Thế giới năm 2016 chứng kiến nhiều biến động, từ những sự kiện chính trị như “cơn địa chấn” bầu cử Mỹ cho đến căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông.
Những sự kiện diễn ra trong năm 2016 sẽ có vai trò định hình cho những biến động lớn hơn của năm 2017, khi xung đột đang phát triển đến cao trào và đều có mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau.
Nguy cơ Liên minh châu Âu (EU) tan rã, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, thế đối đầu ở châu Á, cùng nhiều xu hướng địa chính trị khác, đều đem lại những tác động nhất định. Những mảnh ghép này sẽ trở nên rõ nét hơn trong năm 2017 và tiếp tục với những diễn biến phức tạp khó đoán định.
Châu Âu chia rẽ
Cuộc khủng hoảng tị nạn đang khoét sâu thêm mâu thuẫn trong lòng EU. Hàng triệu người từ các mảnh đất chiến sự ở Trung Đông và Bắc Phi đã tràn tới châu Âu qua ngả Địa Trung Hải. Từ tháng 2, “tuyến đường Balkan” nối từ Hy Lạp đến Đức bị đóng cửa.
Một tháng sau đó, EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận ngăn chặn dòng di cư đến châu Âu. Tuy nhiên, dòng di cư vẫn đạt mức kỷ lục, và ít nhất 4.700 người đã thiệt mạng hoặc mất tích. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017 và sẽ không có cách nào ngăn cản được.
Châu Âu tiếp tục rung chuyển sau cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU của Anh (Brexit). Ngày 23-6, đa số người Anh đã bỏ phiếu rời EU, với số phiếu 52% muốn rời đi và 48% ở lại.
Sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức và người kế nhiệm, bà Theresa May, chính thức trở thành chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing vào ngày 13-7. Bà May cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU theo sự lựa chọn của người dân, hứa hẹn sẽ đoàn kết đất nước và tạo ra một viễn cảnh mạnh mẽ, mới mẻ và tích cực cho tương lai.
“Cuộc hôn nhân đứt gánh” giữa Anh và EU sau 43 năm chung sống chắc chắn sẽ khiến EU có nguy cơ tan rã thành nhiều quốc gia với các nền kinh tế độc lập, xóa sổ một thị trường chung, một nền kinh tế chung và một liên minh về mặt chính trị. Nếu có trụ lại, EU sẽ trở nên chia rẽ và suy giảm tiếng nói trên trường quốc tế.
Nguy hiểm hơn, một số quốc gia thành viên EU ngày càng có xu hướng liên kết nội khối dựa trên lợi ích riêng. Hiện chưa rõ quá trình Anh rời EU sẽ kéo dài bao lâu, nhưng bà Theresa May hứa rằng sẽ thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để hoàn thành Brexit trước ngày 31-3-2017.
Khủng bố gia tăng
Năm 2016 chứng kiến sự bùng nổ của nhiều vụ khủng bố đẫm máu. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm, hoặc cũng “truyền cảm hứng” cho các cuộc tấn công chết người.
Tối ngày 14-7, Mohamed Lahouaiej Bouhle đã lái xe tải hạng nặng lao vào đám đông xem pháo hoa ở thành phố Nice (Pháp). Đây dường như là vụ khủng bố kinh hoàng nhất của năm, với 84 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Trước đó, ngày 22-3, IS cũng đã đánh bom liên tiếp vào sân bay và nhà ga của thủ đô Brussels (Bỉ), khiến 32 người thiệt mạng và 340 người bị thương.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công như vụ đánh bom liều chết ở sân bay Ataturk ngày 28-6 khiến 45 người thiệt mạng, hay vụ đánh bom đám cưới ở Gaziantep khiến 57 người thiệt mạng ngày 20-8.
Trong khi đó, một vụ xả súng cũng đã rúng động nước Mỹ khi lấy đi sinh mạng của 49 người trong một hộp đêm ở Orlando ngày 12-6. Khủng hoảng di cư có thể thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong lòng xã hội, dẫn tới những cuộc nổi loạn vào năm 2017 nếu những kẻ khủng bố tiếp tục trà trộn vào dòng người di cư để tấn công các nước phương Tây.
Theo ước tính, cứ 50 người tị nạn lại có một phần tử IS, và con số này sẽ còn gia tăng khi IS tuyên bố sẽ gửi các chiến binh vượt biên tới châu Âu.
“Lò lửa” Trung Đông
Tình hình Trung Đông trong năm 2016 tiếp tục diễn biến phức tạp và khó dự đoán.Chiến sự ác liệt tại Syria khiến Trung Đông dần trở thành “lãnh địa chết chóc”. Cuộc nội chiến tại Syria đã khiến hơn 312.000 người chết kể từ tháng 3-2011, lên tới đỉnh điểm bằng “cơn ác mộng” Aleppo. Để chiếm lại thành phố Aleppo từ tay quân nổi dậy, quân đội Syria cùng các đồng minh đã liên tiếp tấn công vào các khu vực bị quân nổi dậy chiếm đóng ở phía đông thành phố.
Cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa được giải quyết, trong khi đó những bất đồng giữa Nga và Mỹ ngày càng gia tăng khi lệnh ngừng bắn ở Syria, do hai nước làm trung gian, bị phá vỡ. Moscow đã cáo buộc Washington phá hoại thỏa thuận ngừng bắn Syria, và cho phép các nhóm khủng bố tập hợp lực lượng. Bên cạnh việc tố cáo “tội ác chiến tranh” và chỉ trích Nga vì ngăn chặn các nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để có được một thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ chứng minh rằng các cuộc tấn công ở Syria là “không thể kết thúc”.
