Tin tức sự kiện

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng

08:23, 11/01/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Chiều 10-1, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật An ninh mạng, trong đó các ý kiến đều tập trung vào quy định liên quan đến việc yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam.
 
Về vấn đề này, Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt bảo lưu quan điểm: để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thì bắt buộc một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” đã tiếp thu các ý kiến góp ý, khoản 4 Điều 34 của dự thảo cũ, chỉnh lý cho phù hợp tại khoản 4 Điều 27 dự thảo lần này.
 
Về cơ bản, khoản 4 yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam khi có từ 10.000 người Việt Nam sử dụng trở lên hoặc khi có yêu cầu của Chính phủ; lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam và các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam; thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân; cung cấp dữ liệu người sử dụng Việt Nam và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phạm an ninh mạng.
 
Đồng chí Võ Trọng Việt cho biết, đây là nội dung có liên quan đến quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội và ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trong Luật này, nên đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.
 
Về vấn đề này, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an - đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, hiện dư luận trong nước cũng như quốc tế quan tâm nhiều đến việc tại sao phải đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng bản chất của việc này không phải là máy chủ, mà dữ liệu người dùng và dữ liệu quan trọng khác tạo ra trong quá trình sử dụng ở Việt Nam thì phải để ở Việt Nam.      Đây là tài sản của Việt Nam, tài nguyên của Việt Nam, do chúng ta tạo ra, liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia thì chúng ta phải được quản lý.
 Bộ trưởng Tô Lâm giải trình về Luật An ninh mạng
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình về Luật An ninh mạng
Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ với Bộ Công an về việc phải có quy định các nhà mạng phải lưu trữ thông tin một thời gian nhất định để khi có những vụ việc vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra có thể trích xuất dữ liệu đó để xử lý. Hiện không lưu trữ nên không còn lưu vết để xử lý nữa. Việc đặt máy chủ do chưa trở thành tiền lệ trên thế giới nên còn tranh cãi giữa một số nước, nhưng nếu chúng ta quyết tâm thì vẫn có thể có cách quy định cho phù hợp.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải an hành luật An ninh mạng vẫn yêu cầu tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo, xung đột (với luật An toàn thông tin mạng đã ban hành), tránh hạn chế quyền con người và vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
 
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và quy định các điều khoản mang tính khả thi cao, tránh bất lợi, đặc biệt liên quan đến điều ước quốc tế, tránh những phản ứng không đáng có xảy ra. Khoản 4 Điều 27 được yêu cầu tiếp tục chỉnh lý, xin ý kiến rộng rãi thêm. 
Cần có cơ sở pháp lý để ngăn chặn, xử lý việc phát tán bí mật trong nước ra nước ngoài
 
Trả lời câu hỏi của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “đặt máy chủ, quản lý thông tin người dùng có thể ngăn phát tán bí mật ở trong nước ra nước ngoài và thông tin độc hai từ nước ngoài vào Việt Nam không”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Việc cung cấp bí mật ra nước ngoài là hành vi bị cấm, nhưng kể cả không có internet, người ta vẫn cứ đưa ra nước ngoài. Nếu đặt ra nhiệm vụ đó cho Luật này thì quá cao và không thể thực hiện được. Vấn đề là phải có pháp lý, pháp luật để ngăn chặn việc này, và xử lý được những người này. Đây là biện pháp ngăn chặn, răn đe, xử lý những người cố tình vi phạm. Nhưng nếu không có dữ liệu trong nước thì không có cơ sở nào để tìm. Bí mật nhà nước có được chuyển ra nước ngoài không, ai chuyển chúng ta cũng không biết. Những kẻ nào tuyên truyền vào trong nước cũng không biết và không có cách nào để xử lý. Căn nguyên là truy tìm ra nguồn gốc, phương thức, đối tượng làm việc này, chứ không phải luật này đưa ra thì không có bí mật lọt ra nước ngoài hay thông tin xấu độc không tràn vào.

Nguồn: Phương Thủy/CAND

Các tin khác