Tin tức sự kiện
Mở rộng phạm vi tìm kiếm phi công Trần Quang Khải
(Congannghean.vn)-Sáng 16/6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam tiếp tục chủ trì cuộc họp với các lực lượng tìm kiếm. Tinh thần chung là tiếp tục huy động tổng lực, mở rộng diện tích tìm kiếm từ biển Thái Bình vào đến Đà Nẵng với mục tiêu nhanh chóng tìm thấy Thượng tá phi công Trần Quang Khải.
Bước sang ngày thứ 3 kể từ khi chiếc máy bay Su30 gặp nạn, hiện có hơn 100 tàu cùng khoảng 1.000 người đang dồn lực tìm kiếm Thượng tá phi công Trần Quang Khải và SU30 từ vùng biển Thái Bình vào đến Đà Nẵng.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn chỉ đạo tìm kiếm. |
Trao đổi với báo chí, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang mở rộng phạm vi và dồn toàn lực để tìm kiếm phi công Trần Quang Khải trên chiếc Su 30 gặp nạn.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết ngày 15/6, sau 20 giờ ở trên phao cứu sinh của máy bay, phi công Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân Phạm Văn Lệ (Hà Tĩnh) cứu hộ và đã đưa vào bờ an toàn. Hiện sứ khỏe của Thiếu tá Cường ổn định.
Thông qua thông tin của Thiếu tá Cường, đã biết được có sự cố và nguyên nhân sẽ được xác định sau. Hiện nay, các lực lượng tập trung vào tìm kiếm đồng chí Khải.
Mặc dù trời đã tối và công việc tìm kiếm rất khó khăn nhưng lực lượng của Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng khác, nhất là của địa phương, đặc biệt là của tỉnh Nghệ An thành lập Ban chỉ đạo chỉ đạo các bên liên quan tiếp tục tìm kiếm phi công Trần Quang Khải.
Hiện công tác tìm kiếm đã được mở rộng (từ Thái Bình trở vào). Ban chỉ đạo cuộc tìm kiếm rất mong các tỉnh thông báo cho ngư dân trên biển tăng cường quan sát. Nếu phát hiện phi công Trần Quang Khải thì hỗ trợ việc cứu hộ, cứu nạn.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn khẳng định công việc tìm kiếm sẽ vẫn được tiếp tục tiến hành không ngừng nghỉ.
*Chiều 15/6 sau khi đưa Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường cập bờ an toàn vào lúc 13 giờ 30 chiều 15/6, các lực lượng của Trung ương và Bộ Quốc phòng, tỉnh Nghệ An tiếp tục dồn toàn lực tìm kiếm phi công Trần Quang Khải.
Tỉnh Nghệ An đã huy động 56 tàu bao gồm 6 tàu của Bộ CHQS tỉnh, biên phòng và 50 tàu cá của ngư dân cho nỗ lực tìm kiếm.
Các tàu cá được chia làm 3 khu vực, dàn hàng ngang tìm kiếm trên diện tích biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Chỉ huy trực tiếp tại hiện trường, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng dồn toàn lực để tìm kiếm Thượng tá Trần Quang Khải.
Hiện nay, phạm vi tìm kiếm đang được mở rộng. Lực lượng chức năng cũng huy động phương tiện gồm máy bay, tàu hải quân, tàu cứu nạn và nhiều tàu cá của ngư dân tích cực tìm kiếm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng đang có mặt tại sở chỉ huy ở thị xã Cửa Lò cùng chỉ đạo tìm kiếm.
Ngoài lực lượng của Trung ương và Bộ Quốc phòng, tỉnh Nghệ An đang huy động 56 tàu bao gồm 6 tàu của Bộ CHQS tỉnh, biên phòng và 50 tàu cá của ngư dân cho nỗ lực chung.
Các tàu cá được chia làm 3 khu vực, dàn hàng ngang tìm kiếm trên diện tích biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Theo thông tin trước đó, khi chiếc SU30 gặp sự cố, cả phi công Nguyễn Hữu Cường và Trần Quang Khải đều đã bung dù. Thiếu tá Cường rơi xuống nước, cách Thượng tá Khải khoảng 6km. Khi rơi xuống biển, Thiếu tá Cường vẫn nhìn thấy Thượng tá Khải.
Đưa Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường vào bờ an toàn
Vào lúc 13h30' ngày 15/6, Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường đã được đưa vào bờ an toàn tại cầu cảng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Nghệ An.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (người đứng giữa) được đưa vào bờ an toàn |
Đúng 13h30 phút, tàu cập cảng, thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được đồng đội dìu lên bờ và đưa lên xe ô tô công vụ đợi sẵn ở cảng. Ngay khi Thiếu tá Cường lên xe, chiếc xe lập tức chạy về sở chỉ huy tìm kiếm tại thị xã Cửa Lò.
