60km”, Sputnik dẫn lời Đại tá Igor Klimov, đại diện Lực lượng Không quân-Vũ trụ Liên bang Nga.
Được thiết kế để đảm nhiệm vai trò “máy bay ném bom mặt trận”, ưu thế của Su-34 là thực hiện các đòn cường kích mặt đất, bằng các loại bom.
Tuy nhiên, Su-34 vẫn được coi là máy bay tiêm kích-bom, bởi nó có thể thực hiện nhiệm vụ của một tiêm kích cơ và được trang bị các vũ khí để thực hiện nhiệm vụ này, như các loại tên lửa không đối không R-73, RVV-AE.
Được trang bị tên lửa không đối không, Su-34 có khả năng "tự bảo vệ" tốt hơn trên không. |
Việc trang bị tên lửa không đối không cho Su-34 mỗi khi xuất kích, Nga tiếp tục gửi đi một thông điệp, rằng không chỉ hệ thống tên lửa mặt đất, tên lửa trên hạm bảo vệ máy bay Nga, mà Su-34 đã sẵn sàng không chiến với máy bay của đối phương để tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên, tiêm kích chỉ là nhiệm vụ thứ yếu của loại chiến đấu cơ này.
Do được thiết kế phục vụ cho nhiệm vụ chính là cường kích, mang theo số lượng vũ khí lớn nên Su-34 khá nặng nề; tính ổn định của dòng máy bay cường kích được đề cao thay vì tính cơ động của tiêm kích cơ, vì thế nó không có ưu thế trong thực hiện nhiệm vụ "không đối không" so với các loại máy bay tiêm kích phòng không khác.
Sẽ ưu việt hơn, nếu Su-34 được bảo vệ bởi các máy bay có ưu thế trong tiêm kích phòng không như các loại đang tham chiến ở Syria là tiêm kích Su-27 hay tiêm kích đa nhiệm Su-30.
Thế nên có thể thấy rằng, việc Su-34 mang tên lửa không đối không trong mỗi phi vụ xuất kích dường như mang tính biểu tượng nhiều hơn.
Vậy nhưng, với những gì Nga đã và đang làm sau vụ Su-24 của Nga bị F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cho thấy: Nga sẽ không để lặp lại sự việc đau lòng nói trên, đồng thời sẵn sàng đáp trả sớm, quyết liệt và đích đáng với các hành động liều lĩnh của đối phương