Lá cờ Palestine (ảnh: jeffcraw) |
Cùng nhìn lại con đường tìm kiếm độc lập chông gai của Palestine, cũng như những khó khăn đang chờ đợi quốc gia Trung Đông này thời gian tới:
‘Giấy khai sinh’ cho nhà nước Palestine
Sau khi Palestine trở thành “nhà nước quan sát viên phi thành viên” của Liên Hợp Quốc. Lá cờ của nước này đã nhanh chóng được đặt trong phòng của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tại thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây, hàng trăm đám đông đã đổ ra đường phố hò reo chiến thắng. Kết quả này được nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas mô tả như Liên Hợp Quốc đã cấp “giấy khai sinh” cho Nhà nước Palestine.
Với việc nâng vị thế lần này, Palestine giờ đây có thể tiếp cận các cơ quan quốc tế như Tòa án Hình sự Quốc tế - nơi xét xử những người mang tội danh diệt chủng, tội ác chiến tranh và những vi phạm nhân quyền khác. Palestine cũng có thể tham gia vào các tổ chức khác của Liên Hợp Quốc như UNICEF, UNESCO.
Cộng đồng quốc tế ngay lập tức đã lên tiếng hoan nghênh kết quả bỏ phiếu. Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng, việc nâng cấp quy chế cho Palestine tại Liên Hợp Quốc sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi Palestine và Israel cùng nỗ lực xây dựng một nền hòa bình chung.
Sự phản đối của Mỹ và Israel
Tuy nhiên, bất chấp sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, Mỹ và Israel vẫn chỉ trích kết quả bỏ phiếu này. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton coi cuộc bỏ phiếu này là một hành động “không thích hợp và phản tác dụng” có thể gây trở ngại cho con đường tiến tới hòa bình. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã lên tiếng phản đối và cho rằng, những nỗ lực của Palestine tại Liên Hợp Quốc sẽ không giúp thúc đẩy hình thành nhà nước Palestine trong tương lai. Ông này nói: “Quyết định tại Liên Hợp Quốc thực tế sẽ không thay đổi được gì... Israel luôn mong muốn hòa bình. Tuy nhiên một nhà nước Palestine sẽ không được thành lập nếu không có sự công nhận Israel là một nhà nước của người Do Thái”.
Và trong một động thái phản ứng mạnh mẽ, Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 2/12 tuyên bố, chính phủ nước này bác bỏ việc chính quyền dân tộc Palestine được nâng cấp quy chế lên nhà nước quan sát viên phi thành viên tại Liên Hợp Quốc. Ông Netanyahu cũng tuyên bố các động thái dự kiến của chính phủ Israel nhằm đáp trả quyết định này. Theo đó, Israel vẫn sẽ tiếp tục xây dựng các khu định cư tại Jerusalem và các khu vực khác mà nước này cho là nằm trên bản đồ các lợi ích chiến lược của mình. Trước đó, cũng để đáp trả những thắng lợi ngoại giao của Palestine, Bộ trưởng Tài chính Israel cho biết, nước này sẽ tạm hoãn việc chuyển các khoản tiền thuế họ thu được cho giới chức Palestine trong tháng này.
Những dấu mốc chính trong xung đột Palestine-Israel
1. Sau chiến tranh Thế giới thứ nhất, Palestine đặt dưới quyền ủy trị của Anh. Năm 1917, với Tuyên bố Balfour, Anh bắt đầu kế hoạch đưa người Do Thái về Palestine. Vấn đề Palestine được đưa ra Liên Hợp Quốc tháng 4/1947.
2. Dấu mốc quan trọng đến với Palestine khi ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 181 chấm dứt sự bảo hộ của Anh đối với Palestine, chia Palestine thành 2 quốc gia, nhưng duy trì liên minh kinh tế giữa hai nước.
