Quốc tế

Cúi đầu xin lỗi người dân!

15:51, 28/04/2014 (GMT+7)
Ngày 27/4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đã “cúi đầu” xin lỗi trước người dân Hàn Quốc và tuyên bố từ chức sau khi nhận trách nhiệm về “cách phản ứng chưa hiệu quả của chính phủ” trong công tác tìm kiếm, cứu nạn vụ chìm phà Sewol ngày 16/4 khiến hơn 300 người mất tích và thiệt mạng.
 
Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra sau 11 ngày xảy ra vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc, ông Chung Hong-won nói: “Tôi muốn đưa ra lời xin lỗi vì đã giải quyết sai lầm một số vấn đề, từ các biện pháp phòng vệ trước khi xảy ra vụ tai nạn, cho tới các phản ứng ban đầu của chính phủ và những biện pháp giải quyết tiếp theo…Trước nỗi đau đớn, sự giận giữ của gia đình các nạn nhân và người dân Hàn Quốc, tôi cho rằng, điều đúng đắn hiện nay mình có thể làm là nhận toàn bộ trách nhiệm về vụ việc và từ chức”.
 
Thủ tướng Chung Hong-won - người đứng đầu lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc - trực tiếp chịu trách nhiệm thực thi chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn phà Sewol cho rằng, quyết định từ chức của ông có thể là một cách thức phù hợp để ông có thể gửi lời xin lỗi tới người dân Hàn Quốc. Ông Chung Hong-won thừa nhận, cho dù ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết khắc phục hậu quả, song ông vẫn đưa ra quyết định từ chức bởi ông không muốn trở thành “một gánh nặng cho chính phủ Hàn Quốc khi tiếp tục giữ cương vị này”.
 
Thủ tướng Chung Hong-won cúi đầu xin lỗi người dân Hàn Quốc và tuyên bố từ chức  trong cuộc họp báo ngày 27/4. (Ảnh: Yonhap)
Thủ tướng Chung Hong-won cúi đầu xin lỗi người dân Hàn Quốc và tuyên bố từ chức trong cuộc họp báo ngày 27/4. (Ảnh: Yonhap)
 
Trong lời phát biểu ngày 27/4, ông Chung Hong-won tiếp tục kêu gọi các lực lượng cứu nạn Hàn Quốc “nỗ lực hết sức mình để tìm kiếm những hành khách còn mất tích tại hiện trường vụ chìm phà”. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo cấp cao thứ 2 của Hàn Quốc cũng kêu gọi người dân nước này “sát cánh bên nhau cho đến khi nào vụ tai nạn thảm khốc này được giải quyết một cách phù hợp”.
 
“Tôi đã nhận ra một thực tế cay đắng rằng, xã hội của chúng ta vẫn tồn tại sự tham nhũng kéo dài và những hành vi sai trái. Tôi hy vọng rằng, chúng ta có thể xem thảm kịch này như một bài học cho cách thức giải quyết vấn đề, nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai” - ông Chung Hong-won nói.
 
Về phía Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho biết, bà sẽ chấp nhận đơn xin từ chức của ông Chung Hong-won, tuy nhiên phải chờ cho tới khi mọi vấn đề liên quan tới chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn phà Sewol nằm trong tầm kiểm soát.
 
Trưa ngày 16/4, phà Sewol, có trọng tải 6.825 tấn đã bị chìm khi đang trong hành trình từ Incheon, phía Tây thủ đô Seoul đến đảo phía Nam Jeju của Hàn Quốc. Vào thời điểm đó, con phà đang chở theo 467 hành khách - hầu hết là những học sinh trung học. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực giải cứu, các lực lượng chức năng hiện mới chỉ cứu sống được 174 người, số người thiệt mạng tạm tính tới thời điểm này là 188 người trong khi vẫn còn 114 người mất tích.
 
