Tin tức sự kiện
Kinh tế thế giới chưa lấy lại động lực
07:41, 06/05/2019 (GMT+7)
Bốn tháng qua, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp. Các tổ chức quốc tế nhìn chung đều có dự báo thiếu lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2019.
Ảnh minh họa |
Cùng chung nhận định với OECD, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 4/2019, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống còn 3,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó, trong đó: Tăng trưởng của Mỹ năm 2019 dự báo còn 2,3% (giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó); khu vực châu Âu giảm mạnh còn khoảng 1,3% (giảm 0,3 điểm phần trăm); ngược lại Trung Quốc được nâng mức dự báo lên 6,3% (tăng 0,1 điểm phần trăm) nhờ những nỗ lực kích thích phát triển kinh tế đất nước trong thời gian gần đây.
IMF cho rằng kinh tế thế giới đã mất động lực từ nửa sau năm 2018 tới nay, sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), căng thẳng thương mại gia tăng, cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn. IMF cảnh báo kinh tế thế giới đang phải đối mặt với thời điểm nhạy cảm khi cùng lúc bị tác động bởi nhiều nguy cơ. Khối lượng hàng hóa và dịch vụ giao thương trên toàn cầu được dự báo chỉ tăng 3,4% trong năm nay, yếu hơn mức 3,8% của năm 2018 và giảm so với con số 4% mà IMF dự báo trước đó.
Một số nền kinh tế lớn tăng chậm
Kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại do hoạt động của khu vực tư nhân giảm tốc. PMI giảm từ 54,6 (tháng 3) còn 52,8 điểm cho thấy hoạt động kinh doanh chung tăng chậm nhất kể từ tháng 9/2016. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong tháng 3, đạt mức 0,4% so với 0% trong tháng 1 và 0,2% trong tháng 2. Tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp 3,8% trong tháng 3/2019.
Khu vực Eurozone tăng trưởng chậm lại. PMI tháng 4 đạt 51,3 điểm, giảm so với 51,6 điểm tháng 3. Tỉ lệ thất nghiệp tháng 2/2019 là 7,8% - thấp nhất kể từ tháng 10/2008. So với tháng 1/2019, sản xuất công nghiệp giảm 0,2%. Lạm phát tháng 3 giảm nhẹ so với tháng 2, còn 1,4%.
Kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp diễn xu hướng giảm tốc. GDP tăng 6,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với 2018. Xuất nhập khẩu hàng hóa chỉ tăng nhẹ 3,7%. Sản xuất công nghiệp tháng 3/2019 tăng 8,5% và doanh số bán lẻ tăng 8,7%. PMI giảm dưới mức 50 điểm trong tháng 1 và tháng 2 nhưng đã tăng trở lại ở mức 50,5 điểm trong tháng 3/2019 cho thấy chính sách thúc đẩy tiêu dùng bắt đầu có ảnh hưởng tích cực đến sản xuất. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Kinh tế Nhật Bản vẫn có tín hiệu tích cực do nới lỏng tiền tệ, mở cửa cho người lao động nước ngoài. Thặng dư tài khoản vãng lai tháng 2/2019 tăng 25,3% so với cùng kỳ 2018. Lạm phát lõi tháng 3/2019 tăng 0,8%, dưới mức mục tiêu 2%. Chỉ số Nikkei tháng 4/2019 đạt 49,5 cao hơn một chút so với 49,2 của tháng 2.
Sức ép từ giá dầu
Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới duy trì đà đi lên do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu lửa Iran và Venezuela cũng khiến nguồn cung dầu toàn cầu thêm phần thắt chặt.
Vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt trừng phạt Iran bằng cách tuyên bố chấm dứt sự miễn trừ vốn cho phép 8 nền kinh tế được tiếp tục mua dầu Iran trong 6 tháng kể từ tháng 11/2018 mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Động thái này như một chất xúc tác mới, đẩy giá dầu lên đỉnh của 6 tháng.
Giá dầu Brent đã tăng khoảng 33% từ đầu năm đến nay và hiện đang dao động quanh ngưỡng 72 USD/thùng. Đợt tăng này của giá dầu không phải do nhu cầu tiêu thụ lớn của một nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh, mà chủ yếu là do nỗi lo xảy ra cú sốc nguồn cung.
Nhiều chuyên gia cho rằng còn quá sớm để nói về mức giá 100 USD/thùng dầu, nhưng mức giá này không phải là điều không thể nếu nguồn cung tiếp tục bị thắt lại.
Theo hãng tin Bloomberg, ảnh hưởng của giá dầu tăng cao đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ tùy thuộc nhiều vào việc mức giá cao duy trì trong bao lâu. Khi giá dầu leo thang, các nước xuất khẩu dầu lửa sẽ hưởng lợi từ việc nguồn thu của các doanh nghiệp và nhà nước tăng, trong khi các nước nhập khẩu dầu sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi bởi giá bán lẻ xăng dầu bị đẩy lên, có khả năng thổi bùng lạm phát và kéo tụt nhu cầu của người tiêu dùng. Và đến một mức độ nào đó, giá dầu cao có thể ảnh hưởng xấu tới tất cả các bên.
Nguồn: An Bình/Chinhphu.vn