Tin tức sự kiện

Nhiều thông điệp quan trọng từ lãnh đạo cấp cao tại CEO Summit

08:38, 11/11/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit), một trong những sự kiện quan trọng trong tuần lễ cấp cao APEC, đã đón nhiều lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế của APEC đến dự và phát biểu, đưa ra nhiều thông điệp quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
 
Phát biểu trước các CEO vào buổi chiều 10/11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng trong thương mại quốc tế. Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định, các nước cần tìm kiếm mối quan hệ thương mại dựa trên các nguyên tắc trung thành và có đi có lại.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại CEO Summit.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại CEO Summit.
Tổng thống Hoa Kỳ nêu quan điểm, vẫn có sự bất bình đẳng thương mại, gây tổn hại cho lợi ích của nhiều nước. Lãnh đạo Hoa Kỳ cho rằng cần phải tăng cường tài sản trí tuệ, sáng tạo, tuân thủ các quy tắc, chống lại việc bán phá giá, trợ cấp, bán tháo hàng hoá trợ giá, thao túng tiền tệ, hay chính sách công nghiệp bóp nghẹt đối thủ.
 
Người đứng đầu Chính phủ Hoa Kỳ chia sẻ quan điểm, sở dĩ Hoa Kỳ sẽ không đi sâu vào các hiệp định đa phương lớn vì điều này sẽ bó buộc hành động, nhưng Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với lãnh đạo các nước, để đạt được thoả thuận thương mại hai bên cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền, với hy vọng các đối tác cùng mạnh lên, cùng nhau tăng trưởng.
 
Tổng thống Donald Trump khẳng định quan điểm, Hoa Kỳ tìm những đối tác mạnh, những đồng minh mạnh, tìm quan hệ hữu nghị, cùng phát triển hướng tới sự thịnh vượng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự APEC CEO Summit tại Đà Nẵng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự APEC CEO Summit tại Đà Nẵng.
Phát biểu tại CEO Summit chiều cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh yêu cầu về phát triển bao trùm. Ông cho rằng, cần thiết lập hệ thống hợp tác khu vực bảo đảm quá trình tham vấn giữa các nước một cách ngang bằng nhau cũng như xây dựng hệ thống kinh tế châu Á-Thái Bình Dương mở cửa tự do, tạo điều kiện cho thương mại và đầu tư để mang lại lợi ích cho các quốc gia khác nhau và người dân ở nhiều tầng lớp.
 
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhắc lại sáng kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc, kêu gọi nỗ lực chung và có trọng tâm là kết nối cơ sở hạ tầng, tăng cường kết hợp chính sách kinh tế, bổ trợ lẫn nhau của các chiến lược để đạt được sự thịnh vượng chung.
 
“Để châu Á-Thái Bình Dương phát triển thịnh vượng đòi hỏi các thành viên cần có hành động thật sự. Là nền kinh tế số 2 thế giới, Trung Quốc muốn thể hiện rõ trách nhiệm của mình”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói.
 
Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thương mại tự do toàn diện, có ý nghĩa quan trọng đối với các nền kinh tế thành viên của APEC. Theo ông, thế giới đang không ngừng thay đổi, đặc biệt trong 1-2 năm qua, đáng chú ý là chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia có xu hướng quan tâm tình hình nội địa hơn tình hình quốc tế.
 
“Hoa Kỳ đã rút ra khỏi TPP và chúng tôi tôn trọng quyết định này, những thành viên khác của TPP đã đàm phán rất nhiều và tôi hy vọng chúng ta sẽ thu được kết quả thiết thực”, ông Najib Razak nói.
 
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull lại lưu ý đến kết nối cộng đồng, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Ông Malcom Turnbull cho rằng, sự phát triển của công nghệ là điều không thể thiếu giúp các DNNVV phát triển. Nhờ những nền tảng như Facebook, cơ hội phát triển của các DNNVV ngày càng được đẩy cao. Hiện nay, việc một công ty gia đình hoàn toàn có thể dễ dàng tìm đối tác, xuất khẩu mặt hàng của mình ra nước ngoài.
 
Thủ tướng Australia cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nữ quyền và tôn trọng phụ nữ. Ông cho rằng, cần phải dạy cho trẻ từ khi còn nhỏ về cách tôn trọng những người phụ nữ xung quanh trong xã hội. Ngoài ra, phát triển việc làm cho phụ nữ cũng là một vấn đề rất quan trọng, nhất là với xu thế trên thế giới hiện nay, khi phụ nữ đang dần tiến vào thị trường công việc vốn thường dành cho nam giới.
 
Trong phiên thảo luận về biến đổi khí hậu, bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh đến phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo.
 
Nữ Thủ tướng cho biết, Chính phủ New Zealand dành hơn 500 tỷ USD để hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch. Dù đây là con số đầu tư không phải nhỏ nhưng bà cho rằng bên cạnh đó cần tập trung vào những chính sách và khuyến nghị phù hợp để bảo đảm sử dụng nguồn năng lượng mới một cách bền vững.
 
Bà Jacinda Ardern khẳng định, kinh tế và môi trường không nên là những vấn đề riêng rẽ mà cần gộp chung trong quá trình phát triển. Lãnh đạo New Zealand cho rằng, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới cả các nước đang và đã phát triển nhưng các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
 
“Châu Á-Thái Bình Dương là nơi nhìn thấy rõ ràng nhất tác động của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng khiến nhiều ngôi làng biến mất. Người dân sống ở những ngôi làng này không cần chúng ta thảo luận trên các diễn đàn mà là bắt tay vào hành động. Chúng ta cần là người có trách nhiệm và làm những gì có thể”, người đứng đầu Chính phủ New Zealand nhấn mạnh.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác