Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201902/msc-2019-canh-bao-su-chuyen-huong-lich-su-839603/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201902/msc-2019-canh-bao-su-chuyen-huong-lich-su-839603/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
MSC 2019 cảnh báo 'sự chuyển hướng lịch sử' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 18/02/2019, 09:51 [GMT+7]

MSC 2019 cảnh báo 'sự chuyển hướng lịch sử'

Từ ngày 15-19/2 tại Munich (Đức) đã diễn ra Hội nghị An ninh Munich (MSC 2019) lần thứ 55. Hội nghị với sự có mặt nhiều lãnh đạo nhà nước và chính phủ cùng các nhân vật có uy tín khác trong giới chính trị, an ninh thế giới.

Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.
Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.
Hội nghị  MSC 2019  tập trung thảo luận một loạt vấn đề từ sự cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc, tương lai của Liên minh châu Âu (EU), các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã bị xáo trộn và các vấn đề khác…
 
Phát biểu trong lễ khai mạc hội nghị, Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger nhấn mạnh: "Thế giới hiện không chỉ trải qua một loạt các cuộc khủng hoảng nhỏ hơn và lớn hơn, mà còn phải đối mặt với một sự chuyển hướng lịch sử". Ông Ischinger cũng lên tiếng kêu gọi những người tham dự MSC tăng cường tin tưởng lẫn nhau, khuyến khích các nước "nói chuyện với nhau" thay vì "nói về nhau".
 
Trong bài phát biểu của nước chủ nhà, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Giải giáp vũ khí là điều khiến tất cả chúng ta cùng quan tâm và tất nhiên chúng ta sẽ vui mừng nếu các cuộc đàm phán cho vấn đề này có sự tham gia không chỉ giữa Mỹ, châu Âu và Nga mà còn cả Trung Quốc".
 
Cảnh báo đó được người đứng đầu Chính phủ Đức được đưa ra trong bối cảnh hiện có những lo ngại gia tăng về hệ thống vũ khí tên lửa của Trung Quốc cũng như việc đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga.
 
Bà Merkel cũng phê phán Mỹ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Bà đặt câu hỏi: "Liệu bằng cách rút khỏi hiệp định này, chúng ta có thể giúp cho mục tiêu chung là kiềm chế những mối nguy từ Iran hay không".
 
Bà Merkel cũng lên tiếng cảnh báo về sự sụp đổ của các cấu trúc chính trị quốc tế.
 
Với mối quan hệ với Nga, bà Merkel cho rằng, mối quan hệ này vốn trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây, song về mặt địa chiến lược, châu Âu "không thể cắt đứt mọi quan hệ với Nga".
 
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cáo buộc Tehran đang lên kế hoạch cho một vụ thảm sát "Holocaust mới" nhằm vào đối thủ Israel và ấp ủ tham vọng tại khu vực các quốc gia Syria, Liban, Iraq và Yemen. Ông cũng chỉ trích sáng kiến của Anh, Pháp và Đức đã cho phép các doanh nghiệp của châu Âu tiếp tục hoạt động ở Iran bất chấp lệnh cấm của Mỹ.
 
Tuy nhiên, Đức đã từ chối đề nghị của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về việc các nước châu Âu rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) với Iran và cô lập nước này.
 
Lên tiếng ngay tại hội nghị, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng: "Cùng với Anh, Pháp và toàn bộ EU, chúng tôi đã tìm ra phương hướng để giữ Iran lại với thỏa thuận hạt nhân cho đến ngày nay".
 
Ông Heiko Maas khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi là duy trì một Iran không có vũ khí hạt nhân, chính xác bởi vì chúng tôi thấy rõ ràng cách mà Tehran đang làm bất ổn khu vực này. Nếu không có thỏa thuận trên, khu vực sẽ không thể an toàn hơn và thậm chí có thể sẽ tiến thêm một bước sát tới đối đầu công khai".
 
Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc ủng hộ chủ nghĩa đa phương, trong đó tham vấn và đối thoại là khâu quan trọng.
 
Theo ông Dương Khiết Trì, thế giới cần chủ nghĩa đa phương, nên tránh chủ nghĩa bá quyền và chính sách cường quốc. Trong quan hệ với Mỹ, quan chức Trung Quốc nhấn mạnh nỗ lực của hai bên nhằm đạt được các thỏa thuận cùng có lợi.
 
Liên quan bài phát biểu trước đó của Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi Trung Quốc tham gia Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), ông Dương Khiết Trì cho rằng cần tiếp tục duy trì hiệp ước này, song lại nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không đặt ra mối đe dọa với ai, do vậy Bắc Kinh không ủng hộ phiên bản đa phương của hiệp ước INF - văn kiện được Mỹ và Liên Xô ký ngày năm 1987.
 
Diễn biến liên quan, bên lề MSC 2019, ngày 16/2, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã có cuộc gặp với Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo, trong đó hai bên đã tập trung thảo luận về việc hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với Tehran và việc thực thi Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an liên quan đến thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc.
 
Tại cuộc gặp trên, hai quan chức cũng trao đổi quan điểm về hệ thống thanh toán mà một số nước châu Âu chủ chốt mới thông báo sẽ áp dụng dành cho Tehran nhằm giúp quốc gia Trung Đông này tránh khỏi các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có tình hình ở Afghanistan, Yemen, Syria và Liban, cũng được đề cập trong cuộc gặp.
 
Tuyết Minh 
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.