Sau 5 năm Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế có hiệu lực, ngày 26/4 vừa qua , Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính quyền của ông sẽ ngừng phê chuẩn UNATT và sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước này khi cho rằng Hiệp ước là “sai lầm tồi tệ” và là mối đe dọa đối với sự tự do của Mỹ.
Sau nhiều năm đàm phán, Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế của LHQ (UNATT) được thông qua tại ĐHĐ-LHQ ngày 2/4/2013, đánh dấu việc lần đầu tiên thế giới có một hiệp ước đặt ra những nguyên tắc toàn cầu đối với việc chuyển giao và sử dụng vũ khí nhằm đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ nhân quyền trong hoạt động buôn bán vũ khí thông thường.
UNATT đã chính thức có hiệu lực từ ngày 24/12/2014 sau khi đã được hơn 50 quốc gia thành viên thông qua. Tính cho đến nay đã có101 quốc gia đã chính thức tham gia hiệp ước.
Mỹ, cường quốc xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới, dưới thời của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã ký kết hiệp ước này bất chấp sự phản đối của Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) và các nhóm bảo thủ khác khi cho rằng hiệp ước này làm suy yếu quyền sử dụng súng ở trong nước.
Tuy nhiên, sau 5 năm UNATT có hiệu lực, ngày 26/4 vừa qua , Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính quyền của ông sẽ ngừng phê chuẩn UNATT và sẽ rút Mỹ khỏi hiệp ước này khi cho rằng hiệp ước này là “sai lầm tồi tệ” và là mối đe dọa đối với sự tự do của Mỹ.
Thông báo trên của Tổng thống Trump được đưa ra tại một hội nghị thường niên của NRA được tổ chức tại Indianapolis, bang Indiana (Mỹ).
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, một số nhóm quốc tế đã lên án hành động này của Mỹ. Chủ tịch nhóm Oxfom Abby Maxman cho rằng Mỹ sẽ chặn vũ khí với Iran, Triều Tiên và Syria với tư cách là quốc gia không ký kết hiệp ước lịch sử có mục đích duy nhất là bảo vệ những người dân vô tội khỏi vũ khí chết người.
Còn trong một thông báo, ông Adotei Akwei, thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế Mỹ, cho biết với thông báo này chính quyền Tổng thống Trump sẽ mở cửa trở lại cho hàng loạt các thương vụ bán vũ khí với các tiêu chí nhân quyền bị suy yếu.
Động thái trên của Tổng thống Trump được cho là nỗ lực mới nhất nhằm bãi bỏ những di sản của cựu Tổng thổng Barack Obama. Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu và sau đó là thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ngoài ra, ông Trump còn rút khỏi một số tổ chức, thỏa thuận, Hiệp định lớn như: Hội đồng Nhân quyền LHQ, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)…
Việc liên tiếp rút khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế cho thấy, nước Mỹ dưới thời ông Trump dường như đang đi theo tiêu chí luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên các cam kết quốc tế. Đúng như lời ông Trump đã tuyên bố thẳng thừng trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ trước đây, ông chỉ coi Mỹ là cường quốc hùng mạnh nhất trong một mạng lưới các quốc gia có chủ quyền trên thế giới hiện nay.
.