Quốc tế
5 nước có hải quân hùng mạnh nhất hiện nay
Có một sự thực được cả thế giới thừa nhận từ xa xưa: nước nào có đường bờ biển thì nước đó có hải quân. Dù lớn hay nhỏ, các lực lượng hải quân trên thế giới đều ít nhiều giúp các quốc gia tương ứng phóng chiếu sức mạnh quân sự ra xung quanh hoặc xa hơn nữa.
Tàu sân bay USS Washington của hải quân Mỹ. Ảnh: Flybynightvideos. |
Vai trò thời bình của các hải quân không thay đổi nhiều trong hàng ngàn năm qua. Hải quân bảo vệ tổ quốc, bảo vệ tự do các tuyến hàng hải và tuyến liên lạc, quảng bá quốc gia, và răn đe các đối thủ. Trong thời chiến, hải quân sẽ tung ra sức mạnh của mình để ngăn đối phương làm những điều tương tự, thông qua việc tấn công các lực lượng hải quân của kẻ thù, thực hiện đổ bộ đường biển, và giành quyền kiểm soát các vùng nước và vùng đất chiến lược.
Vai trò của các lực lượng hải quân đã mở rộng trong vài thập kỷ qua, có thêm những sứ mệnh và thách thức mới. Giờ đây hải quân còn chịu trách nhiệm về răn đe hạt nhân chiến lược, phòng thủ trước các tên lửa đạn đạo, các hoạt động trong không gian vũ trụ, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Xét đến các yếu tố đó thì dưới đây là 5 lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới hiện nay:
Mỹ
Không có gì ngạc nhiên khi Hải quân Mỹ xếp đầu bảng. Cho đến nay Hải quân Mỹ sở hữu nhiều tàu nhất so với bất cứ hải quân nào khác trên toàn cầu. Mức độ đa dạng trong nhiệm vụ và trách nhiệm của lực lượng này cũng là lớn nhất thế giới.
Không một hải quân nào khác có tầm vươn toàn cầu lớn bằng của Hải quân Mỹ - lực lượng thường xuyên hoạt động ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, cũng như Địa Trung Hải, Vùng Vịnh Persian, và vùng Sừng châu Phi. Hải quân Mỹ cũng triển khai tàu viễn xứ ở Nhật Bản, châu Âu và vịnh Persian để có thể phản ứng nhanh trong các tình huống bất ngờ.
Hải quân Mỹ có 288 tàu chiến đấu, trong đó 1/3 đang được triển khai vào bất cứ thời điểm nào. Hải quân Mỹ sở hữu 10 tàu sân bay, 9 tàu tấn công đổ bộ, 22 tuần dương hạm, 62 khu trục hạm, 17 tàu hộ vệ, và 72 tàu ngầm. Ngoài số tàu này, Hải quân Mỹ còn có 3.700 máy bay, và nhờ đó là lực lượng không quân lớn thứ 2 thế giới (sau lực lượng Không quân độc lập cũng của Mỹ). Với 323.000 nhân viên thường trực và 109.000 nhân viên dự bị, đây là lực lượng hải quân lớn nhất xét về mặt nhân lực.
Điều khiến Hải quân Mỹ nổi bật nhất là 10 tàu sân bay của họ – nhiều hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại. Tàu sân bay của Mỹ không chỉ nhiều mà còn to hơn nhiều. Riêng một chiếc tàu sân bay lớp Nimitz có năng lực mang số lượng máy bay nhiều gấp đôi chiếc tàu sân bay nước ngoài lớn nhất kế tiếp. Trong khi tàu sân bay của các nước khác chỉ tập trung vào chở máy bay tiêm kích thì tàu sân bay Mỹ lại bảo đảm cân đối nhiều loại máy bay khác nhau để giúp Mỹ bảo đảm ưu thế trên không, khả năng tấn công mặt đất, trinh sát, chống tàu ngầm cũng như trợ giúp nhân đạo hay cứu trợ thảm họa.
Với 31 tàu đổ bộ đường biển, Hải quân Mỹ được coi là hạm đội “cá sấu” lớn nhất thế giới (cách gọi dựa trên hình dáng của tàu đổ bộ khi cập bờ - ND), có khả năng vận chuyển và đổ bộ lên các bờ biển của đối phương. Chín tàu đổ bộ tấn công lớp Tarawa và Wasp có thể mang trực thăng chở quân cũng như đóng vai trò của tàu sân bay cỡ nhỏ, được trang bị phi cơ phản lực cường kích AV-8B Harrier và cả máy bay tiêm kích-ném bom F-35B.
