Tin tức sự kiện
Lập lại trật tự hành xử trên Biển Đông
09:05, 27/11/2017 (GMT+7)
Liên tiếp từ giữa tháng 11 đến nay, nhiều hội thảo quốc tế về Biển Đông đã được tổ chức tại Indonesia, CH Czech, Hàn Quốc và Bỉ nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông.
Hầu hết các học giả, đại biểu đều khẳng định, để lập lại trật tự hành xử trên Biển Đông, các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là theo điều 121 trong Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, và đây chính là một sự khởi đầu tốt để các nước có một khuôn khổ luật pháp giúp giải quyết tranh chấp.
3 mô hình đối thoại
Tại hội thảo quốc tế về Biển Đông của Quỹ Gabriel Peri diễn ra tại Nghị viện châu Âu ở thủ đô Brussels của Bỉ hôm 21-1, các luật gia, giáo sư, nhà ngoại giao đến từ Anh, Bỉ, Đức, Italia, Mỹ, Pháp và Thụy Sĩ đã có nhiều thảo luận về tình hình địa chính trị hiện nay, các vấn đề về luật quốc tế có liên quan, ứng xử của các bên ở Biển Đông và một số gợi ý chính sách đối với Liên minh châu Âu (EU).
Nhiều diễn giả nhận định, thời gian qua đã có những thay đổi liên quan khu vực Biển Đông như các chính sách về đánh bắt cá, bảo vệ môi trường, xây dựng bồi đắp làm thay đổi hạ tầng ngoài khơi.
Về phản ứng và hành động của các bên liên quan sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) hồi tháng 7-2016, GS Erik Franckx, Trưởng khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu, Đại học VrijeUniversiteit Brussel (Bỉ) khẳng định, đây là lần đầu tiên PCA đưa ra một phán quyết làm rõ các vấn đề về ứng dụng, giải thích UNCLOS, nên dù Trung Quốc vẫn giữ lập trường chống lại phán quyết nhưng hành động có vẻ đã bớt quyết liệt hơn.
Theo quan điểm của GS Erik Franckx, các bên cần duy trì đối thoại song phương để tìm ra giải pháp cùng chấp nhận được, không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ. Ông cũng cho rằng, để lập lại trật tự hành xử trên Biển Đông, các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là theo điều 121 trong UNCLOS 1982, và đây là một sự khởi đầu tốt để các nước có một khuôn khổ luật pháp giúp giải quyết tranh chấp.
Đồng quan điểm này, Đại sứ Christian Lechervy, Thư ký thường trực về khu vực Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Pháp đã đề xuất quản lý các thách thức về ngắn và trung hạn tại Biển Đông thông qua 3 công cụ. Đó là duy trì đối thoại thường xuyên Á - Âu cùng diễn đàn EU-ASEAN và một cơ chế đối thoại hẹp hơn giữa các nước trong ASEAN với nhau hoặc với Nhật Bản hay Mỹ.
Đặc biệt, tại Nghị viện châu Âu, Đại sứ Christian Lechervy nhấn mạnh đến mô hình đối thoại giữa nghị viện với nghị viện. Theo tác giả, mô hình đối thoại giữa Nghị viện châu Âu và Hội đồng liên Nghị viện ASEAN với các kinh nghiệm quản lý của EU cần được phát huy hơn nữa. Việc ổn định và phát triển kinh tế của khu vực Biển Đông sẽ đóng góp cho tăng trưởng chung của kinh tế thế giới và thúc đẩy EU gắn bó với mục tiêu duy trì ổn định trong không gian biển chiến lược này.
Trước đó, tại hội thảo lần thứ 27 về Quản lý xung đột tiềm tàng trên Biển Đông do Bộ Ngoại giao Indonesia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức ở Indonesia, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Abdurrahman Mohammad Fachir cũng nêu rõ quan điểm của Indonesia là khu vực Biển Đông phải được quản lý thông qua hợp tác giữa các bên liên quan nhằm giảm căng thẳng.
Abdurrahman Mohammad Fachir nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên tham gia thông qua các cuộc đối thoại xây dựng và các dự án hợp tác cụ thể, đồng thời phản ánh cam kết chắc chắn các bên tiếp tục thảo luận nhằm theo đuổi mục tiêu hòa bình, hợp tác và ổn định ở khu vực Biển Đông.
