Tin tức sự kiện

Việt Nam 48h không có ca COVID-19 mới, thế giới hơn 154.000 người chết vì dịch

10:00, 18/04/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới nào trong 4 đợt thông báo gần nhất của Bộ Y tế. Trong khi đó, dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 154.000 người sau chưa đầy 4 tháng.
 
Việt Nam 48h không có ca nhiễm mới
 
Sáng nay (18/4), Bộ Y tế không thông báo thêm ca nhiễm COVID-19 mới nào tại nước ta. Trong ba đợt thông báo chiều 16/4 và ngày 17/4 cũng không có ca nhiễm nào được ghi nhận. 
 
Như vậy, lần đầu tiên từ khi dịch quay lại, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm nào sau 48h, cho thấy tình hình dịch bệnh tại nước ta ngày càng tiến triển tích cực.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Cả nước hiện có 268 bệnh nhân, trong đó 198 người đã bình phục, 70 bệnh nhân đang điều trị tại 12 cơ sở y tế gồm 66 người Việt Nam và 4 người nước ngoài, đa số sức khoẻ ổn định. Ít nhất 17 người có kết quả âm tính từ một lần.
 
Thôn Hạ Lôi tại Mê Linh, Hà Nội vẫn là ổ dịch mới và lớn nhất hiện nay với 13 ca đang điều trị. Ba ngày nay thôn này không xuất hiện thêm ca mới. Thôn vẫn đang được cách ly để đảm bảo không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
 
Hà Giang ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, "bệnh nhân 268" sáng 16/4 và áp dụng các biện pháp khoanh vùng chặt chẽ nhưng chưa tìm thấy người nhiễm nào khác.
 
Đáng chý ý, tại TP HCM, ngày 17/4, đại diện ngành y tế TP nhấn mạnh tất cả các ổ dịch phát hiện tại TP HCM đều được khoanh vùng trên diện rộng, dập dịch triệt để.
Nhân viên y tế kiểm soát dịch bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhân viên y tế kiểm soát dịch bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong diễn biến liên quan, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội ngày 17/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đã làm việc và triệu tập một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để làm rõ vụ việc liên quan hoạt động mua sắm máy xét nghiệm.
 
Chiều tối 17/4, UBND TP HCM có quyết định mới về việc tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đến hết ngày 3/5.
 
Tại Hà Nội, TP phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 trên địa bàn, trong đó hủy môn thi thứ 4 như kế hoạch trước đó, học sinh chỉ thi ba môn vào lớp 10 là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
 
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng ngày gửi công văn tới các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành, trong đó cho phép phương tiện vận tải hành khách hoạt động nhưng chỉ được vận chuyển khách liên tỉnh trong nhóm địa phương nguy cơ thấp.
 
154.000 người chết vì COVID-19 trên thế giới
 
Tiếp tục đà diễn biến khó lường ở nhiều nước, dịch COVID-19, tính đến 7h30 sáng nay (18/4), đã gây ra cái chết cho 154.126 người trên thế giới, chủ yếu tại Mỹ và châu Âu. Mức tăng số ca nhiễm mới trong 24h qua rất cao, ở mức 85.670 ca, nâng tổng số người mắc toàn cầu lên 2.248.037.
Diễn biến dịch COVID-19 tại các nước có nhiều người nhiễm nhất thế giới. Ảnh chụp màn hình Worldometer
Diễn biến dịch COVID-19 tại các nước có nhiều người nhiễm nhất thế giới. Ảnh chụp màn hình Worldometer
Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với 709.201 ca nhiễm và 37.135 ca tử vong, tăng lần lượt 31.631 và 2.516 ca. Số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ tăng trở lại hai ngày gần đây, cho thấy khả năng nước này đã vượt đỉnh dịch là không cao.
 
New York, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, báo cáo hơn 17.000 ca tử vong trong tổng số 234.000 ca nhiễm. Bang mới đây mở thêm 5 trạm xét nghiệm COVID-19 mới để tìm người nhiễm vì lo ngại thống kê hiện thời không phản ánh hết thực tế.
 
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.891 ca nhiễm và 687 ca tử vong trong 24h qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 190.839 và 20.002. Tây Ban Nha hiện là vùng dịch lớn nhất châu Âu và là quốc gia thứ ba trên thế giới có số người chết vì dịch vượt mốc 20.000.
 
Đáng chú ý, số ca nhiễm mới và tử vong tại nước này đang trở lại đà tăng sau khi chính phủ cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về nhân sự, công cụ, nguyên vật liệu và chưa rõ bao giờ tình hình trở lại bình thường.
Thế giới hi vọng vaccine chống COVID-19 sớm ra đời vì đây là con đường hiệu quả nhất đẩy lùi dịch COVID-19 khỏi địa cầu. Ảnh: ITN
Thế giới hi vọng vaccine chống COVID-19 sớm ra đời vì đây là con đường hiệu quả nhất đẩy lùi dịch COVID-19 khỏi địa cầu. Ảnh: ITN
Italia báo cáo 3.493 ca nhiễm mới 24h qua, mức tăng thấp hơn so với 3.786 ca của một ngày trước, nâng tổng số người nhiễm lên 172.434. Nước này ghi nhận thêm 575 ca tử vong, cao hơn mức 525 ca hôm qua, nâng tổng số người chết lên 22.745.
 
Pháp báo cáo thêm 1.909 ca nhiễm, mức thấp nhất trong nhiều tuần. Nước này ghi nhận thêm 761 ca tử vong, đẩy tổng số ca tử vong lên 18.681 trong tổng số 147.969 người nhiễm.
 
Số ca nhiễm và tử vong ở Đức là 141.397 và 4.352 sau khi ghi nhận thêm lần lượt 3.699 và 399 ca. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nói rằng số ca nhiễm mới ở Đức "đã giảm đáng kể" và ổ dịch đang "được kiểm soát".
 
Anh ghi nhận thêm 848 người chết vì dịch, nâng tổng số ca thiệt mạng lên 14.576 trong 108.692 người mắc bệnh. Số người chết vì dịch ở Anh tiếp tục duy trì ở mức cao. Các chuyên gia cảnh báo Anh sẽ là nơi chứng kiến tình hình dịch bệnh tệ đi trong những ngày tới.
 
Ở Trung Quốc, nơi dịch khởi phát, ngày 17/4 thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã sửa đổi số người chết vì dịch COVID-19, từ 2.579 người so với ban đầu lên 3.869 người, tăng thêm 1.290 trường hợp, tương đương 50%, nâng tổng số người trên toàn Trung Quốc lên 4.632.
 
Ở khu vực Đông Nam Á, số ca nhiễm COVID-19 đã vượt 20.000, trong đó Indonesia là vùng dịch lớn nhất với 5.923 ca nhiễm và 520 ca tử vong. Philippines đứng ngay sau với 5.878 ca nhiễm và 387 ca thiệt mạng.
 
Thiện Nhân

Nguồn: CAND

Các tin khác