Thứ Sáu, 02/12/2022, 09:16 [GMT+7]

Nghệ An: Chung tay phối hợp, tham gia tích cực thực hiện Đề án 06 phục vụ chuyển đổi số

Đề án 06 là đề án đặc biệt quan trọng của Chính phủ, có phạm vi và tầm ảnh hưởng đến đa ngành, đa lĩnh vực và tất cả các địa phương từ tỉnh đến xã. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi với đồng chí Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh để làm rõ ý nghĩa quan trọng, lợi ích to lớn của Đề án 06, những kết quả đạt được và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

P.V: Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 – 2030. Vậy, Thiếu tướng có thể cho biết, những lợi ích mà Đề án 06 mang lại cho các cơ quan, người dân, doanh nghiệp trong thực tiễn như thế nào?

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng: Đề án 06 là đề án đặc biệt quan trọng của Chính phủ, có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng lớn tới đa ngành, đa lĩnh vực và tới tất cả các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã. Với mục tiêu hướng tới 5 nhóm tiện ích, gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó, ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân; Ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Toàn cảnh buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc với tỉnh Nghệ An về triển khai Đề án 06; Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh kiểm điểm, đánh giá, triển khai kế hoạch trọng tâm thực hiện Đề án 06; Công an tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Đề án 06. Ảnh: Phạm Bằng - CTV
Toàn cảnh buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc với tỉnh Nghệ An về triển khai Đề án 06; Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh kiểm điểm, đánh giá, triển khai kế hoạch trọng tâm thực hiện Đề án 06; Công an tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Đề án 06. Ảnh: Phạm Bằng - CTV

Theo lộ trình Đề án 06, hiện nay, đã có 4/5 nhóm tiện ích được ứng dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân, trong giải quyết các thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác. Người dân và doanh nghiệp có thể hoàn toàn tự thao tác, thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tại bất kỳ nơi đâu và vào bất kỳ thời gian nào, thay vì phải trực tiếp đến các cơ quan Nhà nước như trước đây; quá trình thực hiện, người dân chỉ phải khai thông tin một lần nhưng thực hiện được nhiều dịch vụ công; mọi thông tin của công dân được bảo mật, chính xác, không thể giả mạo do thông tin được xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc do Chính phủ giao Bộ Công an quản lý.

Đặc biệt, việc tạo lập, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID sẽ là phương thức xác thực thông tin cá nhân hiệu quả nhất, tối ưu nhất cho người dân khi Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú giấy hết hiệu lực sau ngày 31/12/2022. Đồng thời, tài khoản định danh điện tử mức 2 giúp công dân có thể thay thế CCCD gắn chíp và các loại giấy tờ đã tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng… Người dân khi thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự sẽ giảm tối đa giấy tờ phải mang theo, thực hiện các giao dịch tài chính như: Thanh toán hóa đơn điện, nước; đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; chuyển, nhận tiền…

Cán bộ công an hướng dẫn người dân cài định danh điện tử. Ảnh: PV
Cán bộ công an hướng dẫn người dân cài định danh điện tử. Ảnh: PV
Phóng viên: Nhận thức được ý nghĩa quan trọng, lợi ích to lớn của Đề án 06, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện Đề án 06 như thế nào, đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật gì?

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng: Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thường xuyên, quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Đề án 06, điển hình như: Công văn số 1495-CV/TU, ngày 10/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh thực hiện Đề án 06; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 28/1/2022 và Kế hoạch số 523/KH-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An… Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 771/KH-UBND ngày 7/11/2022 về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Qua 11 tháng triển khai thực hiện Đề án 06, toàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Điển hình như đã hoàn thành sớm việc kết nối hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Công tác làm sạch dữ liệu được tập trung triển khai thực hiện quyết liệt. Dữ liệu dân cư đã được bổ sung, cập nhật, làm sạch thường xuyên. Ngành Y tế đã phối hợp Công an làm sạch “dữ liệu” tiêm chủng Covid-19 của tỉnh (đạt 96%). Về dịch vụ công, hiện đã có 23 dịch vụ công thiết yếu được triển khai thực hiện trực tuyến. Toàn tỉnh đã cấp trên 2,5 triệu CCCD (đạt tỷ lệ gần 99% tổng số công dân có mặt tại địa phương) và gần 600.000 tài khoản định danh điện tử. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện việc sử dụng thẻ CCCD thay thế BHYT trong khám, chữa bệnh.

