Tin tức sự kiện
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần
09:39, 19/01/2020 (GMT+7)
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Chỉ thị nổi bật về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; tăng cường biện pháp quản lý, giám sát đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.
Thủ tướng chỉ thị thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thị trường gần 100 triệu người và các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường… chính là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh và vươn ra thế giới.
Để đạt mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung thực hiện triệt để 12 giải pháp.
Quản lý chặt chẽ tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường biện pháp quản lý, giám sát đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.
Để quản lý chặt chẽ tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an toàn, an ninh hàng không trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp các ban, bộ, ngành liên quan soạn thảo, trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong quý I năm 2020; chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ công khai đến mọi tổ chức, cá nhân biết để thực hiện.
Thủ tướng chỉ thị tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia
Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 100), thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của các cơ quan truyền thông; nhờ đó, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã có chuyển biến rất tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã giảm nhiều, đặc biệt là nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước.
Để phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 100 trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, năm 2020 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 03/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100 với các hình thức đa dạng, phong phú đến mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và tính phòng ngừa, cảnh báo giúp nâng cao nhận thức và giảm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT tại Nghị định số 100.
4 nhiệm vụ quy hoạch đường bộ, sắt, thủy nội địa, hệ thống cảng biển
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 4 quyết định về nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ; nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt; nhiệm vụ Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển.
Mục tiêu của các quy hoạch nhằm nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường; nghiên cứu các phương án phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành và hạn chế ô nhiễm môi trường; hoạch định phát triển cho cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, triển khai cụ thể hóa chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; xây dựng được các kịch bản và xác định nhu cầu vận tải đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, có xét đến năm 2050 trong mối tương quan với các phương thức vận tải khác...
Quy định mới về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe.
Về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, Nghị định nêu rõ: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải được dán cố định cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe. Bên cạnh đó, được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn trên nóc xe thì không phải dán cố định cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.
Đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số. Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nghị định cũng quy định rõ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Theo đó, trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Dự báo, cảnh báo về thiên tai để phòng ngừa, ứng phó
Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 03/2020/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai phục vụ hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.
Nguồn: Chinhphu.vn