Tin tức sự kiện
Cuộc 'so găng' chưa có hồi kết
10:10, 19/01/2019 (GMT+7)
Tính tới hôm nay, 18/1, thời gian Chính phủ Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump đóng cửa một phần đã kéo dài 27 ngày, vượt xa kỷ lục trước đó là 21 ngày vào năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Tính từ năm 1976 đến nay, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa 20 lần với những mức độ khác nhau.
Đây là cuộc “so găng” căng thẳng nhất giữa Nhà Trắng với Đồi Capitol do đảng Dân chủ kiểm soát, xung quanh cuộc tranh cãi về nguồn tài chính cho việc xây bức tường biên giới với Mexico để ngăn chặn dòng người di cư từ các nước Trung Mỹ.
Động thái đáp trả mới nhất mà Tổng thống Donald Trump nhằm vào lãnh đạo phe Dân chủ là ngày 17/1, trong một lá thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Tổng thống Donald Trump viết: “Do tình hình chính phủ đóng cửa, tôi rất tiếc phải thông báo chuyến thăm của bà tới Bỉ, Ai Cập và Afghanistan đã bị hoãn. Chúng ta sẽ lên kế hoạch lại cho chuyến thăm dài 7 ngày này khi tình trạng đóng cửa chấm dứt”.
Ảnh: Getty Images |
Thậm chí ông Trump cũng không quên khiêu khích nữ Chủ tịch Hạ viện Mỹ về thỏa thuận xây tường biên giới khi nói rằng bà Pelosi nên dành thời gian “ở lại Washington mà đàm phán” hoặc “tham gia phong trào An ninh biên giới vững mạnh” , còn “nếu bà chọn dùng máy bay thương mại cho chuyến công du của mình thì cứ thoải mái vì đó là đặc quyền của bà”!
Trước đó một ngày, bà Pelosi đã đề nghị Tổng thống Trump hoãn đọc thông điệp liên bang, dự kiến vào ngày 29/1.
Truyền thông Mỹ nhận định nước đi này có thể khiến căng thẳng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục leo thang liên quan tới vấn đề an ninh biên giới.
Không những vậy, ngày 17/1, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders còn cho biết, Tổng thống Donald Trump cũng đã hủy kế hoạch tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) vào tuần tới, do vẫn chưa giải quyết được tình trạng chính phủ đóng cửa và những mâu thuẫn với Quốc hội.
Bà Sanders nêu rõ: "Sau khi cân nhắc việc 800.000 người lao động Mỹ không được trả lương và để bảo đảm đội ngũ nhân viên có thể cung cấp sự hỗ trợ cần thiết, Tổng thống Trump đã hủy kế hoạch tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos".
Xung quanh việc chính phủ đóng cửa một phần, giới chuyên gia kinh tế nhận định tình trạng này chỉ khoét sâu thêm những mâu thuẫn giữa các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Đồi Capitol, mà còn đang gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Thậm chí, nền kinh tế Mỹ còn đối diện với nguy cơ chịu hậu quả tồi tệ hơn nữa nếu thời gian này kéo dài tới “nhiều tháng” như lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc thương lượng với các nhà lập pháp đảng Dân chủ.
Các nghiên cứu chỉ ra ra rằng cứ mỗi tuần một phần chính phủ đóng cửa, tốc độ tăng trưởng của cả quý sẽ giảm từ 0,05-0,1%. Điều này đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng GDP của cả quý 1 sẽ giảm từ 0,1-0,2%.
Dựa vào các nghiên cứu trên, nhà kinh tế học Daniel Silver của tổ chức tài chính JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ quý đầu tiên năm 2019 từ 2,25% xuống còn 2%.
Một diễn biến liên quan đáng chú ý khác như tờ New York Times số ra mới đây cho hay, lần đóng cửa này không chỉ ảnh hưởng tới khoảng 1/4 chính phủ, bao gồm 9 bộ liên bang và một số cơ quan khác với khoảng 800.000 nhân viên chính quyền hiện đang nghỉ hoặc làm việc không lương. Vì trong số đó có tới 43.000 thành viên Lực lượng tuần duyên thuộc quân đội Mỹ.
Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Lực lượng tuần duyên Mỹ, hôm 16/1 cho hay: “Theo tất cả những hiểu biết của tôi thì điều này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử đất nước chúng ta, các thành viên của một lực lượng vũ trang Mỹ không được trả lương trong thời gian chính phủ đóng cửa”.
Điều đó cho thấy cuộc “so găng” giữa Nhà Trắng với Đồi Capitol do Đảng Dân chủ kiểm soát tiếp tục căng thẳng và chưa có dấu hiệu kết thúc trong thời gian gần.
Nguồn: Tuyết Minh/Chinhphu.vn