Quốc tế
Nga hoàn thành sứ mệnh nhân đạo tại Ukraine
15:18, 25/08/2014 (GMT+7)
Bộ Ngoại giao Nga ngày 23/8 ra tuyên bố cho biết, toàn bộ số hàng viện trợ nhân đạo cho người dân ở miền Đông Ukraine đã được phía Nga chuyển giao theo đúng kế hoạch và đoàn xe tải đang trên đường trở về nước với những thùng xe trống không, qua đó bác bỏ cáo buộc của Ukraine đưa ra trước đó rằng, các xe của Nga đã quay trở về nước, song lại chở theo các trang thiết bị từ một nhà máy quân sự của Ukraine.
Chính trị hóa việc viện trợ nhân đạo
Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine Andriy Lysenko, lực lượng biên phòng và hải quan Ukraine đã không được kiểm tra các xe cứu trợ của Nga đi vào lãnh thổ Ukraine hôm 22/8 mà không có giấy phép chính thức.
Phát biểu trong một buổi họp báo, ông A. Lysenko cho biết, đoàn xe này đã lấy các trang thiết bị được chế tạo từ nhà máy Topaz, cơ sở chế tạo hệ thống hệ thống radar Kolchuga, và từ một nhà máy ở Luhansk, cơ sở sản xuất băng đạn cho súng cầm tay.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 23/8, người phát ngôn Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Alexander Drobyshevsky khẳng định, cả lực lượng biên phòng lẫn các nhân viên hải quan của Ukraine và Nga đều đã kiểm tra tất cả các xe; đồng thời nhấn mạnh, các nhà báo ở hiện trường, kể cả những nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông nước ngoài, đều có thể “đưa ra kết luận độc lập rằng tất cả các xe này đều trống rỗng”.
Kể từ khi Nga quyết định hợp tác với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) nhằm cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo cho người dân tại vùng Đông Nam Ukraine, chính quyền Ukraine và các đồng minh phương Tây luôn nghi ngờ Nga sử dụng đoàn xe nhân đạo làm vỏ bọc để cung cấp vũ khí cho lực lượng đòi liên bang hóa ở miền Đông.
Toàn bộ đoàn xe chở hàng viện trợ của Nga đã rời Ukraine với những thùng xe trống không |
Tuy nhiên, Moskva đã nhiều lần khẳng định không có ý định xâm nhập lãnh thổ Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, việc Nga gửi đoàn xe cứu trợ tới Đông Nam Ukraine hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực của luật nhân đạo quốc tế. Theo ông, Kiev và các nhà bảo trợ phương Tây đã đưa ra vô số lý do quan liêu để ngăn cản hoạt động cứu trợ nhân đạo của Nga.
Trên thực tế, Kiev và các nước bảo trợ chỉ quan tâm đến việc chống Nga và đang đặt lợi ích chính trị của mình lên trên các chuẩn mực nhân đạo. Đồng quan điểm, trong một tuyên bố ngày 23/8, bà Valerie Amos, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) nhấn mạnh, việc Nga cung cấp, viện trợ cho Ukraine đang bị chính trị hóa. Bà Amos chia sẻ: “Chúng tôi rất lo ngại rằng tình hình tại Ukraine có thể trở nên xấu hơn bởi giao tranh vẫn chưa chấm dứt.
Tại miền Đông nước này, chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều người đang cần sự cứu trợ”. Trước đó, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ hôm 22/8, Đại diện thường trực Nga tại LHQ Vitaly Churkin khẳng định, Nga chỉ gửi hàng cứu trợ nhân đạo sau khi nhận được sự đồng ý của chính quyền Ukraine trong công hàm chính thức nhận được hôm 12/8.
Vì vậy, Nga không vi phạm chủ quyền Ukraine theo như các cáo buộc đưa ra và Nga chỉ muốn giúp những người cần giúp đỡ. Ông cũng bác bỏ cáo buộc của Kiev cho rằng, Nga không cho phép hoàn tất quá trình kiểm tra hàng hóa trên xe cứu trợ. Cũng trong ngày 22/8, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đã quyết định cho đoàn xe cứu trợ di chuyển vào lãnh thổ Ukraine vì không thể tiếp tục chờ đợi phản ứng của Kiev, cũng như không thể chậm trễ hơn nữa trong việc chuyển hàng cứu trợ tới người dân ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống V. Putin cũng khẳng định, hành động "câu giờ" của chính quyền Ukraine khiến người dân ở Đông Nam nước này không thể tiếp cận được với hàng hóa cứu trợ trong bối cảnh họ đang phải hằng ngày gánh chịu thảm họa nhân đạo do các cuộc xung đột gây ra.
Đức khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ chính quyền Ukraine
Ngày 23/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm Ukraine lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Đông Âu này. Tại buổi làm việc với Tổng thống nước chủ nhà Petro Poroshenko, bà A. Merkel cho rằng, Ukraine đang ở trong một giai đoạn khó khăn khi phải xử lý các vấn đề liên quan sự toàn vẹn lãnh thổ.
Bà kêu gọi các bên sớm tìm ra một giải pháp hòa bình để tháo gỡ các bế tắc hiện nay, trước mắt có thể là một lệnh ngừng bắn tạm thời giữa quân đội chính phủ và lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở khu vực miền Đông. Thủ tướng Đức khẳng định, Berlin sẽ tiếp tục ủng hộ chính quyền Kiev và coi sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là một mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Đức. Cũng tại buổi gặp, bà A. Merkel đã chính thức thông báo, Đức sẽ cung cấp khoản tín dụng 500 triệu Euro cho Ukraine nhằm giúp nước này cải tạo cơ sở hạ tầng năng lượng và nước, đặc biệt tại thành phố Donbass. Ngoài ra, Đức sẽ hỗ trợ thêm 25 triệu Euro nhằm hỗ trợ những người tị nạn và tiếp nhận những binh sỹ Ukraine bị thương nặng tới Đức điều trị.
Về phần mình, Tổng thống Poroschenko khẳng định, chính quyền Kiev quyết tâm theo đuổi giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột hiện nay. Ông hoan nghênh những đề nghị và đánh giá cao sự hỗ trợ của phía Đức.
Trong bài phát biểu trước cuộc diễu hành nhân ngày độc lập, ngày 24/8 tại thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cam kết chi khoảng 3 tỉ USD để tái trang bị cho quân đội nước này trong vài năm tới. Tổng thống P. Poroshenko cho biết: “Từ năm 2015 đến 2017, chúng tôi có kế hoạch chi hơn 40 tỷ hryvnia (3 tỷ USD) cho hoạt động tái vũ trang. Thật không may, rõ ràng trong tương lai có thể thấy trước, một mối đe dọa quân sự sắp xảy ra với Ukraine. Và chúng ta cần không chỉ học cách sống chung với điều này, mà phải luôn sẵn sàng bảo vệ nền độc lập của đất nước chúng ta”. |
Nguồn: cand.com.vn