3. Ngày 15/5/1948, Nhà nước Israel tuyên bố thành lập. Một số nước Arab đã bác bỏ Nghị quyết chia cắt 181 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và tuyên bố chiến tranh chống Israel.
4. Sau đó, qua 4 cuộc chiến tranh (1948 - 1949, 1956, 1967 và 1973), Israel chiếm đóng toàn bộ phần đất chia cho Nhà nước Palestine theo Nghị quyết 181, Đông Jerusalem, cao nguyên Golan của Syria, Nam Lebanon và bán đảo Sinai của Ai Cập.
Vùng đất Palestine (xanh) và Israel (trắng) qua các thời kỳ (ảnh: thenowherelandcatalogue) |
5- Nhằm giải quyết vấn đề chiếm đóng của Israel, Nghị quyết 242 tháng 11/1967 và nghị quyết 338 tháng 10/1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã được ban hành. Theo đó, Israel rút quân ra khỏi các lãnh thổ bị chiếm, chấm dứt tình trạng chiến tranh ở Trung Đông, bảo đảm sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ của tất cả các quốc gia khu vực, giải quyết vấn đề người tỵ nạn. Tuy nhiên, hai Nghị quyết này chưa đầy đủ vì không đề cập đến quyền tự quyết của nhân dân Palestine.
6- Năm 1975, tại khóa họp 30 của Liên Hợp Quốc, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã mời Tổ chức Giải phóng Palestine tham gia Liên Hợp Quốc với tư cách quan sát viên. Đến ngày 15/11/1988, Nhà nước Palestine được tuyên bố thành lập nhưng chưa được Liên Hợp Quốc công nhận.
7- Ngày 13/9/1993, Thủ tướng Israel Yizhak Rabin và Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine Yasser Arafat đã ký kết Hiệp định hòa bình Oslo trước sự chứng kiến của tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Tinh thần của hiệp định là, phía Tổ chức Giải phóng Palestine “thừa nhận quyền sống của Israel trong hòa bình và an ninh..., từ bỏ việc sử dụng công cụ khủng bố cùng các hình thức bạo động khác...”. Ngược lại, phía Israel “quyết định công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine như là đại diện của nhân dân Palestine và bắt đầu thương thuyết với Tổ chức Giải phóng Palestine trong khuôn khổ tiến trình hòa bình Trung Đông”.
8- Hiệp định Oslo khởi đầu cho cả một quá trình gọi là “tiến trình hòa bình Trung Đông” tiếp nối bởi các hiệp định Oslo 2 - tháng 9/1995, Wye River - tháng 10/1998... Theo đó, Chính quyền Palestine được trao quyền kiểm soát về cả các vấn đề liên quan tới an ninh và dân sự tại các khu vực đô thị Palestine và chỉ được quyền quản lý dân sự tại các khu vực nông thôn Palestine. Các lãnh thổ còn lại gồm cả các khu định cư Israel, vùng Thung lũng Jordan, và những con đường nối giữa các cộng đồng Palestine, vẫn nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Israel. Tuy nhiên, Đông Jerusalem không được đề cập trong Hiệp định.
9- Năm 1994, Chính quyền quốc gia Palestine được thành lập theo thỏa thuận Oslo, như một cơ cấu tạm thời trong đó các cuộc đàm phán về vị thế cuối cùng giữa hai bên dự định sẽ diễn ra nhưng chưa từng có trong thực tế.
10- Ngày 11/11/2004, Chủ tịch Yasser Arafat qua đời. Ngày 9/1/2005, ông Mahmoud Abbas được bầu làm người đứng đầu Tổ chức Giải phóng Palestine và Chính quyền dân tộc Palestine thay thế cho Chủ tịch Arafat, mở ra thời kỳ mới cho tiến trình hòa bình tại nước này.
