Theo thông báo của Triều Tiên, việc sử dụng thiết bị thu nhỏ nói trên là một bước tiến đến gần hơn với việc lắp dặt được một đầu đạn và tên lửa đạn đạo. Triều Tiên được cho là có đủ plutonium để sản xuất từ 4 đến 8 đầu đạn.
Một người dân ở Seoul xem bản tin về việc Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân thành công hôm nay. Ảnh: AP |
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA khẳng định việc thử hạt nhân chỉ ba giờ sau khi các thiết bị thăm dò địa chấn phát hiện một rung chấn bất thường vào lúc 2h57 GMT (tức 9h57 Hà Nội) tại một địa điểm gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc. Cơ quan giám sát địa chấn của Nhật cho hay cường độ rung chấn từ 4,8 đến 5,2 độ Richter.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính quả bom được thử lần này mạnh từ 6 đến 7 kiloton.
Thời điểm cuả việc thử hạt nhân này được cho là có tính toán, nó diễn ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Obaam đọc thông điệp liên bang, một phát biểu quan trọng bậc nhất trong năm của tổng thống Mỹ và được truyền trực tiếp trên cả nước. Hôm nay cũng chỉ cách kỷ niệm sinh nhật của ông Kim Jong-il, cha quá cố của lãnh đạo Kim Jong-un, vài ngày. Ông Kim Jong-il là người kiên quyết với chủ trương Triều Tiên cần có tham vọng hạt nhân. Năm nay cũng là thời gian kỷ niệm 60 năm kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Nhật Bản nhanh chóng có tuyên bố lên án việc Triều Tiên thử hạt nhân, và cho rằng việc này sẽ đẩy lùi mọi nỗ lực ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói: "(Vụ thử) đã vi phạm hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Thật vô cùng đáng tiếc. Chúng tôi kịch liệt phản đối".
Hàn Quốc ngay lập tức đã lên án vụ thử hạt nhân.
"Đây là mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh của bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á, là thái độ thách thức đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế", AFP dẫn lời giám đốc cơ quan cố vấn an ninh của Hàn Quốc Chun Young-Woo nói. "Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề cho hành động khiêu khích này", Chun nói thêm.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu rằng việc Triều Tiên thử hạt nhân là sự vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của LHQ.
Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố rằng hành động thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là "khiêu khích" và sẽ không giúp cho Triều Tiueen an toàn hơn. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động "nhanh chóng" và "đáng tin cậy" để đáp trả.
Trong một văn bản phát đi hôm nay của Nhà Trắng, Obama cũng cho biết chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục cảnh giác với Triều Tiên và cam kết vững chắc với các đồng minh của mình ở châu Á.
Hãng thông tấn AFP cho biết Nga cũng lên án việc Triều Tiên thử hạt nhân. Trong khi đó giới tình báo Mỹ đang tìm hiểu thêm vụ vụ rung chấn.
Vị trí của bãi thử hạt nhân trong sự kiện lần này. Ảnh: AFP |
Trong những ngày đầu tiên của năm mới âm lịch, đảng cầm quyền Triều Tiên phát đi lời kêu gọi chuẩn bị cho "trận đánh lớn" và cuộc phóng tên lửa tiếp theo, trong bối cảnh quốc tế lo ngại nước này sắp tiến hành thử hạt nhân.
Trước đó Triều Tiên tuyên bố sẽ thử hạt nhân lần thứ ba để phản đối nghị quyết mới đây của Hội đồng Bảo an LHQ, mở rộng trừng phạt Bình Nhưỡng vì việc họ đã cho phóng tên lửa tầm xa.
Trung Quốc cũng đã có nhiều bình luận trên các báo chí chính thống phê phán kế hoạch thử hạt nhân của Triều Tiên. Bắc Kinh là đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng cả về chính trị và kinh tế.
Triều Tiên từng thử hạt nhân các năm 2006 và 2009, mỗi lần đều gây sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế và dẫn đến các lệnh trừng phạt ngày một chặt hơn của LHQ.
Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã kéo dài nhiều năm qua, với các giai đoạn đàm phán rồi lại tẩy chay, thử vũ khí. Năm ngoái, Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa tầm xa với mục tiêu mà Bình Nhưỡng nói là đưa vệ tinh lên vũ trụ vì mục đích hòa bình, nhưng một số nước cho là để thử tên lửa đạn đạo. Lần phóng thứ hai thành công hôm 12/12, dẫn đến những lời lên án và lệnh trừng phạt bổ sung của LHQ.
