Tin tức sự kiện
Châu Âu buộc phải cải tổ?
08:48, 21/04/2018 (GMT+7)
Việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra cho EU nhiều thách thức phải giải quyết, trong đó có vấn đề phải cải tổ nếu muốn làm sống lại sức mạnh của Liên minh.
Trong tiến trình này, hai nước thành viên chủ chốt của EU là Pháp và Đức đang bắt đầu nêu những gợi mở cho quá trình cải tổ sắp tới.
Theo RFI, trong cuộc họp báo chung tại Berlin (Đức) ngày 19/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tỏ ra lạc quan về khả năng thỏa thuận được với nhau trong việc vạch ra lộ trình cải cách châu Âu hậu Brexit, trước cuộc họp Hội đồng châu Âu vào cuối tháng 6 tới đây.
Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cho biết sẽ sớm bàn bạc về dự án liên minh ngân hàng, khu vực đồng euro và chính sách nhập cư. Bà Angela Merkel cho rằng “khu vực đồng euro chưa đủ mạnh để đối đầu với các cuộc khủng hoảng” và khẳng định sẵn sàng bàn bạc về một hệ thống bảo đảm tiền gửi ngân hàng cùng nhiều vấn đề khác.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, trước đó, ngày 17/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khởi động “Sáng kiến tham khảo ý kiến công dân” về dự án tái xây dựng châu Âu tại thành phố Epinal ở miền Đông nước Pháp, nơi 44,7% cử tri từng bỏ phiếu cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống 2017.
Sáng kiến mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất hồi năm ngoái trong bài phát biểu ngày 26/9/2017 ở Sorbonne, đã được 26 thành viên EU hưởng ứng (trừ nước Anh đang trong giai đoạn đàm phán Brexit).
Còn đối với Đức, trong Chính phủ vừa thành lập được vài tuần, phe bảo thủ và phe dân chủ xã hội tuy đồng ý cần phải củng cố châu Âu qua việc hợp tác với Pháp nhưng bất đồng về chi tiết. Phe bảo thủ ở Đức muốn mỗi nước trong khu vực đồng euro phải chịu trách nhiệm về các rủi ro kinh tế của chính mình, còn Tổng thống Pháp muốn san sẻ rủi ro giữa các quốc gia thành viên. Trong khi nhân vật ủng hộ châu Âu nhiệt tình nhất tại Đức là cựu Chủ tịch Đảng Xã hội dân chủ Đức (SPD) Martin Schulz thì đã từ chức.
Đây là một khó khăn mà chính phủ Đức phải vượt qua để tìm kiếm sự ủng hộ trong nước cho tiến trình cải tổ châu Âu.
Nguồn: Tuyết Minh/Chinhphu.vn