Tin tức sự kiện

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

08:50, 22/03/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Trong tuần qua, Dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục bùng phát, lây lan tại nhiều nước trên thế giới. Trong nước đã có thêm nhiều ca nhiễm, công tác phòng, chống dịch tại nước ta đã bước vào giai đoạn mới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành đều phải ý thức được đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác phòng, chống dịch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phải nỗ lực hơn nữa, càng khó khăn càng phải quyết tâm, cố gắng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đây là nội dung Thông báo 98/TB-VPCP ngày 14/3/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.
 
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày 16/3/2020, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người (như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...).
 
Tiếp đó, tại Thông báo 102/TB-VPCP ngày 17/3/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: Tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 00 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2020.
 
Từ 00 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2020, các trường hợp được miễn thị thực hoặc có Giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao...) khi nhập cảnh phải có Giấy xác nhận không dương tính với vi rút COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và Giấy này được Việt Nam chấp thuận. Các biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.
 
Các trường hợp nhập cảnh phải qua kiểm tra và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo đúng quy định.
 
Ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung hiện nay, thực hiện việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, các nước ASEAN; đồng thời thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung. Chính quyền cấp xã, phường và ngành y tế địa phương phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp này, bảo đảm cách ly, giám sát đúng đối tượng, đủ thời gian theo quy định. Nghiêm cấm việc kỳ thị người mắc bệnh, người nghi mắc bệnh.
 
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly trong quân đội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly và giao Tư lệnh các quân khu điều phối để sẵn sàng tiếp nhận và cách ly số lượng lớn.
 
Xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị du khách nước ngoài
 
Gần đây, một số phương tiện thông tin, báo chí có phản ánh về việc do lo ngại nguy cơ nhiễm và lây lan dịch bệnh COVID-19 từ khách du lịch là người nước ngoài, một số cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch ở các địa phương đã từ chối phục vụ, thậm chí có biểu hiện tẩy chay, kỳ thị khách du lịch là người nước ngoài.
 
Để kịp thời chấn chỉnh, giữ gìn hình ảnh đất nước, con người, điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hiếu khách, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo rà soát về tình hình khách du lịch nước ngoài trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, nhất là tại các khu, điểm du lịch thực hiện nghiêm quy định của Luật Du lịch về việc không phân biệt, đối xử đối với khách du lịch; chấn chỉnh và xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ khách du lịch là người nước ngoài.
 
Đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19
 
Trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Phiên họp lần thứ sáu của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch viêm đường hô hấp do virus corona mới gây ra trên phạm vi toàn cầu đến giao lưu hàng hóa qua biên giới cũng như đến sản xuất trong nước. Qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa song vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, bảo vệ cộng đồng.
 
Đẩy nhanh triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng
 
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng giai đoạn 2.
 
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, phấn đấu đưa vào vận hành trong năm 2020, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn, không để xảy ra các tồn tại, khuyết điểm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 09/01/2020.
 
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xử lý tình huống trong đấu thầu đối với Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 trong điều kiện có sự thay đổi tỷ lệ tham gia vốn của các bên trong liên danh Nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, hoàn thành trước ngày 31/3/2020.
 
Sửa quy định bán đấu giá tài sản thi hành án
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 và khoản 5 Điều 27 quy định bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án.
 
Trước khi bán đấu giá tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung mà có nhiều chủ sở hữu chung đề nghị mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định thì Chấp hành viên thông báo cho các chủ sở hữu chung đó thỏa thuận người được quyền mua. Nếu không thỏa thuận được thì Chấp hành viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người được mua tài sản.
 
Ngăn ngừa tai nạn đường thủy do phương tiện nhỏ, thô sơ gây ra
 
Nhằm ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn đường thủy do các phương tiện nhỏ, thô sơ gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt đảm bảo đủ sức răn đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy, trong đó có hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người (phương tiện nhỏ) vào hoạt động mà không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ an toàn theo quy định Luật Giao thông đường thủy nội địa; nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc về mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên phương tiện thô sơ.
 
Cơ cấu tổ chức mới của Đài Truyền hình Việt Nam
 
Chính phủ ban hành Nghị định 34/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 02/2018/NĐ-CP ngày 4/1/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam. Theo đó, so với quy định tại Nghị định 02/2018/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam từ 31 đơn vị giảm xuống còn 28 đơn vị.
 
Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê
 
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật.
 
Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm KTXH lớn của cả nước
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
 
Mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa, thể thao, giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học-công nghệ phát triển của đất nước; xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác