Những lời hoảng loạn đó đã mở màn cho vụ mất tích bí hiểm của bé Azaria Chamberlain tại vùng Outback của Australia trong năm 1980, kéo theo nó là một tấn kịch pháp lý nổi tiếng nhất nước. Liệu một con chó hoang đã bắt Azaria, hay chính là mẹ của đứa trẻ đã cắt cổ con mình và chôn bé trong sa mạc?
Vụ mất tích bí ẩn
32 năm sau sự kiện trên, giới chức Australia đang hy vọng có thể sẽ xác định chính xác xem Azaria chết thế nào, khi cơ quan pháp y vùng Northern Territory mở cuộc điều tra thứ tư vào ngày 24/2 tới đây. Lindy Chamberlain, bà mẹ của đứa trẻ xấu số, người từng bị buộc tội giết hại con đẻ trước khi được xóa án, đang hy vọng nhà chức trách sẽ khép lại vụ việc đã biến bà trở thành người phụ nữ bị căm ghét nhất Australia.
Cơn ác mộng bắt đầu vào ngày 17/8/1980, trong một kỳ nghỉ của gia đình tới Ayers Rock, khối đá thiêng ở vùng Outback còn được biết tới với tên thổ dân là Uluru. Lindy và Michael Chamberlain, 2 con trai của họ và cô con gái mới 9 tuần tuổi, Azaria, đang nghỉ đêm tại khu cắm trại gần khối đá. Azaria đang ngủ trong lều khi đó và Lindy cùng Michael thì làm bữa tối khi đứa trẻ khóc ré lên. Lindy đã đi ra kiểm tra con và bà nói rằng có thấy một con chó hoang dingo lẻn ra khỏi lều, biến mất trong bóng tối. Cái nôi của Azaria hoàn toàn trống rỗng, chăn đệm bên trong còn rất ấm. Bất chấp một cuộc tìm kiếm quy mô diễn ra sau đó, Azaria không bao giờ được tìm thấy.
Gia đình Chamberlain khẳng định chó hoang đã bắt con gái họ. Bên ngoài lều có nhiều dấu chân chó dingo. Bên trong có những chấm máu nhỏ. Những người cắm trại gần đó xác nhận họ có nghe tiếng chó tru rồi tiếng trẻ khóc. Chiếc áo liền quần đẫm máu và rách tả tơi của Azaria được tìm thấy tại khu vực sa mạc gần đó. Hoàn toàn không có động cơ cho vụ phạm tội, không có nhân chứng và không có thi thể của đứa trẻ.
Nhưng cảnh sát và dư luận vẫn nghi ngờ chó dingo đủ to và khỏe để lôi theo nó một đứa bé nặng tới 4,5 kg. Không ai từng tìm thấy tài liệu ghi lại việc chó dingo giết người trước đây. Trong khi Australia nổi tiếng vì có nhiều sinh vật chết người như rắn độc, nhện độc và cá sấu, loài chó dingo được xem là động vật nhút nhát và khó có thể đe dọa tới con người.
Người phụ nữ bị căm ghét nhất
Và do không có kỹ thuật kiểm tra di truyền (DNA) như hiện nay, các chứng cứ pháp y khi đó nghiêng về phía người mẹ có tội. Nó gồm việc bảng đồng hồ trong chiếc xe nhà Chamberlain nhuốm đầy vết máu trẻ và một vết bàn tay đầy máu đã được tìm thấy trên chiếc áo liền quần của Azaria. Nhiều năm sau, các kiểm tra phức tạp hơn cho thấy "máu" ở chiếc xe thực tế chỉ là sữa trớ kết hợp với một loại hóa chất dùng trong quá trình sản xuất xe. "Bàn tay máu" thực tế chỉ là bụi sa mạc.
Nhưng các công tố viên khi đó vẫn cho rằng Lindy có tội. Họ chỉ ra rằng không có nước miếng của chó dingo trên chiếc áo liền quần của Azaria, dù Lindy đã giải thích rằng con gái chị còn mặc một chiếc áo ghi lê bên ngoài. Song chiếc áo ghi lê không được tìm thấy nên cảnh sát cho rằng chị đã nói dối.
Chi tiết của phiên xử liên quan tới vụ việc được cập nhật hàng ngày đã nhanh chóng lan sang các quán rượu và được bàn rộng rãi quanh các bàn ăn, giúp sinh ra một thế hệ các "viên cớm ghế bành" chuyên phân tích, bình luận về các chứng cứ mới được mô tả trên báo chí. Người Australia trở nên căm ghét nhà Chamberlain. Họ cho rằng tín ngưỡng của hai vợ chồng, giáo phái Tin lành Seventh-day Adventist, là quá kỳ cục và Lindy thì quá bình thản sau cái chết của con. Họ chỉ ra rằng trang phục của Lindy, giọng mũi của bà, thái độ bình tĩnh của bà, là không phù hợp với một bà mẹ mất con. Người Australia không thể hiểu nổi chủ nghĩa chấp nhận nghịch cảnh của bà và phản ứng dữ dội, khi bà kể lại cảnh tượng kinh hoàng có trong lều, như một chuyên viên pháp y, không hề nhỏ một giọt nước mắt.