11- Ngày 25/01/2006, bầu cử Hội đồng lập pháp Chính quyền Palestine với thắng lợi bất ngờ của Phong trào Hồi giáo Hamas (76/132 ghế), Fatah chỉ chiếm được 46 ghế. Mỹ, phương Tây và Israel sau đó gây sức ép đòi Hamas từ bỏ đấu tranh vũ trang, công nhận Nhà nước Do Thái và tôn trọng các thỏa thuận và Hiệp định đã ký với Israel; tuy nhiên, Hamas vẫn giữ lập trường cứng rắn.
12- Thành phần chính phủ mới của Palestine do Thủ tướng Ismail Hanyieh lãnh đạo chủ yếu là người của Hamas. Phong trào Fatah - lực lượng nòng cốt trong Tổ chức Giải phóng Palestine đã phản đối và không hợp tác với Chính phủ của Hamas. Hiện tại mâu thuẫn giữa Hamas và Fatah đang rất gay gắt và là cản trở lớn trong việc tiến tới đàm phán với Israel. Ngày 1/10/2006, bạo lực nổ ra giữa Hamas và Fatah xung quanh thành lập một chính phủ thống nhất. Đây là cuộc xung đột nội bộ tồi tệ nhất trong vòng 1 thập kỷ trước đó, làm gia tăng lo ngại về một cuộc nội chiến tại Palestine.
13- Bên cạnh nỗi lo nội chiến kéo dài, các cuộc đàm phán, thương lượng của Palestine với Israel liên tục lâm vào bế tắc. Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên nhằm hướng đến hai nhà nước song song tồn tại đã được nối lại ngày 2/9/2010, tuy nhiên cũng nhanh chóng rơi vào bế tắc sau khi lệnh ngừng xây dựng khu định cư trong thời hạn 10 tháng của Israel hết hiệu lực ngày 26/9/2010, và Israel đã không tiếp tục gia hạn thêm, bất chấp sức ép từ Mỹ cũng như tuyên bố cứng rắn của Palestine rằng, sẽ không ngồi vào bàn đàm phán chừng nào Israel còn tiếp tục hoạt động xây dựng khu định cư.
14- Trước tình hình đó, Palestine buộc phải thay đổi chiến lược của mình, chọn giải pháp đơn phương tìm kiếm sự ủng hộ của công đồng quốc tế để trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc. Ngày 23/9/2011, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chính thức trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lá đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc với quy chế quốc gia thành viên đầy đủ dành cho Palestine. Tuy nhiên, nguyện vọng này đã không thành hiện thực khi bị Mỹ gây sức ép, dọa dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
15- Ngày 31/10/2011, với 107 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng, Palestine đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ của UNESCO, nâng tổng số thành viên của tổ chức này lên 195 nước.
16- Ngày 29/11/2012, với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua việc nâng cấp quy chế cho Palestine từ một thực thể quan sát thành một “nhà nước quan sát viên - phi thành viên”.
Những chông gai đang đợi Palestine
Dư luận thế giới sau cuộc bỏ phiếu nâng cấp quy chế quan trọng này đã khẳng định, đây là một bước đi quan trọng để tiến tới giải pháp hai nhà nước với Israel, cũng như đem lại cho Palestine nhiều quyền lợi trong quá trình đàm phán với Israel thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi là vô vàn khó khăn vẫn đang tiếp tục chờ đợi người dân và chính quyền Palestine, để có thể đi đến cái đích cuối cùng.
Đúng như Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã phải thừa nhận, sau thắng lợi ngoại giao tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, người Palestine còn rất nhiều thách thức ở phía trước.
Phát biểu trước hàng nghìn người dân tại Bờ Tây, Tổng thống Palestine Abbas nhấn mạnh, chính quyền Palestine có rất nhiều nhiệm vụ phía trước, đầu tiên và quan trọng nhất là phục hồi sự thống nhất quốc gia và tiến hành hòa giải dân tộc.