Người dân đăng ký khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD. Ảnh: Thành Cường
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD. Ảnh: Thành Cường

Phóng viên: Hiện Đề án 06 đang bước vào giai đoạn then chốt của năm 2022, với nhiều nhiệm vụ cấp bách. Đặc biệt, thực hiện quy định của Luật Cư trú 2020 về việc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. Vậy, đồng chí cho biết, giải pháp nhằm hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 trong năm 2022?

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng: Kế hoạch số 771 ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã xác định rõ 42 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện thuộc trách nhiệm của 17 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị, với thời gian, lộ trình thực hiện cụ thể. Sau 15 ngày đầu thực hiện, đến ngày 22/11/2022, ngoài 18/42 nhiệm vụ đã hoàn thành, toàn tỉnh đang tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ còn lại. Trong đó, trọng tâm là tập trung phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) để rà soát, làm sạch và số hóa dữ liệu chuyên ngành, như: Dữ liệu hộ tịch; dữ liệu tài nguyên và môi trường; dữ liệu bảo hiểm xã hội…

Tỉnh cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì và nâng cao tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt, đối với 23 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Tăng cường phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều hình thức linh hoạt, như: Tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí; qua hệ thống bảng Led, màn hình tivi, bảng quảng cáo, pano tại các khu vực công cộng, khu dân cư… nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng Đề án 06 trong toàn xã hội. Triển khai giải pháp thu, nộp học phí không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục. Thí điểm giải pháp chống gian lận thi cử trên địa bàn thành phố Vinh. Tập trung triển khai phương án cấp tài khoản ngân hàng cho các trường hợp thuộc diện chính sách, an sinh trên địa bàn tỉnh.

Riêng đối với lực lượng công an, Công an tỉnh đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện toàn diện các giải pháp, trong đó, trước mắt tập trung vào 3 trọng tâm sau: Tăng cường thực hiện việc cấp tài khoản định danh điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú giấy hết hiệu lực sau ngày 31/12/2022. Công an tỉnh đã thành lập các tổ công tác lưu động trực tiếp tuyên truyền và tổ chức thu nhận hồ sơ tài khoản định danh điện tử ngay tại trụ sở các sở, ban, ngành, các trường học, đại học, cao đẳng, các khu công nghiệp. Với mục tiêu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh, công nhân tại khu công nghiệp đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử trong năm 2022. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành việc số hóa hồ sơ hộ tại 3 địa phương chỉ đạo điểm (TP. Vinh, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên) trước ngày 25/12/2022; Xây dựng và phát huy hiệu quả của các mô hình điểm tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cài đặt, kích hoạt định danh điện tử, hướng dẫn dịch vụ công.

Công an tỉnh Nghệ An tổ chức điểm tư vấn, hỗ trợ đăng ký, cài đặt định danh điện tử (VNEID) và hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến trên phố đi bộ thành phố Vinh. Ảnh: PV
Công an tỉnh Nghệ An tổ chức điểm tư vấn, hỗ trợ đăng ký, cài đặt định danh điện tử (VNEID) và hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến trên phố đi bộ thành phố Vinh. Ảnh: PV

Để hoàn thành các nhiệm vụ Đề án 06 trong thời gian tới, quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cần phải có sự chung tay vào cuộc, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ Đề án 06. Đồng thời, cũng cần phải có sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Có như vậy, Đề án 06 mới có thể hoàn thành và mang lại hiệu quả, lợi ích trong thực tiễn thời gian tới.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Nội dung: Phạm Bằng (Thực hiện).

Ảnh: PV - CTV.

Thiết kế - Kỹ thuật: Thục Linh.

 

 

 

 

.

Nguồn: Báo Nghệ An