Trước nguy cơ hệ sinh thái của Biển Đông bị đe dọa, các học giả, luật gia đang đề nghị kết hợp chính sách với khoa học để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên vùng biển này. Ảnh: CGTN. |
Còn tại hội thảo quốc tế về an ninh châu Á với chủ đề “Xung đột ở khu vực Nam, Đông và Đông Nam Á” vừa diễn ra tại Prague, CH Czech, TS Takashi Hosoda, giảng viên Đại học Tổng hợp Charles (CH Czech) cũng đã có tham luận về các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông. TS Takashi Hosoda nhấn mạnh giá trị phán quyết của PCA, đặc biệt là việc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông cho rằng, việc tôn trọng và thực thi phán quyết của PCA cũng như luật pháp quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực. TS Takashi Hosoda cũng khẳng định, các nước lớn cần đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông...
Khoa học giúp giảm cạnh tranh
Đề cập đến một số vấn đề mang tính khoa học liên quan đến khu vực Biển Đông, nhất là trong quản lý khu vực đáy biển. GS James Borton, Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Nam Carolina (Mỹ) đã có bài viết mang tên "Quản lý các xung đột ngoài biển tại Biển Đông: Khi chính sách gặp gỡ với khoa học", trong đó khẳng định ngày nay đã có các phương tiện tin cậy để đánh giá và đo lường sự tác động tới môi trường của các hoạt động xây dựng, bồi đắp cùng tình trạng hủy hoại các rạn san hô do việc nạo vét đang diễn ra ở Biển Đông gây ra. Việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tái tạo nguồn cá.
Nghiên cứu của GS James Borton chỉ ra rằng, số lượng các loài cá đã giảm đến 50%, trữ lượng giảm từ 70 đến 95% so với những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, trong khi các ngư trường đánh bắt bị thu hẹp rõ rệt. Do đó, GS James Borton đề xuất kết hợp chính sách với khoa học để giải quyết những vấn đề tồn tại ở Biển Đông như thành lập một "Ủy ban xanh" của Biển Đông quy tụ các nhà khoa học biển từ các nước trong vùng.
Cùng với đó, ông gợi ý khoanh vùng và xác định các khu vực biển để bảo vệ nhằm duy trì hệ sinh thái và lấy lại môi trường như trước đây. Ngoài ra, cần có sự trao đổi với Chương trình bảo vệ đại dương của Liên hợp quốc để thúc đẩy dự thảo Hiệp ước về đại dương với các quy định và quy tắc mới cho cả các khu bảo tồn biển ngoài khơi.
Đồng quan điểm này, tờ Euroasia Review cho rằng, khoa học có thể là nhân tố cốt yếu nhằm dẫn đến hợp tác, thay vì canh trạnh giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ở khu vực. Việc tiến hành ngoại giao bằng khoa học, được định nghĩa là vai trò của khoa học được sử dụng nhằm thông báo các quyết định ngoại giao, đã thúc đẩy cộng tác khoa học quốc tế, và thiết lập hợp tác khoa học nhằm giảm căng thẳng giữa các nước.
Trên thực tế, đã có những quan hệ mạnh mẽ giữa các nhà khoa học ở Đông Nam Á và Trung Quốc, một phần trong một loạt dự án khoa học quốc tế, các hội nghị và hội thảo đào tạo liên kết với Chương trình phát triển và phối hợp nghề cá trên Biển Đông của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc. (FAO).
Bài báo trên Euroasia Review viết: "Các biện pháp này là rất cần thiết trong bối cảnh hoạt động đánh bắt bừa bãi xuất hiện tràn lan và sự suy giảm của dải san hô xuất hiện trên khắp Biển Đông, một phần vì các tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn với nhau đã khiến cho hoạt động phân tích và đánh giá sinh thái trở nên khó khăn".
Về vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Fachir cũng từng nói: “Quản lý xung đột tiềm tàng trên Biển Đông muốn mang lại hiệu quả phải dựa trên sự hợp tác. Trong năm nay, các bên đã nhất trí thực hiện 8 dự án chung ngoài các dự án của mỗi quốc gia. Các dự án này chắc chắn sẽ đóng góp lớn vào những nỗ lực của chúng ta. Dĩ nhiên chúng ta đều hành động để làm cho khu vực Biển Đông trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và đồng thời đem lại lợi ích kinh tế; mang lại sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Chúng ta cũng đang tiếp tục thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC)".
Nguồn: Huyền Chi/CAND