Tổng thống Abbas cho rằng, sau khi được Liên Hợp Quốc trao quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên, Palestine cần chấm dứt chia rẽ nội bộ, tiến tới thành lập chính phủ điều hành chung cho tất cả các vùng lãnh thổ của người Palestine, chấm dứt tình trạng Phong trào Fatah điều hành ở Bờ Tây và Hamas nắm quyền ở dải Gaza như hiện nay. Có lẽ đây chính là những thách thức lớn nhất mà Palestine phải đối diện lúc này. Bởi hơn lúc nào hết, chỉ có đoàn kết nội bộ mới có thể ứng phó được với bên ngoài. Cụ thể, đó là vấn đề nan giản đến nay vẫn chưa có đáp án, là việc tìm một kế hoạch hòa bình toàn diện và có thể chấp nhận được, hướng đến giải quyết cuộc tranh chấp mang tính cốt lõi giữa Palestine với Israel.
Những vấn đề cốt lõi được chỉ ra bao gồm, đường biên giới chính thức của nhà nước Palestine tương lai, quy chế của Jerusalem và quyền trở về của những người tỵ nạn Palestine. Những vấn đề quan trọng khác là việc Israel tiếp tục chiếm đóng các vùng đất của Palestine, việc cộng đồng quốc tế cộng đồng quốc tế công nhận nhà nước Palestine và việc thế giới Arab công nhận quyền tồn tại của Israel.
Cũng cần phải chỉ ra những hạn chế khác mà Palestine vẫn phải đối diện tại các diễn đàn quốc tế. Bởi trên thực tế, việc công nhận là nhà nước quan sát viên phi thành viên chỉ mang tính biểu tượng, không cấp thêm được nhiều quyền lực mới cho Palestine. Ví dụ như, Palestine vẫn không được quyền đề xuất bất cứ dự thảo nghị quyết nào lên Đại hội đồng, mà phải nhờ một quốc gia thành viên hoặc một nhóm các quốc gia tại Đại hội đồng đề xuất một dự thảo nghị quyết. Hay như với Tòa án Hình sự quốc tế, để có thể đưa các vụ việc ra cơ quan này, Palestine phải chuẩn bị hồ sơ xin gia nhập theo Hiệp ước Rome. Sau đó, hồ sơ này phải đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và dù vậy, văn phòng Tổng thư ký vẫn phải xin ý kiến Tòa án Hình sự quốc tế, rằng Palestine có được coi là một quốc gia hay không.
Kết quả bỏ phiếu ngày 29/11 vừa qua là một lợi thế cho Palestine, tuy nhiên vẫn còn một vài nhân tố khác sẽ được tính tới như việc kiểm soát lãnh thổ. Có lẽ vì vậy mà trong lo lắng, Israel vẫn bác khả năng Palestine có thể đưa vụ việc giữa hai bên ra Toà án Hình sự quốc tế. Từ những phân tích này có thể thấy, mục tiêu tiến tới giải pháp 2 nhà nước giữa Palestine và Israel vì thế vẫn còn vô cùng gian nan và gập ghềnh. Bởi bước chuyển năm ngoái khi Palestine tìm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế không hề được Israel và Mỹ công nhận. Israel cũng đã một mực khẳng định rằng, nước này chỉ chấp nhận đàm phán song phương với Palestine. Thế nhưng, những mâu thuẫn, bất đồng hay sự nghi kỵ lẫn nhau luôn tồn tại là những rào cản rất khó gỡ, khiến hai bên khó lòng nhượng bộ nhau trên bàn đàm phán. Còn Mỹ - đồng minh của Israel chắc chắn cũng vẫn đứng về phía nước này trong vấn đề Palestine. Giới phân tích dự đoán, sau cuộc bỏ phiếu nâng cấp quy chế vừa qua, có thể các cuộc đàm phán sẽ được nối lại theo một hình thức nào đó. Nhưng hiệu quả và những dấu hiệu tích cực cho mối quan hệ Israel - Palestine hay an ninh, hòa bình cho toàn khu vực Trung Đông thì không ai dám khẳng định.