Quốc tế
Thế giới tuần qua: IS hành quyết công dân phương Tây thứ 4
Con tin người Anh bị hành quyết, "Cách mạng Ô" ở Hong Kong (Trung Quốc), bất ổn tiếp diễn ở Donetsk (Ukraine)...
Một người đàn ông đeo mặt nạ đứng cạnh một người đàn ông đang quỳ được xác định là công dân Anh Alan Henning. Hình ảnh trích trong video do IS tung ra vào ngày 03/10/2014 |
1. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ( IS) tối 3/10 tung lên mạng Internet video clip cảnh hành quyết ông Alan Henning, công dân người Anh. Ông Henning, 47 tuổi, là lái xe taxi ở Eccles, vùng Greater Manchester của Anh. Ông bị bắt cóc cách đây 9 tháng khi cùng đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo vào lãnh thổ Syria. Ông Henning được cho là bị IS giam giữ cùng khoảng 20 con tin phương Tây khác tại thời điểm đó. Vợ ông đã từng lên truyền hình Anh kêu gọi lực lượng bắt cóc trả tự do cho ông.
Vụ việc diễn ra sau khi Anh bắt đầu tham gia lên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu và tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại Iraq từ ngày 30/9. Hiện các cơ quan tình báo của Anh và Mỹ đang kiểm chứng tính xác thực của đoạn video nói trên. Nếu video clip này được xác minh là đúng sự thực, thì ông Henning là công dân thứ 2 và là người phương Tây thứ 4 bị IS hành quyết dã man.
Vụ việc đã gây phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia ngày 3/10 đã lên án hành vi của IS và bày tỏ ủng hộ Liên minh quốc tế chống nhóm khủng bố này.
Hình ảnh toàn cảnh cuộc biểu tình Chiếm Trung tâm ở Hong Kong ngày 4/10 (Ảnh EFE) |
2. Cuộc biểu tình quy mô nổ ra ở Hong Kong cuối tuần qua xuất phát từ nguyên nhân là việc Trung Quốc quyết định hạn chế việc đề cử các ứng viên cho cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính Hong Kong. Trước đó, vào tháng 8/2014, ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc quyết định sẽ không cho phép đề cử ứng viên một cách cởi mở trong cuộc bầu cử Hong Kong năm 2017. Thay vào đó các ứng viên sẽ phải được một cơ quan đề cử đặc biệt tại Bắc Kinh phê chuẩn thì mới có tên trên lá phiếu cử tri.
Phong trào Chiếm Trung tâm dựa vào phong trào sinh viên, khuyến khích cư dân Hong Kong tham gia vào một cuộc biểu tình ngồi quy mô lớn ở quảng trường Civic bên trong quận Admiralty, với yêu cầu Trưởng đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh phải từ chức, và yêu cầu được bầu cử theo phổ thông đầu phiếu. Phong trào này còn được gọi với tên "Cách mạng dù" do những người biểu tình sử dụng ô dù để che chắn lựu đạn hơi cay của cảnh sát.
Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh vào cuối ngày 4/10 đã cảnh báo rằng phong trào "Chiếm trung tâm" có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.
Lo ngại một cuộc trấn áp của cảnh sát, những người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong cho biết họ sẽ dỡ bỏ việc phong tỏa tòa nhà chính quyền. Tuy nhiên lãnh đạo phong trào biểu tình của sinh viên cũng cho biết đã chuẩn bị tinh thần cho những thử thách tiếp theo.
Trước đó, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ 19 người sau cuộc đụng độ trong đêm 3/9 khi một nhóm người- bao gồm cả nhiều tên bất hảo- đã cố tình xua đuổi những người biểu tình khỏi những con đường mà họ chiếm giữ trong cuộc biểu tình hòa bình kéo dài hơn 1 tuần qua.
Khói bốc lên gần sân bay quốc tế Donetsk khi xảy ra giao tranh giữa lực lượng đối lập và lực lượng chính phủ Ukraine ngày 03/10/2014 (Ảnh Reuters) |
3. Ngày 3/10, giao tranh dữ dội tiếp tục xảy ra giữa các binh sĩ Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nhằm giành quyền kiểm soát sân bay chiến lược ở Donesk. Nhiều tiếng nổ lớn vang lên trong thành phố. Giao tranh đã làm 71 binh sĩ và dân thường thiệt mạng, trong đó có một nhân viên của Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế (ICRC).
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 3/10 đã có cuộc điện đàm, thảo thuận về tình hình Ukraine. hai bên nhất trí duy trì tiếp xúc chặt chẽ và tiến hành các cuộc thảo luận thực chất về các vấn đề liên quan tình hình Ukraine trong phạm vi quốc tế và song phương.
Cùng ngày, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đã kêu gọi các bên liên quan ở Ukraine chấm dứt ngay tình trạng xung đột và thực thi các biện pháp đã được nhất trí trong thỏa thuận ngừng bắn đạt được đầu tháng 9 vừa qua.
Binh lính quân đội Nhật Bản tiến hành hoạt động cứu hộ trên núi Ontake, sau vụ lửa phun trào ngày 27/9/2014. Ảnh chụp ngày 4/10 (Reuters) |
4. Núi lửa bất ngờ phun trào hôm thứ Bảy (27/9) tại núi Ontake, Nhật Bản, khiến hàng chục người leo núi bị thưởng và thiệt mạng. Tính đến ngày 4/10, có thêm 4 thi thể nữa được tìm thấy, nâng tổng số người thiệt mạng vì núi lửa Ontake lên con số 50 người.
Núi lửa Ontake nằm giữa tỉnh Nagano và Gifu, cách thủ đô Tokyo khoảng 200km. Đây là 1 trong hơn 100 ngọn núi đang hoạt động tại Nhật Bản, tuy nhiên, đã không có bất kỳ cảnh báo nào về sự thức giấc của núi lửa Ontake.
Lực lượng cứu hộ với sự tham gia của khoảng 1.000 binh sĩ quân đội, đang tiếp tục hoạt động tìm kiếm tại khu vực miệng núi lửa. Theo số liệu chính thức do nhà chức trách Nhật Bản cung cấp trước đó, có khoảng 16 người vẫn đang mất tích. Các quan chức y tế Nhật Bản lo ngại số người thiệt mạng có thể còn tăng cao trong thời gian tới.
Hai đoàn đại biểu cao cấp của Hàn Quốc và Triều Tiên gặp nhau tại Incheon ngày 4/10, thống nhất nối lại các cuộc đối thoại ngoại giao giữa 2 miền Triều Tiên (Ảnh Reuters) |
5. Triều Tiên đã cử một đoàn đại biểu cấp cao tới Hàn Quốc tham dự lễ bế mạc Asian Games diễn ra trong ngày 3/10 tại Incheon.
Ngày 4/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên Hwang Pyong-So cùng với hai quan chức cấp cao khác của Triều Tiên là ông Choe Ryong-Hae và ông Kim Yang-Gon đã có cuộc gặp với những quan chức cấp cao Hàn Quốc, trong đó có cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống, ông Kim Kwan- jin và Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae. Hai bên đã trao đổi quan điểm về những vấn đề môi trường, năng lượng, an toàn hạt nhân, xây dựng lòng tin thông qua các lĩnh vực hợp tác phi quân sự. Đồng thời nhất trí tổ chức thêm các cuộc đối thoại cấp cao khác vào một thời điểm thích hợp, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 4/10 hoan nghênh cuộc đối thoại cấp cao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong một tuyên bố, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, đối thoại là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng giữa 2 bên, đồng thời kêu gọi 2 bên nhất trí sớm tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao khác.
Trước đó, trong một tuyên bố tại Geneva, Thụy Sỹ hôm 2/10, đặc phái viên Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc So Se Pyong cho biết: Triều Tiên sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của nước này.
Hành khách đi máy bay mang Ebola vào Mỹ ban đầu đã đến một phòng cấp cứu ở Dallas tuần trước nhưng sau đó đã được gửi về nhà (Wochit) |
6. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố số liệu cập nhật mới nhất cho thấy virus Ebola đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.338 người ở khu vực Tây Phi. Số liệu thống kê mới nhất của WHO cho biết, đã có 7.318 người nhiễm Ebola, trong đó hơn 3.338 người tử vong, nhiều nhất là ở Liberia, New Guinea, Sierra Leone.
Mới đây nhất, ngay trên đất Mỹ, tại bệnh viện Dallas (bang Texas), 1 thanh niên đến từ Liberia xác định bị nhiễm Ebola. Đây là trường hợp đầu tiên mắc Ebola ở bên ngoài châu Phi. Ngày 2/10, các quan chức y tế cộng đồng bang Texas, Mỹ cho biết, khoảng 100 người có thể đã tiếp xúc với Thomas Eric Duncan, người đàn ông Liberia được chẩn đoán nhiễm virus Ebola. 4 người trong số này, trong đó có 2 người thân của Duncan đã được yêu cầu cách ly tại nhà riêng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh chết người này.
Cũng trong ngày 2/10, chính quyền Liberia tuyên bố sẽ truy tố Duncan vì anh này đã nói dối trong lúc kiểm tra y tế trước khi lên máy bay rằng, anh đã không chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Ebola và không chạm vào các nạn nhân tử vong vì căn bệnh này.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế hàng đầu châu Âu ngày 5/10 dự báo, có 75% khả năng virus Ebola sẽ tấn công nước Pháp trong vòng 20 ngày tới, dù y tá người Pháp nhiễm Ebola tại Liberia đã được chữa khỏi.
Tân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chủ trì cuộc họp đầu tiên với các đại sứ NATO tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 1/10/2014 (Ảnh AP) |
7. Ngày 1/10, cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg chính thức đảm nhận chức vụ Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO thay người tiền nhiệm Anders Fogh Rasmussen. Ông Stoltenberg nhậm chức trong bối cảnh châu Âu và thế giới ngổn ngang nhiều vấn đề an ninh, có chiều hướng diễn biến đan xen phức tạp.
Ngày 1/10, trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức tân Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg cam kết sẽ duy trì một liên minh vững chắc và ổn định các nước láng giềng “bằng cách bắt tay với các đối tác” và tiếp tục coi mối quan hệ giữa châu Âu với Mỹ là “hòn đá tảng” của liên minh này.
Lá cờ của nước chủ nhà Asian Games 18- Indonesia bên cạnh quốc kỳ Hàn Quốc trong lễ bế mạc Thế vận hội châu Á lần thứ 17 tại Incheon, Hàn Quốc, ngày 4/10/2014 (Ảnh AP) |
8. Ngày 4/10, sau 16 ngày tranh tài, Asiad 17 tại Incheon, Hàn Quốc với hơn 9500 vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 36 bộ môn với 439 tấm huy chương vàng đã chính thức khép lại. Ở kỳ đại hội năm nay, có tất cả 14 kỉ lục thế giới đã được thiết lập mới sau Asiad 17 và hơn 40 kỉ lục châu Á cũng đã được thiết lập.
Ban tổ chức đã tiến hành nghi thức trao quyền đăng cai kỳ ASIAD tiếp theo vào năm 2018 cho thành phố Jakarta của Indonesia.
Nguồn: vov.vn