Một con rùa đực có tên Lonesome George, thuộc loài rùa Chelonoidis nigra abingdoni và được coi là ‘hậu duệ’ cuối cùng của loài rùa khổng lồ Geochelone abigdoni trên quần đảo Galapagos đã tử vong tại Vườn quốc gia Galapagos ở Ecuador vào sáng 24/6.
“Sáng Chủ Nhật, nhân viên chịu trách nhiệm chăm sóc rùa đã phát hiện hiện thấy Lonesome George nằm bất động. Vòng đời của nó đã kết thúc”, ông Edwin Naula, giám đốc Vườn quốc gia Galapagos, cho biết trên Telegraph.
Hiện tại, xác của rùa Lonesome George đang được bảo quản tại Vườn quốc gia Galapagos để các nhà khoa học điều tra nguyên nhân tử vong. Sau đó, xác của chú rùa này dự định sẽ được trưng bài tại bảo tàng của Vườn quốc gia Galapagos.
Rùa Lonesome George - 'Hậu duệ’ cuối cùng của loài rùa khổng lồ Geochelone abigdoni đã tử vong
Rùa Lonesome George, khoảng 100 tuổi, được phát hiện bởi một nhà khoa học người Hungary trên hòn đảo Isabela thuộc quần đảo Galapagos vào năm 1972. Chú rùa này đã trở thành biểu tượng của quần đảo Galapagos ở Ecuador.
Từ năm 1993, các nhà khoa học đã nhiều lần cố gắng ghép đôi Lonesome George với một cá thể rùa cái cùng họ với rùa khổng lồ Geochelone abigdoni, với hy vọng chúng sẽ giao phối và sinh sản. Rùa cái đã 2 lần đẻ trứng nhưng đều không được thụ tinh vì Lonesome George không chịu giao phối.
Loài rùa khổng lồ ở Galapagos được biết đến như là nguồn cảm hứng giúp nhà bác học người Anh Charles Darwin nghiên cứu về thuyết tiến hóa khi ông tới khu vực đảo này. Theo học thuyết của nhà khoa học Darwin, các loài rùa khổng lồ trên quần đảo Galapagos có thể sống tới 200 năm tuổi.
Quần đảo Galapagos hiện vẫn có khoảng 20.000 cá thể rùa thuộc nhiều loài khác nhau đang sinh sống, được coi là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Ecuador. Trong năm 2011, quần đảo này đã thu hút khoảng 180.000 khách du lịch tới thăm quan.