Hải quân Mỹ có 54 tàu ngầm tấn công hạt nhân, gồm các tàu lớp Los Angeles, Seawolf, và Virginia. Hải quân Mỹ cũng chịu trách nhiệm về việc thực hiện răn đe hạt nhân chiến lược trên biển cho nước này, với 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio. Hải quân Mỹ cũng có 4 tàu ngầm lớp Ohio đã loại bỏ tên lửa hạt nhân và được chỉnh sửa để mang 154 tên lửa tấn công trên bộ Tomahawk.
Hải quân Mỹ vốn có vai trò truyền thống là phòng thủ tên lửa đạn đạo, tác chiến không gian và trợ giúp nhân đạo/cứu trợ thảm họa. Kể từ tháng 10/2013, 29 tuần dương hạm và khu trục hạm có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo. Vài tàu trong số này đã được triển khai tới châu Âu và Nhật Bản. Hải quân Mỹ cũng giám sát không gian nhằm hỗ trợ cho các lực lượng quân sự Mỹ, theo dõi các vệ tinh của các nước đối thủ tiềm tàng. Và cuối cùng, các tàu sân bay và tàu đổ bộ hiện tại của Mỹ cộng với các tàu bệnh viện USNS Mercy và USNS Comfort tạo ra năng lực cứu trợ thảm họa mà Mỹ đã huy động trong vài năm trở lại đây ở Indonesia, Haiti, Nhật Bản và Philippines.
Trung Quốc
Tàu ngầm hải quân Trung Quốc. Ảnh: Pool News. |
Lực lượng hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đi một chặng dài trong 25 năm qua. Sự tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Trung Quốc (mà nhờ đó nước này đã tăng ngân sách quốc phòng tới 10 lần kể từ năm 1989) giúp hải quân Trung Quốc có tiền để hiện đại hóa. Từ chỗ là một lực lượng hải quân nước nông với các khu trục hạm và tàu tấn công nhanh cổ lỗ sĩ, Hải quân của PLA đã trở thành một hạm đội nước sâu thực sự.
Hải quân Trung Quốc hiện có một tàu sân bay, 3 tàu đổ bộ, 25 tàu khu trục, 42 tàu hộ vệ, 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân và xấp xỉ 50 tàu ngầm tấn công thông thường. PLAN có nhân lực 133.000 người, bao gồm Thủy quân lục chiến, với hai lữ đoàn có tổng cộng 12.000 lính.
Không quân thuộc Hải quân PLA cung cấp máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng cho tàu sân bay mới của Trung Quốc, máy bay trực thăng cho tàu mặt nước, cùng các máy bay tiêm kích, cường kích và tuần tra bố trí ở bờ biển. Không quân của Hải quân PLA sở hữu 650 máy bay, gồm các tiêm kích cơ đặt trên tàu sân bay J-15, các chiến đấu cơ đa nhiệm J-10, máy bay tuần tra hàng hải Y-8, và máy bay chống hạm Z-9.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – Liêu Ninh – rất đáng nhận sự chú ý đặc biệt. Tàu được đưa vào sử dụng năm 2012. Vốn được đóng cho hải quân Liên Xô, sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, thân tàu chưa hoàn thành của Liêu Ninh nằm vất vưởng trong một xưởng đóng tàu của Ukraine. Được một công ty của PLA mua lại, con tàu đã được kéo về Trung Quốc và được tút tát ở đó trong gần một thập kỷ. Tàu Liêu Ninh được dùng làm tàu sân bay huấn luyện trong bối cảnh Trung Quốc làm quen dần với các hoạt động tàu sân bay trên thế giới.
Hải quân Quân giải phóng Trung Quốc đang tích cực hiện đại hóa năng lực đổ bộ đường biển của mình. Họ đã đưa vào sử dụng 3 tàu vận tải đổ bộ T071. Mỗi tàu T071 có thể chở 500-800 lính thủy quân lục chiến và 15-18 xe. Chúng có thể đưa lính lên bờ thông qua thiết bị bay sát mặt nước (nhờ đệm không khí) theo kiểu của các thiết bị Mỹ và bằng các trực thăng vận tải hạng trung Z-8. Trung Quốc cũng được cho là đã lên kế hoạch đóng các tàu tấn công đổ bộ với các khoang rộng hết cỡ dành cho máy bay theo kiểu tàu lớp Wasp của Mỹ. Người ta đồn đoán Trung Quốc đã lên kế hoạch về tổng cộng 6 tàu T071 và 6 tàu tấn công đổ bộ mới.
Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc có tới 60 tàu ngầm với các mức độ chất lượng khác nhau. Nòng cốt của lực lượng này là 3 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Thương, 9 lớp Nguyên, 14 lớp Tống và 10 tàu ngầm Kilo cải tiến nhập từ Nga. Hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc gồm 3-4 tàu ngầm tên lửa lớp Tấn. Người ta cho rằng Trung Quốc sẽ đưa lực lượng răn đe hạt nhân này vào Biển Đông.