Linda băt đầu nhận những đe dọa lấy mạng. Người ta bắt đầu chửi rủa bà, hú hét giả giọng chó dingo bên ngoài nhà bà, gọi bà là "chó cái", "phù thủy" và tệ hơn thế. Lindy, khi đó đang mang thai đứa con thứ tư, còn bị kết tội giết người. Cơ quan công tố nói rằng bà đã cắt cổ con gái bằng kéo cắt móng tay và tạo dựng hiện trường trông giống như bị chó dingo tấn công. Bà bị kết án tù chung thân và lao động khổ sai. Michael bị buộc tội là đồng phạm
3 năm sau khi bản án được tuyên, người ta tình cờ tìm thấy chiếc áo ghi lê của Azaria, bên ngoài một hang chó dingo. Vài ngày sau, Lindy lập tức được trả tự do. Ủy ban Hoàng gia, cơ quan điều tra cao cấp nhất Australia, đã không chấp nhận phần lớn các chứng cứ pháp y được trưng ra trong phiên tòa xử bà, và bản án đã bị đảo ngược.
Dấu hỏi nhằm vào cơ hội công bằng
Sự xoay ngược 360 độ này đã khiến nhiều người Australia choáng váng. Đó là cái tát thẳng vào mặt những con người tin tưởng rằng hệ thống pháp luật chỉ sinh ra để bảo vệ người tốt. Rằng phụ nữ vô tội không thể bị bỏ tù. Rằng tòa án miễn nhiễm với các định kiến. "Công chúng nói chung không tin vào những gì họ nghe thấy" - Anthea Gunn, curator ở Bảo tàng Quốc gia Australia, nơi lưu giữ một bộ sưu tập tưởng nhớ sự kiện Chamberlain, đánh giá - "Người ta vẫn tin rằng những nơi đó không thể sinh ra sai lầm".
Australia là một quốc gia, theo cách hiểu nào đó , đã sinh ra từ một sự phán xét, khi Anh bắt đầu gửi các tay tội phạm mà họ không mong muốn chứa chấp tới đây trong những năm 1700. Những con người ở bên lề xã hội ấy đã chống lại cái mà họ gọi là tầng lớp thượng lưu trong hệ thống cấp bậc xã hội của Anh, luôn cổ vũ cho những người bị chèn ép và có cảm nhận tốt về sự bất công. Australia từng tự hào gọi mình là "mảnh đất của cơ hội công bằng".
Ngày hôm nay, "cơ hội công bằng" là một phần quan trọng trong danh tính của Australia, một cụm từ đã xuất hiện trong chính trị, văn hóa pop và cuộc sống hàng ngày. Nhưng có vẻ như sự công bằng về mặt tinh thần đã không tới với nhà Chamberlain. Michael Chamberlain là một mục sư ở nhà thờ Seventh-day Adventist, giáo phái Tin lành có ít người Australia hiểu rõ. Do ít thông tin, người ta đồn rằng giáo phái này có nghi lễ hiến tế trẻ con, chuyên thực hiện các trò phù thủy và còn theo Satan giáo. Liệu Lindy đã giết Azaria trong một nghi lễ hiến tế? Liệu cái tên Azaria có phải là "hiến tế trong hoang dã"?
Niềm tin trong hệ thống bị đổ vỡ. Viện Khoa học Pháp y Quốc gia sau đó đã phải thành lập để đảm bảo việc phân tích chứng cứ tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều người Australia vẫn hướng con mắt nghi ngờ về phía tiến trình điều tra và xét xử. 10 năm trước đây, có một loạt các vụ tấn công của chó dingo diễn ra tại vùng Fraser Island của Australia, gồm vụ chúng cắn chết một bé trai 9 tuổi. Đó là bước ngoặt với một số người Australia, cho tới khi đó vẫn tin rằng Lindy giết Azaria.
Khi chứng cứ chuyển dần theo hướng ủng hộ sự vô tội của Lindy, cũng là lúc công chúng Australia bắt đầu thấy hối hận, dù sự hối hận chỉ tới sau 3 thập kỷ. "Chúng tôi không thể để chuyện này trôi qua" - Michelle Arrow, một sử gia văn hóa đã giúp biên tập cuốn sách The Chamberlain Case: Nation, Law, Memory (Vụ Chamberlain: Đất nước, Luật pháp, Ký ức) - "Tôi vẫn cảm thấy hơi xấu hổ bởi lúc mới 9 tuổi đã nghĩ rằng bà ấy có tội, chỉ vì đọc báo lá cải và xem TV. Và tôi nghĩ rằng có rất nhiều người chung thuyền với mình.