Tin tức sự kiện
Báo động 'đỏ' nguy cơ mất đa dạng sinh học
09:00, 02/05/2019 (GMT+7)
Nhóm chuyên gia của LHQ về nền tảng chính sách và khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái đã lên tiếng về nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học trên quy mô toàn cầu.
Tại hội nghị về đa dạng sinh học lần thứ 7 với chủ đề “Một tiếp cận hoàn toàn mới về đa dạng sinh học” diễn ra từ ngày 30/4 đến 4/5 ở Paris (Pháp), nhóm chuyên gia LHQ về nền tảng chính sách và khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) nêu một báo cáo về nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học.
Sau 3 năm làm việc, nhóm IPBES có sự tham gia của hơn 150 nhà nghiên cứu từ khoảng 50 quốc gia cùng các đóng góp của 250 chuyên gia khác trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, và kinh tế - xã hội, cho biết hiện có từ 500.000 đến 1 triệu/8 triệu giống loài sinh vật có nguy cơ bị diệt vong trong những thập niên.
Hiện tại, khoảng 1/4 trong số 100.000 giống loại được nghiên cứu đang trên đường diệt vong do áp lực của việc mở rộng sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá, săn bắt, khai thác tài nguyên cạn kiệt, các hoạt động gây ô nhiễm nói chung…
Báo cáo cũng đặc biệt nhấn mạnh đến một số nguyên nhân cùng lúc gây ra 2 mối đe dọa chủ yếu với nhân loại, gồm khí hậu bị “hâm nóng” và các hệ sinh thái bị hủy diệt từ việc phá rừng làm nông nghiệp cùng với các phương thức canh tác nông nghiệp… gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời cũng gây các tổn hại trực tiếp cho các hệ sinh thái.
Điểm đáng chú ý mà nhóm IPBES đưa trong báo cáo lần này là vấn đề “các dịch vụ sinh thái” mà thiên nhiên cung cấp cho con người phải trở thành trọng tâm của cách tiếp cận mới.
Khái niệm các dịch vụ sinh thái bao hàm những gì mà sinh giới mang lại cho con người (về các nguồn nguyên liệu, về các dịch vụ thụ phấn của côn trùng…). Các đóng góp này không chỉ thuần túy mang tính vật chất mà còn mang cả ý nghĩa văn hóa và xã hội, có nghĩa là đóng góp cho hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người.
Hội nghị IPBES Paris 2019 được coi là mốc khởi đầu cho các phối hợp quốc tế hướng đến Hội nghị thượng đỉnh tại Trung Quốc cuối năm tới 2020 với hy vọng đạt được một thỏa thuận về đa dạng sinh học tương tự như Thỏa thuận Paris năm 2015 (COP 21) trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.
Nguồn: Tuyết Minh/Chinhphu.vn