Về lâu dài, bước đi tiếp theo của Triều Tiên có thể là mời đàm phán với hình thức 6 bên hoặc đàm phán quân sự tay đôi với Mỹ như Bình Nhưỡng từng có lần yêu cầu trước đây. Với nền kinh tế ốm yếu, việc nước này gây sự chú ý trên thế giới thông qua các việc thử tên lửa và hạt nhân cũng có thể được xem như cách tạo lợi thế khi đàm phán, Jeung Young-tae, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Thống nhất ở Hàn Quốc, nhận định.
Ảnh cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên:
Bản đồ mô tả vị trí các lò phản ứng, cơ sở nhiên liệu và nơi thử bom hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tổ hợp Yongbyon, một cơ sở hạt nhân quan trọng của Triều Tiên ngày 29/12/2004. Ba năm rưỡi sau thời điểm bức ảnh này được chụp, vào ngày 27/6/2008, Triều Tiên phá hủy tháp làm mát trong tổ hợp Yongbyon. Hành động này được coi là biểu tượng của việc Bình Nhưỡng cam kết với những cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân. Ảnh: Digital Globe |
Tháp làm mát trong tổ hợp Yongbyon khi còn nguyên vẹn và khi bị phá hủy năm 2008. Ảnh: AP |
Một bức ảnh vệ tinh cho thấy công trình xây dựng lò phản ứng Taechon ngày 3/9/2002. Lò phản ứng này ở vị trí cách không xa tổ hợp hạt nhân Yongbyon về phía tây. Ảnh: Digital Globe |
Nhà máy làm giàu uranium ở Pakchon, rất gần lò phản ứng Teachon. Tấm hình này được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chụp vào tháng 5/1992. Ảnh: IAEA |
Không phải cơ sở hạt nhân nào của Triều Tiên cũng có hình ảnh mô tả rõ ràng. Hình ảnh vệ tinh này được cho là chụp lại khu vực lò phản ứng Sinpo ở phía đông bắc của Triều Tiên. Ảnh: Google |
Giống như lò phản ứng Sinpo, cơ sở nhiên liệu Sunchon dù ở rất gần thủ đô Bình Nhưỡng và nhiều cơ sở hạt nhân khác nhưng lại không có hình mô tả chính xác. Bức hình vệ tinh này cho thấy một sân bay quân sự tại Sunchon. Ảnh: Google |
Bản đồ này mô tả vị trí của mỏ uranium Pyongsan ở tỉnh Bắc Hwanghae. Uranium tự nhiên được khai thác gần thành phố Pyongsan từ những năm 60 thế kỷ trước. Pyongsan hiện có hai mỏ uranium là Kumdongsan và Kumchon. Một số nguồn tin khẳng định có một cơ sở làm giàu uranium tại thành phố này. Đồ họa: Global Security |
Hình ảnh do vệ tinh của Hàn Quốc dựng lại mô tả khu vực Kilju ở đông bắc của Triều Tiên, nơi được cho là địa điểm tiến hành hai cuộc thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006 và 2009. Hình nhỏ góc trái là sơ đồ quy trình một cuộc thử nghiệm hạt nhân, còn hình nhỏ ở góc phải là vị trí của Kilju trên bản đồ Triều Tiên. Cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên được đánh giá gây chấn động ngang với một trận động đất mạnh 4,7 độ Richter. Đồ họa: Armybase, FAS, Global Security |
Sơ đồ này mô tả quá trình làm giàu uranium và những kết quả khác nhau của quá trình này. Năng lượng hạt nhân được sinh ra từ Uranium 235 (U235), vốn chiếm chỉ 0,7% trong uranium tự nhiên, và phần còn lại là Uranium 238 (U238). Quá trình làm giàu sẽ làm tăng tỷ lệ U235 bằng cách tách nó ra từ U238, thông qua một máy ly tâm. Tỷ lệ U235 được tăng lên thành 4 hoặc 5% là đủ để sản sinh ra nhiên liệu cho các nhà máy điện. Tuy nhiên, khi tỷ lệ U235 được tăng lên mức ít nhất là 90%, đây sẽ là mức đủ để chế tạo ra vũ khí hạt nhân. Đồ họa: Global Security, FAS, AFP |