Hải quân PLA tiếp tục phát triển và học hỏi. Trung Quốc đã lên kế hoạch về hai tàu sân bay nữa, và tổng cộng số tàu sân bay của Trung Quốc có thể lên tới 5. Ngoài việc vận hành tàu sân bay, PLA còn học cách thực hiện các hải trình cự ly mở rộng trong các nỗ lực chống hải tặc ở vùng Sừng châu Phi. Trung Quốc đã gửi 17 lực lượng chuyên trách hải quân tới khu vực này, luân chuyển tàu và thuyền viên để học các kỹ năng về điều khiển tàu hoạt động cự ly xa.
Nga
Tàu ngầm hải quân Nga. Ảnh: Gizmodo. |
Hải quân Nga xếp thứ 3. Mặc dù về truyền thống, Nga chỉ là cường quốc lục địa, nhưng nước này lại được thừa kế di sản của Hải quân Liên Xô vào cuối Chiến tranh Lạnh. Di sản đó là cốt lõi của lực lượng Hải quân Nga hiện nay. Nga đang từ từ bổ sung thêm tàu và áp dụng những cải tiến cấp độ hạm đội. Hải quân Nga đã chứng tỏ hữu ích trong việc quảng bá quốc gia và phô trương sức mạnh của nước này trên thế giới.
Hải quân Nga có 79 tàu cỡ tàu hộ vệ hoặc lớn hơn, bao gồm một tàu sân bay, 5 tàu tuần dương, 13 tàu khu trục và 52 tàu ngầm. Ngoại trừ một số nhỏ tàu ngầm tấn công và tên lửa hành trình, về cơ bản các tàu chiến Nga được đóng trong thời Chiến tranh Lạnh. Thiếu kinh phí hoạt động trong nhiều thập kỷ, Hải quân Nga đối mặt với các vấn đề kinh niên về mức độ sẵn sàng chiến đấu. Các tàu Nga cỡ lớn như tàu sân bay Đô đốc Kuznetzov và tàu Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương thường xuyên phải có tàu kéo đi kèm trong các chuyến đi xa.
Nga cũng kế thừa khoảng 20 tàu đổ bộ Alligator và Ropucha của Liên Xô. Các tàu này được đóng từ tận thập niên 1960 và rất cổ lỗ theo tiêu chuẩn hiện nay. Việc Nga muốn mua tàu đổ bộ chở trực thăng của Pháp cũng là nhằm khắc phục yếu kém này. (Tuy nhiên Pháp đã quyết định không trao tàu Mistral cho Nga do vấn đề Crimea).
Cũng như Liên Xô trước đây, sức mạnh hải quân của Nga nằm ở lực lượng tàu ngầm. Nga về lý thuyết có 15 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 16 tàu ngầm tấn công thông thường, 6 tàu ngầm tên lửa hành trình, 9 tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Mặc dù một số đã được sửa sang tổng thể, gần như đa số tàu ngầm của Nga là từ thời Chiến tranh Lạnh và hiện không rõ mức độ sẵn sàng chiến đấu là như thế nào. Chín tàu ngầm tên lửa đạn đạo đại diện cho năng lực phản công hạt nhân của Nga và có thể là những tàu có mức độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất trong hạm đội của Nga.
Nga có nhiều kế hoạch lớn đối với các lực lượng hải quân của mình nhưng đa phần mới chỉ dừng lại ở kế hoạch.
Nga định sở hữu thêm một tàu sân bay nữa, một lớp các tàu khu trục tên lửa dẫn đường, các tàu ngầm tên lửa đạn đạo Borey II, các tàu ngầm tấn công hạt nhân Yasen II, và các tàu ngầm tấn công thông thường lớp Kilo và Lada cải tiến. Nga đối mặt nhiều khó khăn về tài chính trong các dự án này.
Liên hiệp Vương quốc Anh
Tàu sân bay của hải quân Anh. Ảnh: BAE Systems. |
Hải quân Hoàng gia Anh, cũng giống các quân chủng khác của quân đội Anh, hiện đang trải qua nhiều đợt cắt giảm thiết bị và nhân lực. Việc cho “nghỉ hưu” 2 tàu sân bay lớp Invincible và các máy bay Sea Harrier của Không quân thuộc Hải quân Anh đã làm giảm đáng kể năng lực của Hải quân Hoàng gia Anh.
Hải quân Anh xếp thứ 4 trong danh sách này nhờ vào sức mạnh hạt nhân của nó cũng như các kế hoạch trong tương lai về tàu sân bay của lực lượng này.
Trong danh sách 5 hải quân mạnh nhất thế giới, Hải quân Anh là nhỏ nhất về quy mô nhân lực (chỉ có 33.400 quân nhân thường trực và 2.600 người dự bị). Hải quân Hoàng gia hiện vận hành 3 tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn, 19 tàu hộ vệ và tàu khu trục, 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân, và 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhánh không quân của Hải quân Anh sử dụng 149 máy bay, chủ yếu là trực thăng.
