Tin tức sự kiện
Việt Nam tái khẳng định cam kết hợp tác quốc tế chống khủng bố toàn cầu
14:57, 11/02/2021 (GMT+7)
Ngày 10/2, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã họp trực tuyến nghe báo cáo lần thứ 12 của Tổng Thư ký (TTK) LHQ về nguy cơ các phần tử khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.
Phó TTK phụ trách Văn phòng Chống khủng bố của LHQ (UNOCT) Vladimir Voronkov và Trợ lý TTK kiêm Giám đốc Cơ quan Điều hành chống khủng bố (CTED) Michèle Coninsx báo cáo cuộc họp.
Tại đây Việt Nam đã nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, loại bỏ các điều kiện thuận lợi cho khủng bố, ngăn chặn nguồn tài trợ cho khủng bố và hỗ trợ quốc gia kịp thời phát hiện và ngăn chặn các âm mưu khủng bố.
Theo TTXVN, Phó TTK Voronkov cho biết đại dịch COVID-19 không làm gia tăng nguy cơ khủng bố trong ngắn hạn, nhưng làm gia tăng các nguyên nhân gốc rễ của khủng bố trong trung hạn và dài hạn, đồng thời phân tán sự chú ý và nguồn lực của các nước cho các kế hoạch chống khủng bố dài hạn. Ông nhấn mạnh IS đã và đang lợi dụng các bất ổn do đại dịch COVID-19 gây ra nhằm tuyên truyền tư tưởng khủng bố, làm xói mòn quản trị của quốc gia, tuyển mộ, gây quỹ tài trợ khủng bố, hướng đến mục tiêu khôi phục lại hoạt động tại Iraq và Syria.
Trợ lý TTK Coninsx cho biết sau khi bị đánh bật khỏi khu vực lãnh thổ kiểm soát cuối cùng, IS hiện đang chuyển hướng, đẩy mạnh hoạt động tại châu Phi; hoạt động của IS và các tổ chức thân cận tại châu Phi đang làm trầm trọng thêm tình trạng nhân đạo trong khu vực.
Các báo cáo viên kêu gọi các nước giải quyết tình trạng nhân đạo của hàng chục nghìn người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em bị giam giữ tại các nhà tù tại Iraq và Syria do bị nghi ngờ là chiến binh khủng bố IS và người nhà của họ, tránh để phát sinh nguy cơ an ninh và cực đoan hóa về lâu dài.
Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên HĐBA bày tỏ quan ngại về xu hướng IS lợi dụng tình hình bất ổn do dịch COVID-19 và có xu hướng khôi phục trở lại hoạt động tại các khu vực xung đột, nhất là Iraq, Syria và các nước châu Phi, kích động khủng bố tại nhiều nước ngoài khu vực xung đột như châu Âu; kêu gọi cần giải quyết triệt để các nguyên nhân gốc rễ của khủng bố, bao gồm các khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra; nhấn mạnh các biện pháp chống khủng bố phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo, nhân quyền quốc tế, có sự tham gia của toàn xã hội.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam, bày tỏ quan ngại về nguy cơ khủng bố IS tiếp tục gia tăng và phức tạp trong bối cảnh các khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Đại biện Việt Nam khẳng định giải pháp toàn diện, bền vững cho vấn đề này là phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa hòa bình, thúc đẩy hòa giải dân tộc, tăng cường năng lực của các cộng đồng chống lại nguy cơ bạo lực cực đoan và khủng bố; tái khẳng định cam kết của Việt Nam về hợp tác quốc tế trong chống khủng bố toàn cầu dưới sự điều phối chung của LHQ.
Nguồn: Chinhphu.vn