Một nghiên cứu được công bố ngày 25/8 cho biết dân số châu Á-Thái Bình Dương đang “già” đi nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, đồng thời cảnh báo việc gia tăng số người cao tuổi sẽ khiến khu vực này phải chi tới 20.000 tỷ USD vào chăm sóc y tế cho người già từ nay tới năm 2030.
Ảnh minh họa |
Theo nghiên cứu của Trung tâm đánh giá rủi ro châu Á-Thái Bình Dương (APRC) có trụ sở tại Singapore, đến năm 2030 sẽ có 511 triệu người cao tuổi trong khu vực. Nhật Bản sẽ trở thành nước có dân số “siêu già”, với số người cao tuổi chiếm 28% tổng dân số, trong khi 1/5 dân số Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc sẽ ở độ tuổi 65.
Giám đốc điều hành APRC Wolfram Hedrich giải thích tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh ở châu Á-Thái Bình Dương trong những thập kỷ qua khiến dân số bùng nổ tại nhiều nước trong khu vực, tạo ra nguồn nhân công dồi dào, dẫn đến năng suất lao động và thu nhập tăng. Tuy nhiên, xu hướng này đang đảo ngược thành việc những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số đang già đi, phải sống dựa vào lớp người trẻ do ở nhà hoặc phải trả chi phí cho chăm sóc sức khỏe.
Nghiên cứu này dự báo hệ thống y tế, các doanh nghiệp và gia đình toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đối mặt với áp lực lớn khi khoảng 200 triệu người bước qua tuổi 65 đến năm 2030. APRC ước tính chi phí để chăm sóc người cao tuổi dự kiến lên tới 2,5 tỷ USD/năm, gấp 5 lần chi phí năm 2015. APRC cũng cảnh báo các chính phủ sẽ cần đầu tư mạnh vào việc chăm sóc những người già, đồng thời đánh giá mức độ hiện nay “không bền vững” khi tại nhiều nước, chi phí y tế đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo nghiên cứu trên, tỉ lệ dân số già của châu Á là “một thách thức chưa từng thấy”, bao trùm cả 14 thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Qua nghiên cứu này, APRC muốn kêu gọi các chính phủ, cá nhân, công ty bảo hiểm, tổ chức và chuyên gia y tế trong khu vực cần hành động ngay.