Nòng cốt của lực lượng mặt nước Hải quân Anh là 6 tàu khu trục tên lửa dẫn đường kiểu 45. Mỗi khu trục hạm lớp Daring được trang bị một radar theo dõi trên không SAMPSON, tương tự radar SPY-1D của hệ thống Aegis của hải quân Mỹ. Cặp đôi với 48 tên lửa đất đối không Aster, các khu trục hạm này có thể xử lý rất nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm cả tên lửa đạn đạo.
Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Anh đã thu nhỏ xuống chỉ còn chưa đến 12 tàu ngầm. Lực lượng 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân đang được nâng cấp bằng lớp HMS Astute. Astute và các tàu cùng loại được trang bị ngư lôi Spearfish và tên lửa tấn công đất liền Tomahawk. Các tàu này nằm trong số các tàu ngầm tiên tiến nhất trên thế giới. Bốn tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Vanguard tạo thành sức mạnh răn đe hạt nhân của Anh. Mỗi tàu Vanguard có lượng giãn nước 15.900 tấn khi lặn và được trang bị 16 tên lửa đạn đạo tầm xa Trident.
Hải quân Anh sẽ sớm nâng cao năng lực của mình thông qua việc đóng 2 tàu sân bay mới, HMS Queen Elizabeth (2014) và HMS Prince of Wales (2018). Hai tàu sân bay này mỗi cái nặng tới 70.000 tấn khi chở tối đa, sẽ là tàu lớn nhất trong Hải quân Anh. Các tàu này có khả năng chở tới 36 chiếc tiêm kích-ném bom F-35B và một số trực thăng.
Nhật Bản
Tàu khu trục chở trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Seaforces. |
Lực lượng hải quân thứ 5 trong danh sách xếp hạng này khá đặc biệt, vì về mặt kỹ thuật, nó không thực sự là một hải quân. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản không phải là một lực lượng quân đội. Nhân sự của lực lượng này là công chức chứ không phải thủy thủ.
Dù ít được biết tới, Nhật Bản đã xây dựng được một trong các lực lượng hải quân lớn nhất, tiên tiến nhất và có nhân lực chuyên nghiệp nhất thế giới.
Lực lượng Phòng vệ Biển có tổng cộng 114 tàu và 45.800 nhân viên. Cốt lõi của lực lượng này là hạm đội tàu khu trục, được xây dựng nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải kết nối Nhật Bản với bên ngoài trong Thế chiến 2. Hạm đội này bao gồm 46 tàu khu trục - nhiều hơn cả lực lượng hải quân Anh và Pháp cộng lại, và được mở rộng trong những năm gần đây để đáp ứng các nhiệm vụ mới. Kể từ giữa những năm 2000, lực lượng khu trục hạm Aegis của “hải quân” Nhật đã được trao nhiệm vụ bảo đảm “chiếc ô phòng vệ” trước các tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
Thậm chí cho đến gần đây, Nhật Bản đã đóng ba “tàu khu trục trực thăng” (theo cách gọi của họ), mỗi tàu lớn gấp đôi tàu khu trục trung bình và có rất nhiều điểm tương đồng cả bên trong lẫn bên ngoài với các tàu sân bay. Thực chất đây chính là các tàu sân bay, được thiết kế để chở máy bay trực thăng và có thể cả máy bay tiêm kích-ném bom F-35B trong tương lai.
Nhật Bản có năng lực đổ bộ đường biển khiêm tốn nhưng đang lớn mạnh. Nhật hiện có 3 tàu đổ bộ nặng 9.000 tấn có thể vận chuyển 300 quân và hàng chục xe thông qua trực thăng và thuyền đệm không khí.
Các tàu khu trục trực thăng này có thể chở được cả một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, chở cả máy bay trực thăng để vận chuyển số lính này, cũng như mang cả trực thăng tấn công Apache để yểm trợ trên không cho họ.
Từng chiếc tàu trong lực lượng tàu ngầm của Nhật Bản đều thuộc dạng là một trong những con tàu tốt nhất thế giới. Có 16 tàu ngầm trong “hải quân” Nhật, tàu lớn nhất là lớp Soryu.
Sở hữu một hệ thống đẩy tiên tiến, các tàu ngầm Soryu có khả năng lặn lâu hơn các tàu ngầm thông thường.
Hạm đội tàu ngầm Nhật còn rất trẻ, với tàu ngầm cũ rút ra khỏi hoạt động có độ tuổi trung bình chỉ 18-20 năm.
Nhật Bản đã công bố nâng cấp đội tàu ngầm lên thành 22 chiếc nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ sức mạnh của Hải quân Trung Quốc.
TH/VOV