Quốc tế

Miền Đông Ukraine tiếp tục "dậy sóng"

16:31, 28/06/2014 (GMT+7)

Theo hãng tin Reuters, ngày 27/6, 4 binh sỹ Ukraine đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong cuộc tấn công đêm 26/6 của các tay súng thuộc lực lượng vũ trang tự xưng ở miền Đông nhằm vào một cơ sở quân sự ở khu vực này. Trước đó, lực lượng này cũng đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào một đơn vị quân đội không chính quy của Ukraine tại trung tâm thành phố công nghiệp Donetsk.

Theo chuyên gia quân sự Dmytro Tymchuk, người có nguồn tin thân cận với lực lượng Chính phủ Ukraine, đêm 26/6, các tay súng thuộc lực lượng vũ trang tự xưng đã xông vào một căn cứ quân sự gần Kramatorsk dưới sự yểm trợ của xe tăng và súng cối.

Ông Dmytro Tymchuk nhấn mạnh: "Quân chính phủ đã đáp trả, phá hủy một xe tăng và thu giữ một xe tăng khác. Bốn quân nhân đã thiệt mạng trong khi 5 người khác bị thương”. Trong khi đó tại Donetsk, ít nhất 200 tay súng đã bao vây khu vực đặt trụ sở của một đơn vị thuộc lực lượng Cảnh vệ Quốc gia Ukraine đồng thời yêu cầu đơn vị này đầu hàng. Lực lượng Cảnh vệ Quốc gia ra tuyên bố cho biết cuộc tấn công ban đầu của lực lượng vũ trang tự xưng đã bị đẩy lùi và quá trình đàm phán giữa hai bên đang được tiến hành. Một ngày trước khi kết thúc hiệu lực lệnh ngừng bắn của chính phủ, hàng nghìn người Ukraine đã lũ lượt rời khỏi Ukraine về biên giới với Nga.

Một tay súng thuộc lực lượng vũ trang tự xưng ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Itar-Tass.

Người đứng đầu một trạm gác biên giới tại Lugansk cho biết, chỉ trong đêm 25/6, đã có 5.000 người rời khỏi đây sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần qua tại Ukraine không giúp chấm dứt tình hình bạo lực tại khu vực này. Chính phủ Nga cũng cho biết, hơn 2 tháng kể từ khi Ukraine phát động cuộc tấn công vào khu vực miền Đông, hàng chục ngàn người dân Ukraine đã nhập cảnh vào Nga để tìm kiếm chỗ trú ẩn an toàn cho bản thân và con em họ.

Cũng trong ngày 26/6, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố, ông sẵn sàng đạt thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhằm chấm dứt các cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai trong khu vực. Quyết định của Tổng thống Ukraine Poroshenko và người đồng cấp Nga được đưa ra chỉ một ngày trước khi ông ký các chương cuối cùng của thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó, 2 nhà lãnh đạo đã đề cập đến các hoạt động giám sát lệnh ngừng bắn giữa hai bên xung đột, sự cần thiết của việc gia hạn lệnh ngừng bắn, tổ chức cuộc gặp các nhóm tiếp xúc và thả tự do cho những người bị bắt giữ.

Đây là lần thứ 2 trong hai ngày qua, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin có các cuộc thảo luận về những biện pháp giúp giảm căng thẳng tại khu vực Đông Ukraine. Trong khi đó, phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại Paris ngày 26-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kery cũng kêu gọi Nga sử dụng ảnh hưởng của mình đối với lực lượng ủng hộ liên bang hóa tại miền Đông để giảm căng thẳng trong khu vực. Theo hãng tin Interfax của Nga, lực lượng ủng hộ liên bang hóa tại miền Đông Ukraine nhất trí tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình tại Donetsk vào ngày 27/6.

Trong một động thái thiện được cho là có thể giúp mở đường cho giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, sáng 27/6, lực lượng vũ trang tự xưng ở miền Đông đã trả tự do cho 4 trong 8 quan sát viên quốc tế thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bị lực lượng này bắt giữ.     

Trong một diễn biến mới nhất đáng quan tâm chiều 27/6, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết hiệp định liên kết mang tính lịch sử với 3 nước thuộc Liên Xô cũ là Ukraine, Gruzia và Moldova. Hiệp định này cho phép các quốc gia kể trên liên kết chặt chẽ hơn cả về chính trị lẫn kinh tế với EU, đánh dấu bước chuyển hướng mang tính quyết định sang phía phương Tây của ba nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Đại diện EU ký văn kiện trên là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cùng đại diện các thể chế khác của EU, lãnh đạo 28 nước thành viên. Người ký văn kiện về phía ba nước đối tác là Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvily, Thủ tướng Moldova Iurie Leanca. Tổng cộng sẽ có 31 chữ ký dưới văn kiện này. Hiệp định liên kết bao gồm sự hội nhập kinh tế sâu sắc vào EU, hài hòa hóa cơ sở pháp lý của các nước đối tác theo tiêu chuẩn châu Âu, cũng như thành lập khu vực thương mại tự do với khối này. Tuy nhiên Hiệp định liên kết không bao hàm việc gia nhập EU trong tương lai. Hiệp định liên kết trên sẽ còn phải được nghị viện tất cả các nước ký phê chuẩn.

Sau lễ ký kết, Tổng thống Poroshenko đã gọi đây "những ngày quan trọng nhất" trong lịch sử nhà nước Ukraine độc lập, đưa quốc gia thuộc Liên Xô cũ này bước vào một sự khởi đầu mới sau nhiều năm bất ổn về chính trị. Tổng thống Ukraine cho biết sẽ tận dụng “cơ hội để hiện đại hóa”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiệp định sẽ đem lại hòa bình và an ninh cho khu vực. Ông khẳng định, đối với Ukraine, Hiệp định liên kết với EU không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề niềm tin vào “ước mơ châu Âu” của người dân.

Về phần mình, Chủ tịch EU Barroso tuyên bố, sau đây ba nước đối tác trên sẽ phải triển khai một tiến trình cải cách và cải tổ “lâu dài và sâu rộng”. Trước đó ông Barroso đã gọi Hiệp định liên kết với ba nước trên là “dự án hợp tác tham vọng nhất” của EU với các nước thứ ba. Trong một diễn biến liên quan sau khi lễ ký kết diễn ra, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ có biện pháp bảo vệ nền kinh tế của mình ngay khi Hiệp định liên kết giữa Ukraine với EU có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác