Đại dương trên Titan, mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, có thể có nồng độ muối tương đương với Biển Chết ở Trái Đất.
Đây là kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) công bố ngày 2/7.
Nghiên cứu mới nhất của NASA, đăng trên tạp chí Icarus, được tiến hành dựa trên các số liệu về trọng lực và địa hình do tàu thám hiểm không gian Cassini thu thập trong các chuyến bay tới Titan trong suốt 10 năm qua.
Phân tích các số liệu của Cassini, các nhà khoa học của NASA tái lập cấu trúc mô hình hoàn thiện của Titan, gồm những lớp băng bề mặt cũng như đại dương nằm bên dưới.
Theo mô hình này, các nhà khoa học nhận định đại dương của Titan cần phải có tỷ trọng tương đối cao mới cho ra những thông số trọng lực như đã thu thập được.
Ảnh chỉ có tính minh họa |
Như vậy, khả năng được đưa ra là nước ở đại dương này chứa lượng muối rất lớn với thành phần chủ yếu là sulfur, sodium (Natri) và potassium (Kali).
NASA ước tính nồng độ muối trong nước biển trên Titan có thể tương đương nồng độ muối ở Biển Chết trên Trái Đất.
Trưởng nhóm nghiên cứu Giuseppe Mitri của Đại học Nantes, Pháp, nêu rõ kết quả nghiên cứu làm thay đổi giả thiết đại dương này có thể là nơi nuôi dưỡng sự sống trong thời điểm hiện tại.
Ngoài ra thông số của Cassini cũng cho thấy bề mặt băng ở Titan có độ dày tương đối đồng đều. Nguyên nhân của việc này là do vỏ ngoài cùng của mặt trăng rất cứng khi đại dương bị tinh thể hóa và đóng băng từ từ.
Mặt khác, bề mặt của mặt trăng này có xu hướng tự san phẳng qua thời gian như sáp nến ấm. Quá trình đóng băng này có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng tồn tại sự sống tại đại dương của Titan, vì nó hạn chế khả năng vật chất trao đổi giữa bề mặt và đại dương.
Việc phát hiện ra đại dương trên mặt trăng Titan của Sao Thổ vốn được xem như một bước tiến lớn trong sứ mệnh tìm kiếm một hành tinh có thể có sự sống như Trái Đất. Tuy nhiên, các phát hiện mới có thể dập tắt hy vọng về sự sống tồn tại trên vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Sao Thổ này.
.