Tin tức sự kiện
Những thăng trầm của kinh tế thế giới 2019
08:48, 30/12/2019 (GMT+7)
Năm 2019, “giai điệu” kinh tế thế giới có cả âm trầm, âm thăng, nhưng nhìn tổng thể là trầm lắng.
Ảnh minh họa |
Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng chững lại khi thế giới đối diện nhiều thách thức
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng tại nhóm nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ chững lại còn 5,8% trong năm 2019 và còn 5,7%, 5,6% trong năm 2020 và 2021. Điều này phản ánh cho sự suy giảm về tăng trưởng xuất khẩu và hoạt động sản xuất.
Nhu cầu toàn cầu suy yếu, trong đó có cả từ Trung Quốc; bất ổn leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho xuất khẩu suy giảm và tăng trưởng đầu tư chững lại, điều đó lập tức tác động đến khu vực.
Trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương không tính Trung Quốc, tăng trưởng tiêu dùng vẫn ổn định dù rằng thấp hơn cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chính bởi chính sách tiền tệ và tài khóa. Tăng trưởng tại nhóm nền kinh tế nhỏ trong khu vực vẫn ở mức cao do chịu tác động bởi yếu tố đặc thù của một số quốc gia, trong đó phải kể đến tăng trưởng ổn định trong ngành du lịch, bất động sản…
Theo Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, bà Victoria Kwakwa, tăng trưởng chững lại đồng nghĩa với việc tốc độ giảm đói nghèo giảm đi, WB ước tính khoảng 25% dân số khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sống dưới ngưỡng cao của nấc thu nhập trung bình là 5,50 USD/ngày.
Hong Kong rơi vào suy thoái vì biểu tình
Cuối tháng 10, Hong Kong công bố GDP quý III giảm 3,2% so với quý trước. Đây là quý thứ hai liên tiếp nơi này tăng trưởng âm, khiến kinh tế rơi vào suy thoái theo lý thuyết.
Hong Kong vốn đã chịu tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Vì vậy, cuộc biểu tình kéo dài từ tháng 6, đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt, càng khiến tình hình tồi tệ.
Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất gần 3 thập kỷ
Kinh tế Trung Quốc năm nay tiếp tục chịu nhiều sức ép cả trong và ngoài nước. GDP quý II và quý III của nước này chỉ tăng lần lượt 6,2% và 6% - thấp nhất kể từ đầu thập niên 90.
Trung Quốc đang chấp nhận giảm tốc nhằm củng cố hệ thống tài chính và kiềm chế tín dụng. Vì vậy, kể cả khi không có cuộc chiến thương mại với Mỹ, nền kinh tế này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ áp lực giảm phát (ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp) đến nhập khẩu đi xuống (cho thấy nhu cầu trong nước yếu đi).
Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ phải tung thêm nhiều biện pháp kích thích để chặn lại đà giảm tốc. Hiện tại, giới chức Trung Quốc chỉ tập trung kích thích hạn chế, có mục tiêu, như hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất, do lo ngại khối nợ bùng lên.
Năm lao đao của các start-up tỷ USD
2019 là năm nở rộ IPO của hàng loạt công ty kỳ lân (công ty tư nhân được định giá tỷ USD). Đây là các thương vụ IPO được nhà đầu tư mong đợi từ rất lâu. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các công ty này sau đó đều không được như kỳ vọng.
Uber, Lyft và Slack đều chật vật trong việc tạo ra lợi nhuận. Uber quý III lỗ 1,1 tỷ USD, còn quý II lỗ tới 5,2 tỷ USD. Beyond Meat và Peloton cũng không khá hơn mấy. Cổ phiếu Peloton còn mất giá tới 11% trong phiên giao dịch đầu tiên - điều hiếm thấy với một start-up công nghệ.
Trong khi đó, nhiều tập đoàn công nghệ bị phạt nặng. Tập đoàn Facebook hồi tháng 7/2019 đã đồng ý nộp khoản phạt kỷ lục 5 tỷ USD để dàn xếp cáo buộc của Mỹ liên quan đến sự cố rò rỉ dữ liệu của người dùng hồi năm 2018. Đây là minh chứng rõ nét cho làn sóng siết chặt quản lý và điều tra đối với các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google, Amazon và Apple trong các lĩnh vực như bảo vệ dữ liệu cá nhân và chống độc quyền.
Hồi tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu đã phạt Google 1,69 tỷ USD vì cạnh tranh không lành mạnh khi chặn các quảng cáo tìm kiếm trực tuyến của các đối tác. Liên minh châu Âu cũng điều tra Amazon vì hành vi chống cạnh tranh liên quan đến việc sử dụng dữ liệu từ các nhà bán lẻ độc lập trên nền tảng thương mại điện tử của Amazon.
"Cú sốc" giá dầu
Giá dầu thô Brent ngày 16/9/2019 tăng tới 19,5% - mức tăng mạnh nhất trong một phiên kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 - lên 71,95 USD/thùng, sau khi xảy ra 2 vụ tấn công nhằm vào 2 cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, làm sản lượng dầu của nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới giảm 50%, tương đương khoảng 5% nguồn cung dầu toàn cầu. Vụ việc khiến các nước phải chú trọng các biện pháp ứng phó với vấn đề an ninh dầu mỏ và nguy cơ thiếu cung trong tương lai. Nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, cùng với tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung vào cuối năm 2019, giá dầu thô tăng lên mức cao hơn so với thời điểm kết thúc năm 2018.
Tạm dừng sản xuất máy bay Boeing MAX 737
Ngày 16/12/2019, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ tuyên bố sẽ tạm dừng sản xuất máy bay 737 MAX từ tháng 1/2020, vào thời điểm lệnh cấm bay đối với phiên bản bán chạy nhất của nhà chế tạo máy bay này sẽ kéo dài sang năm 2020. Máy bay Boeing 737 MAX đã bị cấm bay trên toàn cầu từ tháng 3/2019 sau 2 vụ tai nạn máy bay thảm khốc của Hãng hàng không Lion Air và Ethiopian Airlines, khiến 346 người thiệt mạng. Việc các đơn hàng mua máy bay 737 MAX bị hủy do dòng máy bay thân hẹp bán chạy nhất này bị cấm bay không chỉ tác động xấu đến lợi nhuận và doanh thu của Boeing, mà còn ảnh hưởng tới các nhà cung cấp linh kiện, nhà thầu phụ, các hãng hàng không và các thể chế tài chính trên toàn cầu cũng như kinh tế Mỹ.
Các vụ cháy rừng Amazon không chỉ tàn phá môi trường, phá hủy đa dạng sinh thái, mà còn làm thiệt hại hơn 8,2 tỷ USD - Ảnh: Getty Images |
Thiệt hại nặng nề do các vụ cháy rừng
Năm 2019 chứng kiến hàng loạt vụ cháy rừng xảy ra trên khắp các châu lục, từ Nam Mỹ, nước Mỹ tới châu Âu, châu Á, châu Đại dương, trong đó phải kể đến thảm họa đối với “lá phổi xanh của hành tinh” Amazon. Thảm họa cháy rừng Amazon bùng lên hồi tháng 8/2019 với nguyên nhân được cho là do hoạt động chặt phá rừng để phát triển chăn nuôi hoặc trồng trọt. Các vụ cháy rừng Amazon không chỉ tàn phá môi trường, phá hủy đa dạng sinh thái, mà còn làm thiệt hại hơn 8,2 tỷ USD.
Thương mại Mỹ-Trung bớt căng thẳng
Những ngày đầu tiên của tháng 12/2019 đã làm giới đầu tư thế giới cảm thấy hài lòng khi mà cuối cùng Mỹ và Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo Bloomberg, cụ thể Trung Quốc sẽ tăng mua nông sản Mỹ, trong đó bao gồm đậu tương và thịt lợn, Trung Quốc đưa ra nhiều cam kết mới về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và không thao túng tiền tệ. Phát biểu với phóng viên tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng tổng giá trị thu mua nông sản Mỹ của Trung Quốc sẽ sớm tăng lên ngưỡng 50 tỷ USD/năm.
Mỹ sẽ hoãn việc tăng thêm thuế nhập khẩu với hàng hóa của Trung Quốc, các biện pháp thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày Chủ nhật (15/12), áp dụng với khoảng 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc như điện thoại thông minh và đồ chơi. Quốc gia châu Á này cam kết tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm không dưới 200 tỷ USD so với ngưỡng của năm 2017 trong vòng 2 năm tới.
Fed lần đầu hạ lãi suất trong hơn 10 năm
Tháng 8/2019, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần đầu hạ lãi suất kể từ năm 2008, với mức giảm 0,25%. Quan chức Fed cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết để giữ nền kinh tế vững mạnh, đặc biệt trong bối cảnh họ bị hạn chế về công cụ đối phó suy thoái khi lãi suất hiện ở mức thấp kỷ lục.
Động thái này đã được dự báo từ lâu. Trong năm nay, Fed đã phải theo đuổi chính sách linh hoạt hơn để đối phó với bất ổn ngày càng tăng từ bên ngoài. Vấn đề khiến họ lo ngại nhất là căng thẳng thương mại.
Sau đó, Fed còn hạ lãi suất thêm 2 lần nữa năm nay, vào tháng 9 và tháng 10. Tuy vậy, trong cuộc họp chính sách tháng 12, Fed giữ nguyên lãi suất và ra tín hiệu sẽ không điều chỉnh trong năm 2020.
Kết thúc đàm phán RCEP
Việc 10 nước thành viên ASEAN cùng 5 đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ngày 4/11/2019 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tất cả các nước tham gia RCEP, trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại cản trở tiến trình toàn cầu hóa.
RCEP được kỳ vọng là một thỏa thuận thương mại thế hệ mới, linh hoạt hơn, đồng thời phản ánh sự phát triển hiện đại của thương mại toàn cầu.
Nguồn: Chinhphu.vn