Chiến thắng sít sao
Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia, Park Geun-hye, thuộc Đảng Saenuri, được 52% số phiếu so với 48% dành cho đối thủ - cựu luật sư Moon Jae-in thuộc Đảng Dân chủ Thống nhất.
Bưu điện Washington cho hay, hai ứng viên này có chính sách tương đối giống nhau, khác biệt chủ yếu ở mức độ và chi phí thực hiện các kế hoạch. Cuộc đua sít sao giữa 2 vị, do đó, trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về hoàn cảnh xuất thân, với bà Park được coi như công chúa, còn ông Moon là ‘thường dân’, Hahm Sung-deuk, một nhà chính trị học tại Đại học Hàn Quốc phân tích.
Vẫn theo Bưu điện Washington, bà Park giành sự ủng hộ áp đảo từ những cử tri 50 tuổi trở lên còn ông Moon thì được lòng giới cử tri từ 21 đến trên 30 tuổi. Do vậy, 2 đấu thủ phải tranh giành lá phiếu của tầng lớp thuộc nhóm tuổi ở giữa. Nhóm cử tri này là nhóm lo lắng nhất về chi phí giáo dục tăng vọt dành cho con cái họ cũng như thị trường việc làm thu hẹp khi các em tốt nghiệp.
Ngay sau thắng lợi bầu cử, Park Geun-hye đã cam kết sẽ “chăm sóc nhân dân từng người một”. Đài CNN dẫn lời bà Park phát biểu tại trụ sở Đảng Saenuri, khẳng định sẽ tạo ra tiếp kỳ tích kinh tế Hàn Quốc để mỗi công dân sẽ bớt phải lo lắng về kế sinh nhai còn giới trẻ sẽ được hạnh phúc đi làm. Cha của bà, tướng Park Chung-hee, khi làm Tổng thống Hàn Quốc cũng từng khuyến khích người dân kéo Hàn Quốc khỏi đói nghèo.
Bà Park Geun-hye và những người ủng hộ (ảnh: AFP) |
Về quan hệ với Triều Tiên, bà Park tuyên bố sẽ nối lại một số dự án kinh tế chung và viện trợ nhân đạo mà Tổng thống Lee Myung-bak đã cắt bỏ.
Con nhà nòi
Bà Park Geun-hye, sinh năm 1952, là con cả của Tổng thống Park Chung-hee, người lên cầm quyền vào năm 1961 sau một cuộc đảo chính quân sự. Bà chưa bao giờ kết hôn cũng như sinh con cái. Khác với nhiều phụ nữ cùng thời, bà theo học ngành kỹ thuật (tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Sogang, Hàn Quốc).
Trên thực tế, bà trở thành đệ nhất phu nhân trong 5 năm, kể từ khi mẹ bà bị ám sát vào năm 1974. Tuy nhiên, sau đó, đến năm 1979, đến lượt cha bà cũng bị ám sát – lần này sát thủ chính là người đứng đầu ngành tình báo của ông.
Như vậy, sau 33 năm, bà sẽ trở lại Dinh Tổng thống Hàn Quốc, nơi bà từng sống một thời gian khi còn nhỏ.
Sau khi trúng cử, bà Park đã đến viếng mộ cha mẹ bà tại Nghĩa trang Quốc gia ở Seoul.
Theo Telegraph, các cử tri coi bà là một người “nhân hậu, điềm tĩnh và đáng tin cậy” có khả năng “cứu đất nước của chúng ta”. Việc bà không xây dựng gia đình và không có con gây dựng ở bà hình ảnh một con người vị tha hết mình vì đất nước. Nhiều cử tri Hàn Quốc vốn mệt mỏi với các vụ scandal tham nhũng.
Tuy nhiên, những người chỉ trích bà thì cho rằng bà là một quý tộc dửng dưng. Họ gọi bà là “nữ hoàng băng giá” với nền tảng chính trị bắt nguồn từ lợi thế cha từng làm Tổng thống.
Năm 1998, bà Park lần đầu được bầu vào Quốc hội Hàn Quốc. Cùng năm, với tư cách lãnh tụ đảng, bà đã tỏ rõ năng lực lãnh đạo khi dẫn dắt một chiến thắng bất ngờ trong bầu cử Quốc hội.
Năm 2006, khi đang bắt tay với các cử tri, bà bị một tên tội phạm rạch mặt. Hậu quả, bà phải khâu tới 60 mũi.
Lợi thế và thách thức
Ông Park Chung-hee, tuy có gây tranh cãi nhất định trong xã hội Hàn Quốc về cách quản lý đất nước theo kiểu độc tài, nhưng đã được ghi nhận có công trong việc biến Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo thành một nước công nghiệp giàu mạnh. (Tại thời điểm năm 1961, thu nhập trung bình của người Hàn Quốc là 100 USD/năm.) Và điều này vừa là bất lợi vừa là lợi thế cho bà trong sự nghiệp chính trị của mình.
Park Geun-hye (trái) gặp gỡ lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-il ở Bình Nhưỡng năm 2002 (ảnh: Reuters) |
Các đối thủ chỉ trích bà là hiện thân của ông Park Chung-hee, nhưng nhiều cử tri lại hồi tưởng đến sự phát triển kinh tế thần kỳ dưới thời Tổng thống này và hy vọng con gái của ông sẽ giải quyết được các thách thức kinh tế hiện nay.
Ngay sau khi đắc cử, Park Geun-hye tuyên bố ở Seoul: “Tôi tin nhiệt huyết của đất nước vượt qua khủng hoảng và vực dậy nền kinh tế đã mang lại chiến thắng này. Tôi sẽ không quên sự tin tưởng mà cử tri dành cho tôi.”
Cho đến nay, bà Park đã có nhiều hứa hẹn đầy tham vọng trong việc giải quyết các lo ngại về kinh tế.
“Tôi sẽ tạo ra 1 xã hội trong đó không ai bị bỏ lại đằng sau và mọi người có thể chia sẻ thành quả phát triển kinh tế,” CNN dẫn lời bà Park. “Tôi tin rằng chỉ có điều này mới có thể mang lại sự đoàn kết, dân chủ hóa kinh tế và hạnh phúc cho mọi người.”
Như trong nhiều cuộc bầu cử trên thế giới, kinh tế luôn giữ vị trí số 1 đối với các cử tri Hàn Quốc. Nước này hiện là nền kinh tế thứ 15 trên thế giới (theo Bưu điện Washington) và thứ 4 ở châu Á (theo CNN) nhưng thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ đã qua. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự đoán tăng trưởng của Hàn Quốc năm nay chỉ ở mức 2,4%, thấp hơn nhiều so với 7% mà đương kim Tổng thống Lee Myung-bak từng hứa hẹn 5 năm trước.
Các cử tri, theo trường phái bảo thủ lẫn tự do, đều yêu cầu chính phủ phải làm nhiều hơn nữa cho người dân. Theo Bưu điện Washington, trong số các nước công nghiệp, Hàn Quốc thuộc diện chi ít cho phúc lợi xã hội (xét về tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội). Bên cạnh đó, khoảng cách thu nhập ngày càng gia tăng.
Bà Park đã hứa sẽ cắt giảm phân nửa phí học đại học, mở rộng chương trình chăm sóc trẻ em do nhà nước tài trợ, và chi trả cho điều trị các bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, theo phân tích của Bưu điện Washington, điều này sẽ tốn tới 125 tỷ USD. Trong 1 lần tranh luận với ứng viên Moon, bà đã lúng túng khi được hỏi sẽ xoay sở kinh phí thế nào cho các chương trình phúc lợi.