"Làm cho Liên Hợp Quốc gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì các xã hội hoà bình, công bằng và bền vững" - Đó là chủ đề trọng tâm của Phiên thảo luận Cấp cao khoá 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra tại New York, Hoa Kỳ từ ngày 25/9 tới 1/10/2018.
Theo thông tin chính thức từ Ban Thư ký LHQ, đã có 81 nguyên thủ, 51 người đứng đầu Chính phủ và 47 Bộ trưởng tham dự phiên thảo luận chung. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam đã dự và có bài phát biểu quan trọng, đóng góp vào thành công chung của Phiên thảo luận.
Tham gia Đoàn công tác kỳ này của Thủ tướng có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh; Thượng tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Phạm Ngọc Minh; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý; Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng.
Phiên thảo luận chung khoá 73 Đại hội đồng LHQ diễn ra tại New York. |
Đây là một kỳ họp quan trọng và đối với Đoàn Việt Nam, nó còn đặc biệt có ý nghĩa khi cách đây đúng 10 năm, Việt Nam được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009). Trong 2 năm đó, chúng ta đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm hơn 1.500 cuộc họp các loại của Hội đồng Bảo an; cùng Hội đồng Bảo an thông qua hơn 100 nghị quyết, hơn 80 Tuyên bố Chủ tịch và hơn 80 Tuyên bố Báo chí của Hội đồng Bảo an; tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự và hoạt động của Hội đồng Bảo an.
Đặc biệt chúng ta rất chú ý thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề của Châu Á - châu lục mà chúng ta đại diện một cách hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Những kết quả ấy là tiền đề để Đảng, Nhà nước ta quyết định Việt Nam chính thức ứng cử làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Theo thông tin mới nhất, hiện Việt Nam không chỉ là ứng viên của các nước khu vực ASEAN mà còn của cả nhóm Châu Á - Thái Bình Dương gồm 54 nước. Với những nỗ lực đã và đang đạt được, chúng ta tin tưởng sẽ có kết quả khả quan trong cuộc bầu cử một số thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ được tổ chức vào tháng 6 năm 2019.
Nói như tinh thần cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước thềm chuyến công tác "Với kinh nghiệm đã đúc kết được, với tinh thần hợp tác tích cực và chân thành và sự ủng hộ của các nước thành viên LHQ, chúng ta tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách tại Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hoà bình, thịnh vượng và phát triển trên thế giới".
Đúng theo chương trình, vào đầu giờ chiều ngày 28/9 (giờ địa phương, khoảng 1 giờ sáng - giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung khoá 73 Đại hội đồng LHQ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao khoá 73 của Đại hội đồng LHQ |
Sau khi khẳng định vai trò to lớn của LHQ đối với việc bảo vệ nền hoà bình chung cho nhân loại; nỗ lực không mệt mỏi để "thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương LHQ", Thủ tướng đặt vấn đề "Lúc này, tôi cùng quý vị muốn đặt câu hỏi: Chúng ta muốn một LHQ như thế nào? Trả lời câu hỏi này, tôi đánh giá cao những đề xuất của Ngài Tổng thư ký LHQ, nhất là tái định vị hệ thống phát triển của LHQ. Tôi cũng đề nghị LHQ tăng cường hợp tác với các khu vực, trong đó có đẩy mạnh cơ chế hợp tác thượng đỉnh LHQ và ASEAN theo hướng: Tăng nội hàm của LHQ trong ASEAN và làm đậm nét nội hàm ASEAN trong LHQ".
Thủ tướng tiếp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 73, bà Maria Fernanda Espinosa Garces. |
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Vừa qua Việt Nam đã ứng cử làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và cam kết, "Việt Nam sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và LHQ".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ. |
Ngoài việc tranh thủ cơ hội vận động để Việt Nam tiếp tục có thêm nhiệm kỳ giữ vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, trong hoạt động tại LHQ lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các thành viên trong Đoàn còn có nhiệm vụ tranh thủ các nguồn lực và cơ hội cho phát triển, thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến, kế hoạch và ưu tiên hành động của LHQ ở cấp độ quốc gia và khu vực; đồng thời, đây cũng là dịp để Việt Nam quảng bá những thành tựu trong phát triển kinh tế, phát triển con người hướng đến mục tiêu bao trùm bền vững; là dịp để Việt Nam chia sẻ và đề xuất các sáng kiến chính sách trong việc thúc đẩy và đảm bảo quyền con người phù hợp với bối cảnh phát triển của từng quốc gia...
Với tinh thần trên, chương trình làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong Đoàn trong ngày 28 gần như không còn khe hở. Sau khi phát biểu tại Phiên thảo luận chung khoá 73 Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng đã có cuộc gặp Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa Garces và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Phil Falcone, Chủ tịch Quỹ Đầu tư tài chính Harbinger. |
Trước đó, vào hồi 8 giờ sáng, Thủ tướng đã dự buổi Toạ đàm với các doanh nghiệp Hoa Kỳ về thu hút đầu tư tại Việt Nam trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0 do Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hội đồng kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) và tập đoàn FPT tổ chức.
Tại buổi toạ đàm, Thủ tướng chia sẻ, ông muốn lắng nghe đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ nêu những điều mà mình còn trăn trở; cả về thể chế chính sách lẫn chất lượng nguồn lao động ở Việt Nam, đồng thời khẳng định ông sẵn sàng tiếp thu và tạo điều kiện tốt nhất cho những doanh nghiệp sẵn lòng chọn Việt Nam làm nơi "biến ý tưởng thành hiện thực".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với đại diện một số doanh nghiệp Hoa Kỳ sau buổi Toạ đàm. |
Tiếp đó, Thủ tướng đã có buổi tiếp Chủ tịch Quỹ Harbinger và có cuộc gặp song phương với các nhà đứng đầu một số quốc gia: Tổng thống Fiji; Thủ tướng Saint Lucia; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà Cuba... Song song với các cuộc làm việc của Thủ tướng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có những cuộc tiếp xúc Bộ trưởng Ngoại giao một số nước và chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC.
Phạm Khải (từ New York, Hoa Kỳ)
.