Tin tức sự kiện
Đầu tàu kinh tế thế giới sẽ tăng tốc nhờ 'cách mạng thuế'
09:19, 09/12/2017 (GMT+7)
Theo giới chuyên gia, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn về “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ vào năm 2018 khi đây được coi là năm bản lề đối với nền kinh tế số một thế giới, năm mà chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump, hay còn gọi là "Trumponomics," bước vào vòng thử thách đầu tiên.
Gần 11 tháng kể từ ngày tỷ phú Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, dù Nhà Trắng vẫn chưa hết xáo trộn do những thay đổi trong chính sách đối ngoại và nhân sự cấp cao, nhưng nền kinh tế Mỹ đã có những bước tiến ấn tượng.
Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng gấp đôi so với thời điểm diễn ra cuộc tranh cử tổng thống, tỷ lệ lạm phát thấp, trong khi chỉ số Dow Jones liên tục lập các kỷ lục mới, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp và giới đầu tư. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua khi chỉ còn 4,1% hồi cuối tháng 10 năm nay. Tỷ lệ này được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,5% vào cuối năm 2018.
Giới phân tích nhận định nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ ký ban hành luật cải cách thuế trước Lễ Giáng sinh tới để năm 2018 sẽ bắt đầu thời điểm "cất cánh" mới của nền kinh tế Mỹ. Sau một thời gian dài tranh luận sôi nổi về dự luật cải cách thuế của Tổng thống Trump, Thượng viện Mỹ tuần qua đã tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật này.
Chính sách giảm thuế trong tương lai được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh lợi nhuận và phục hồi kinh tế. Kích thích tăng trưởng chính là mong muốn của Tổng thống Trump để điều chỉnh hiện tượng mà kinh tế học gọi là “cơ cấu đòn bẩy."
Linh hồn của cuộc "cách mạng giảm thuế" là sẽ cho giảm hẳn thuế thu nhập doanh nghiệp ("corporate income tax") từ 35% xuống 20% và sau nữa là đơn giản hóa hệ thống thuế thu nhập cá nhân bằng cách gộp các mức thuế suất, hay giảm bớt số mức thuế, tùy theo dự luật thuế nào được chấp thuận.
Các nghiên cứu định lượng chỉ ra rằng giảm thuế xuống mức 20% sẽ tăng nhu cầu đầu tư khoảng 15% và GDP trong 10 năm khoảng 4%, tức là tăng thêm 0,4% GDP trong mỗi năm.
Ngoài ra, với việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 20%, các hãng của Mỹ và nước ngoài được dự báo sẽ gia tăng đầu tư ở Mỹ vì hấp dẫn hơn. Đồng thời, các hãng đa quốc gia sẽ bớt nhu cầu đẩy sản xuất và việc làm ra khỏi Mỹ.
Giảm thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tác động tích cực đến sản xuất và tích cực gia nhập lao động hơn trước: Giới đầu tư ngoài doanh nghiệp cũng sẽ gia tăng đầu tư vì được khấu trừ ngay và giảm thuế, còn các cá nhân sẽ hăng hái làm việc hơn vì được giữ lại thu nhập nhiều hơn. Đặc biệt là với mức thuế suất cá nhân cho thu nhập giới trung lưu giảm còn 12%-20%, và khoản miễn trừ căn bản ("standard deduction") được tăng gấp đôi lên 24.000 USD, giới trung lưu sẽ được giảm thuế đáng kể cho tới năm 2023.
Nói chung, ông Trump luôn nhấn mạnh giảm thuế sẽ là biện pháp "vĩ đại" nhất để khuyến khích đầu tư vào Mỹ và chi tiêu cá nhân Mỹ, giữ lại các hãng Mỹ lớn sản xuất sinh lời ở Mỹ thay vì đem sang Trung Quốc-ví dụ điển hình là hãng Apple chuyên sản xuất ở bên ngoài, nhất là Trung Quốc và giữ hẳn tài sản khổng lồ trên 260 tỷ USD ở ngoại quốc để tránh thuế, thay vì đem về Mỹ đầu tư lại và tạo công ăn việc làm cho lao động Mỹ.
Ngoài ra ông cũng tuyên bố sẽ thêm các biện pháp phụ và tiếp tục xét lại hay bỏ bớt các quy định nhằm tăng cường hiệu ứng sản xuất công nghệ và sớm phục hồi các thành phố công nghiệp lớn ở Mỹ.
Theo giới chuyên gia, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn về “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ vào năm 2018 khi đây được coi là năm bản lề đối với nền kinh tế số một thế giới, năm mà chính sách kinh tế của Tổng thống Trump, hay còn gọi là "Trumponomics," bước vào vòng thử thách đầu tiên.
Nguồn: Chinhphu.vn