Quốc tế
Putin cáo buộc chính quyền Obama nói dối Quốc hội Mỹ
"Chúng ta nói với những người này. Chúng ta cho rằng họ tử tế. Nhưng ông ấy nói dối", Putin nói về Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. "Và ông ấy biết mình dối trá. Thật không hay".
Những bình luận này được đưa ra ngay trước thềm một cuộc bàn thảo cấp thiết toàn cầu về cách thức phản ứng trước cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus ngày 21/8. Ít nhất về vấn đề này, giọng điệu của ông Putin đã để lại rất ít chỗ trống cho hy vọng về một sự thỏa hiệp tại hội nghị G20 hoặc bên lề của sự kiện này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tỏ vẻ cứng rắn khi ông lên đường tới St Petersburg hôm 4/9, tiếp tục giữ một chút lạc quan về triển vọng Kremlin sẽ thay đổi lập trường đối với vấn đề Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Liệu tôi có hy vọng rằng ông Putin sẽ thay đổi quan điểm về một số vấn đề hay không ư? Tôi luôn hy vọng, và tôi sẽ tiếp tục thuyết phục ông ấy", Tổng thống Obama cho biết tại một cuộc họp báo ở Thụy Điển, nơi ông đang thăm trước khi tiếp tục lên đường tới Nga.
Những ngày qua đã chứng kiến nhiều căng thẳng nghiêm trọng giữa Nhà Trắng và Kremlin. Tháng trước, Obama đã hủy một cuộc gặp với Tổng thống Putin dự kiến diễn ra trước hội nghị G20, lần đầu tiên một sự kiện như vậy giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ bị hủy trong 53 năm.
Viện dẫn bế tắc về nhiều vấn đề, từ nhân quyền tới hạn chế vũ khí hạt nhân, và cả việc Nga đồng ý cho người tiết lộ bí mật quốc gia Mỹ Edward Snowden tị nạn hồi tháng 7, Tổng thống Obama tuyên bố chính quyền của ông đang nhấn nút "tạm ngừng" trong quan hệ với Nga.
Ông chủ Nhà Trắng còn nói thêm rằng thái độ ủ dột của Putin trong các cuộc gặp trước đó của họ giống như của một "đứa trẻ buồn chán ở phía sau lớp học".
Trong nhiều tuần, nhà lãnh đạo Nga tránh né phản pháo. Kremlin chỉ bình luận họ "thất vọng" trước quyết định của Obama.
Ngày 3/9, Ông Putin dường như còn đưa ra một tín hiệu hòa giải. Trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin AP, Putin cho biết ông không "loại trừ" việc Moscow ủng hộ một cuộc tấn công quân sự chống lại Syria, một đồng minh lâu năm của Nga. Tuy nhiên, ông đưa ra một "điều kiện cực kỳ nguyên tắc" cho một hành động như vậy - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi Nga có quyền phủ quyết, phải được trình bằng chứng không thể chối cãi rằng cuộc tấn công gần Damascus là do chính phủ Syria thực hiện, như Nhà Trắng cáo buộc.
Bất kỳ một cuộc tấn công bên ngoài nào nhằm vào Syria mà không được Liên Hợp Quốc chấp thuận, theo ông Putin, thì "không khác gì một cuộc xâm lược".
Thông điệp chung của cuộc phỏng vấn - trong đó Putin khuyên Mỹ "không bực mình, hãy kiên nhẫn một chút và nỗ lực hướng tới tìm ra các giải pháp" - để ngỏ cánh cửa cho một sự hòa hợp tại G20.
Tuy nhiên, ngay hôm sau, tín hiệu đó dường như đã tan biến. Tại một cuộc gặp với hội đồng nhân quyền ở Kremlin, Tổng thống Putin cho biết ông đã xem Ngoại trưởng Mỹ Kerry trình bày lý do cho một cuộc tấn công chống Syria với các nhà lập pháp Mỹ, những người dự kiến sẽ bỏ phiếu ủng hộ hành động quân sự trong những ngày sắp tới.
"Tất nhiên ông ta đã nói dối. Và điều đó không hay lắm", ông Putin bình luận.
Trong khi nhiều đại biểu sẽ bị rối trí trong cuộc tranh luận về Syria ở bên lề hội nghị, nghị trình chính thức của G20 đặt ra một mục tiêu toàn cầu về cách thức chống gian lận thuế, tạo việc làm và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới. Trách nhiệm khiến các đại biểu chú ý đến những mục tiêu này sẽ chủ yếu đè lên vai Ksenia Yudaeva, đại diện của Nga ở G20.
"Ít nhất đôi lần trước, nghị trình tổng thể đã bị đẩy xuống đáy bởi vì điều gì đó bùng nổ", bà nói. Tại hội nghị G20 năm ngoái, các đại biểu đã hướng sự chú ý vào tình trạng đổ vỡ tài chính ở Hy Lạp. "Năm nay, chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để tránh điều đó", bà Yudaeva nói thêm.