Vụ tai nạn hàng hải thảm khốc nhất trong lịch sử Hàn Quốc đã khiến chính phủ nước này phải đối mặt với một làn sóng giận dữ từ dư luận do cách thức “xử lý chưa hiệu quả và không đủ nỗ lực hay hành động nhanh chóng để cứu người vào thời điểm đầu tiên khi con phà bị chìm”. Tuy nhiên, dư luận Hàn Quốc còn giận dữ và thất vọng gấp nhiều lần hơn khi thuyền trưởng và các thủy thủ lại là những người đầu tiên rời khỏi con phà khi lâm nạn.
 
Vụ chìm phà Sewol không chỉ trở thành một “thử thách” lớn nhất trong công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm, cứu nạn của Hàn Quốc trong thời bình, mà còn khiến nhiều quan chức nước này bị “mất ghế” vì những hành động hay phát ngôn không phù hợp, gây bất bình trong dư luận. Ngày 21/4, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Hành chính công và An ninh Hàn Quốc đã từ chức vì không chịu nổi sức ép của dư luận sau khi cố gắng để thực hiện một bộ ảnh kỷ niệm ngay phía trước các gia đình nạn nhân vụ đắm phà. Ngày 22/4, một quan chức của Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cũng đã bị cách chức vì có tuyên bố nhạy cảm, không phù hợp trước sự đau buồn của các gia đình nạn nhân thảm họa chìm phà Sewol. Tuy nhiên, quyết định bất ngờ của Thủ tướng Chung Hong-won đã gây chú ý đặc biệt bởi ông là nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Hàn Quốc từ chức sau vụ chìm phà, lại với lý do gánh vác những trọng trách - mà trên thực tế không phải trực tiếp do bản thân ông gây nên.
 
Cho tới nay, các nhà chức trách Hàn Quốc vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ việc, song có một thực tế rõ ràng rằng, lỗi trực tiếp thuộc về tổ lái và những người chỉ đạo trực tiếp trên con phà khi nó bị đắm. Thế nhưng, với trách nhiệm của một người dứng đầu chính phủ, chỉ nắm giữ công tác điều hành gián tiếp các cơ quan vận hành, chủ quản con phà Sewol, ông Chung Hong-won lại đưa ra một quyết định và những câu nói nhận trực tiếp trách nhiệm và sai lầm về mình.
 
Những hành động hay quyết định - dù là nhỏ nhất của một nhà lãnh đạo, một người đứng đầu chính phủ Hàn Quốc như ông Chung Hong-won sẽ nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh những ngày này, cả thế giới đang hướng về đất nước Hàn Quốc để cùng san sẻ những nỗi đau, mất mát của người dân Hàn Quốc sau vụ chìm phà Sewol. Có thể một quyết định này của ông Chung Hong-won sẽ gây ra nhiều tranh cãi: ủng hộ có, không đồng tình có…Nhiều người có thể đặt ra câu hỏi rằng, tại sao ông Chung Hong-won lại đưa ra quyết định từ chức vào thời điểm này; Tại sao ông lại phải từ chức khi ông không trực tiếp lái con phà đó và cũng không bỏ rơi hành khách khi con phà lâm nạn; Tại sao chỉ một sự chậm trễ của một người “trăm công nghìn việc như ông” - đó là đến đảo Jindo chỉ 1 ngày sau khi con phà đắm cũng vấp phải sự phản ứng giận dữ của người dân đến thế…Có lẽ, trả lời được hết những câu hỏi này không phải là một điều dễ dàng và ông Chung Hong-won đã chọn cho mình một lối đi riêng, một kết thúc có thể khiến ông có thể sống và ngẩng đầu, để san sẻ nỗi day dứt với gia đình của những nạn nhân (!?).
 
Vào thời điểm này, không ai có thể đưa ra phán xét rằng quyết định của ông Chung Hong-won là “sai hay đúng”, song chí ít, hành động của ông đáng được “coi trọng” bởi giữa muôn vàn phương án lựa chọn khác nhau, hay thậm chí là đùn đẩy trách nhiệm cho người khác thì ông đã tự chọn một “hình phạt nặng nhất” cho mình, đó là “ từ bỏ chiếc ghế quyền lực và công khai nhận lỗi trước người dân”.

Nguồn: ĐCS

Các tin khác