Tin tức sự kiện

Hiệp ước INF chính thức vô hiệu lực: Thách thức tương lai hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu

08:02, 02/08/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Ngày 2-8, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vốn được ký kết từ hơn ba thập kỷ trước với Liên Xô. 
 
Các nước lớn, các khối và giới chuyên gia đều rất quan ngại về sự sụp đổ của INF, bởi việc này sẽ trực tiếp gây xáo trộn cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu và thế giới có nguy cơ nổ ra một cuộc đua vũ trang mới.
 
The Guardian ngày 1-8 đưa tin, trước sự kiện được xếp hạng là trọng yếu của quốc tế - việc Hiệp ước INF sụp đổ, các nước lớn và nhiều tổ chức đã đưa ra phản ứng và có những quan điểm khác nhau.
 
Cụ thể, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố các quốc gia thành viên đang thận trọng chuẩn bị cho "một thế giới không có INF", bởi NATO cho rằng hiệp ước này sẽ khó giữ vững. Ông Jens Stoltenberg khẳng định, khối quân sự này đã xem xét các lựa chọn truyền thống, đặc biệt là chú trọng đến phòng không và chống tên lửa, cải thiện công tác tình báo, thực hiện các cuộc tập trận và đưa ra các sáng kiến mới trong kiểm soát vũ khí... 
 
Ông Stoltenberg nhấn mạnh, NATO phải đảm bảo rằng sau sự sụp đổ của INF, khối này cần duy trì khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy, đồng thời sẽ làm tất cả những gì cần thiết. 
Hiệp ước INF chính thức vô hiệu lực từ 2-8. Nguồn: Express.
Hiệp ước INF chính thức vô hiệu lực từ 2-8. Nguồn: Express.
Đồng quan điểm với NATO, Nhật Bản - một đồng minh của Mỹ ở châu Á cũng cho rằng INF khó có thể cứu vãn bởi trước khi đưa ra quyết định trên, cả Washington và Moscow đã thảo luận rất nhiều lần ở các cấp khác nhau. Tokyo cho rằng các nước ngoài hiệp ước vẫn đang phát triển vũ khí, vì vậy, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi xây dựng cấu trúc mới đa phương mới, bao gồm một số quốc gia sở hữu hạt nhân như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp. 
 
Nhưng ngược lại, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: "Trung Quốc lo ngại và phản đối khả năng hiệp ước bị từ bỏ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Trung Quốc chắc chắn sẽ không đồng ý biến INF thành một hiệp ước đa phương. Chúng tôi kêu gọi Mỹ và Nga giải quyết bất đồng thông qua đối thoại cũng như nỗ lực hết mình để duy trì INF".
 
Giới chuyên gia nhận định, việc Bắc Kinh đặc biệt hăng hái thôi thúc Mỹ và Nga duy trì INF không chỉ bởi thoả thuận này là một trong những trụ cột quan trọng nhất của giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới, mà bởi chừng nào INF cũ còn tồn tại thì chừng đó cấu trúc và mô thức giải trừ quân bị lâu nay vẫn được duy trì và kho vũ khí hạt nhân của họ chưa bị để ý tới. 
 
Nếu như trước đây hiệp ước này được ký kết chỉ giữa Mỹ và Liên Xô, thì một INF mới sẽ không còn là thoả thuận song phương, mà chắc chắn sẽ phải đụng chạm đến kho vũ khí hạt nhân của nhiều nước khác như Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Israel và đặc biệt là Trung Quốc. 
 
CNBC dẫn lời bà Federica Mogherini, Cao ủy về An ninh và Chính sách Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) nêu rõ, việc các nước có quan điểm khác nhau về vấn đề này là không thể tránh khỏi, nhưng nó đồng thời phản ánh một triển vọng đầy bất trắc của việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới trong tương lai. 
 
Bà Mogherini nói: "Điều mà các quốc gia châu Âu dứt khoát không muốn nhìn thấy đó chính là lục địa già bị biến thành một trận địa và là nơi đụng độ giữa các siêu cường quốc". Bà Federica Mogherini cũng cho hay, người duy nhất vui mừng chỉ là các nhà sản xuất vũ khí hạt nhân - những người được cho là luôn "háo hức" cho kịch bản về Thế chiến III.
 
Nói về những quyết định táo bạo của cả Mỹ và Nga, ông Eugene Rumer, một cựu quan chức tình báo Mỹ chỉ ra rằng, vào thời điểm hiện nay, cả chính quyền Mỹ và chính quyền Nga dường như đều đang có những tính toán riêng của mình. Tổng thống Donald Trump không muốn những văn kiện mà ông ấy không tham gia đàm phán và trên thực tế Mỹ đã rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế. 
 
Trong khi đó, với người Nga, sự mở rộng của NATO cũng đang làm thay đổi về căn bản nhận thức của họ về các mối đe dọa. Theo chuyên gia an ninh hạt nhân Zhao Tong, thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Tsinghua, Mỹ và Nga không hẳn vô lý khi cho rằng chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân đã từ lâu không còn là chuyện riêng của đôi bên và không thể được giải quyết dứt điểm chỉ với thoả thuận giữa Mỹ và Nga. 
 
Nhưng việc chấm dứt hiệu lực của thoả thuận đã đạt được trên lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn là bước lùi chứ không thể là bước tiến. Đãng lẽ, hai bên nên dựa trên nền tảng ấy để nhằm tới những hành động tích cực và vừa dẫn dắt, vừa thúc ép các nước khác có vũ khí hạt nhân cùng tham gia. 
 
Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay thì các bên nên tập trung vào những thay đổi đang diễn ra để xây dựng một khuôn khổ giải giáp vũ khí hạt nhân mới, hiện đại hơn và phù hợp hơn với thế kỷ XXI.
INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký kết vào ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km). Tuy nhiên, Mỹ đã đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong hiệp ước INF từ ngày 2-2 vừa qua với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, đồng thời bắt đầu thực hiện tiến trình rút khỏi INF kéo dài 6 tháng.
 
Nga đã bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng chính Washington mới là bên vi phạm hiệp ước và Tổng thống Vladimir Putin cũng đã phê chuẩn dự luật đình chỉ hiệp ước này hôm 3-7.

Nguồn: Như Uyên (tổng hợp)/CAND

Các tin khác