Trung Đông tiếp tục “nóng” sau cuộc đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong hai đêm 15 và 16-7, khiến Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải mở một chiến dịch thanh trừng quy mô lớn. Sự kiện này khiến Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất vai trò trong cuộc chiến chống IS ở khu vực.
Tình trạng bất ổn nội bộ và sự dịch chuyển trọng tâm chính sách vào xử lý các vấn đề trong nước của Ankara sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước với khu vực. Chưa hết, hậu đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Trung Á và Trung Đông phần nào nhận ra bản chất hai mặt của phương Tây và thắt chặt quan hệ với Nga.
Chủ nghĩa dân túy
Ngày 8-11, tỉ phú 70 tuổi Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa chưa từng có kinh nghiệm chính trị, vượt qua đối thủ nặng ký Hillary Clinton của đảng Dân chủ để trở thành Tổng thống đắc cử của Mỹ. Ông Trump đã cam kết “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và phục hồi việc làm cho tầng lớp lao động và trung lưu Mỹ.
Những cử tri ủng hộ ông Trump với tư cách “hiệp sĩ da trắng”, giúp bảo vệ nền sản xuất trong nước trước làn sóng ngoại thương, và đặt lợi ích quốc gia lên trên những thỏa thuận quốc tế.
Đây được coi là đỉnh điểm của làn sóng dân túy vì Donald Trump từ người ngoại đạo của thế giới chính trị lên đỉnh quyền lực. Mặc dù “cơn địa chấn” Donald Trump đã tạo nên nhiều làn sóng biểu tình phản đối nhưng cũng có những ý kiến cho rằng ông sẽ đem lại sự thay đổi cần thiết cho nước Mỹ và “xoay chuyển” bàn cờ chính trị thế giới. Ông Trump hoan nghênh Brexit và thậm chí kêu gọi Mỹ ngừng quá trình toàn cầu hóa, chỉ trích nhập cư và những nhà lãnh đạo “quyền uy”.
Sự trỗi dậy của những cá nhân giống như Donald Trump rất có thể sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới. Điển hình là Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống Philippines hồi tháng 5 nhờ những chính sách dân túy, sẵn sàng hi sinh nhân quyền vì luật pháp và trật tự, với tuyên bố “thẳng tay quét sạch tội phạm ma túy”. Cho đến nay, hơn 5.900 người bị cảnh sát bắt giữ trong chiến dịch chống ma túy được khởi xướng bởi ông Duterte.
Hiện nay, chủ nghĩa dân túy đang tấn công vào châu Âu khi các đảng từng “đứng bên rìa” dần mạnh lên và được người dân chấp nhận. Chủ nghĩa dân túy đe dọa thể chế dân chủ phương Tây trong bối cảnh bất bình đẳng xã hội gia tăng – nhân tố đóng vai trò quyết định đối với sự lựa chọn của cử tri, ảnh hưởng nhất định đến các cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2017.
Nếu chính phủ các nước phương Tây không nỗ lực hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội, và các nhà chính trị không cải thiện thông điệp gửi đến mọi công dân, thì chủ nghĩa dân túy sẽ còn gây ra nhiều cơn địa chấn mới.
Đối đầu ở châu Á
Năm 2016 chứng kiến một châu Á không yên bình. Triều Tiên đã làm dậy sóng khu vực khi tiến hành các vụ thử hạt nhân có sức công phá lớn và khẳng định thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân đủ để gắn vào tên lửa đạn đạo.
Theo cảnh báo, Triều Tiên đã đủ năng lực chế tạo 7 quả bom hạt nhân mỗi năm và có thể phát triển tên lửa bắn tới lục địa Mỹ trong vòng 10 năm. Động thái này đẩy mạnh tình hình căng thẳng leo thang một cách đáng báo động và dấy lên nguy cơ xung đột vũ trang, đặc biệt là vũ khí hạt nhân.
Tình hình biển Đông có chuyển biến quan trọng khi Tòa án trọng tài quốc tế ngày 12-7 đã ra phán quyết lịch sử gần 500 trang, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đồng thời, hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông đã gây thiệt hại nặng nề cho môi trường biển.
Tuy nhiên, Trung Quốc trơ tráo bác bỏ hoàn toàn phán quyết, khẳng định cái gọi là “chủ quyền” với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang ngược cho rằng các việc làm của Bắc Kinh hợp pháp và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Sự bành trướng của Trung Quốc khiến Mỹ và các đồng minh ở châu Á “không thể ngồi yên”. Thế đối đầu được duy trì khi Trung Quốc tiếp tục củng cố các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển Đông, trong khi Mỹ tiếp tục các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa, đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia ven biển trong khu vực.
Trong khi đó, Nhật Bản và Australia cũng dần gia tăng can thiệp quân sự thông qua tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự song phương hoặc ba bên (với Mỹ). Hai quốc gia cũng củng cố các quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á thông qua các hợp tác nâng cao năng lực và trang bị quốc phòng, đồng thời âm thầm thúc đẩy xây dựng các liên minh “lỏng” nhờ đối thoại chiến lược…
.