Trước đó, vào lúc 5h sáng 15/6, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 1 phi công của chiếc Su-30 số hiệu 8585 gặp sự cố trên biển Nghệ An. Phi công được tìm thấy là Phó phi đội trưởng Phi đội bay Su-30, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi).
Khi chiếc máy bay gặp nạn, Thiếu tá Cường đã bung dù và rơi trên biển, được tàu cá của ngư dân Phạm Văn Lệ (quê tỉnh Hà Tĩnh) tìm thấy và đưa phi công lên tàu.
Đến 10h25', tàu biên phòng Nghệ An đã tiếp cận được tàu cá cứu sống phi công Nguyễn Hữu Cường. Thiếu tá Cường đã được chuyển tiếp sang tàu biên phòng. Sức khỏe phi công Nguyễn Hữu Cường khá ổn định.
Sau khi gặp sự cố, cả hai phi công đều bung dù
Trong một diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN đã liên lạc được với chủ tàu cá HT-20219 TS là ông Phạm Văn Lệ. Từ trên tàu cá của ông Lệ, phi công Nguyễn Hữu Cường cho biết: “Sức khỏe của tôi đã ổn định, chỉ bị xây xước nhẹ ở vùng tay, cổ do lúc nhảy dù xuống biển dây dù vướng trúng, tôi chỉ hơi đau ở vùng lưng".
Phi công Trần Quang Khải |
Anh Cường cũng cho biết, sáng 14/6, anh cùng phi công Khải thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện từ sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, khi đến khu vực đảo Mắt, Nghệ An đã gặp sự cố. Ngay khi sự cố xảy ra, anh Cường và anh Khải đã bung dù để thoát khỏi máy bay.
“Lúc đó, tôi nhìn thấy anh Khải nhảy ra trước, kế tiếp tôi cũng nhảy ra. Sau đó, tôi không biết anh Khải ở đâu nữa”, anh Cường thông tin thêm.
Sau khi tìm thấy và cứu sống Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang dồn toàn lực để tìm kiếm phi công Trần Quang Khải (43 tuổi).
Dồn toàn lực để tìm kiếm phi công Trần Quang Khải
Sáng 15/6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã có mặt tại Nghệ An, trực tiếp chỉ huy việc cứu hộ, cứu nạn chiếc Su-30 mất tích.
Sau khi Thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường được ngư dân tìm thấy và cứu sống, lực lượng cứu hộ, cứu nạn dồn toàn lực để tìm kiếm phi công còn lại, Thượng tá Trần Quang Khải.
Về phía tỉnh Nghệ An, đoàn công tác do đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đang có mặt tại thị xã Cửa Lò, phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn.
Lực lượng tìm kiếm đã mở rộng diện tích từ vùng biển Thanh Hóa đến Quảng Bình, thông báo với tất cả tàu thuyền của ngư dân trên biển cùng vào cuộc để tìm kiếm phi công Trần Quang Khải.
Đưa thiết bị chuyên dụng tìm kiếm hộp đen
Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, ngay sáng xảy ra sự cố (14/6) đối với chiếc máy bay Su-30 số hiệu 8585, đơn vị đã cử một đoàn công tác gồm các cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không cùng với thiết bị dò tìm hộp đen thế hệ mới vào vùng biển Nghệ An tham gia tìm kiếm hộp đen của chiếc máy bay đang mất tích.
Thiết bị dò tìm “hộp đen” của VATM là dòng thiết bị thế hệ mới do Công ty RJE Internetional của Mỹ cung cấp, gồm có 3 bộ máy thu định hướng trên mặt nước và 1 bộ máy thu định hướng dành riêng cho thợ lặn. Thiết bị làm việc dựa trên những tín hiệu âm tần thu được từ hộp đen tàu bay phát ra, với khoảng cách tối đa là 750 m đối với máy thu định hướng trên mặt nước và 1 km đối với máy thu định hướng dành cho thợ lặn.
“Khi thu được tín hiệu này, trên màn hình thiết bị tìm kiếm sẽ nhấp nháy và các mũi tên sẽ hiển thị phạm vi và hướng tới hộp đen giúp cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn xác định được vị trí của hộp đen, để nhanh chóng xác định vị trí của máy bay tai nạn”, ông Phạm Việt Dũng, Tổng Giám đốc VATM cho biết.
* Theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng, vào lúc 6h50' ngày 14/6, máy bay Su 30Mk2 mang số hiệu 8585 của Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân làm nhiệm vụ bay huấn luyện đã bị mất liên lạc.
Phi công bay huấn luyện trên máy bay gồm: Thượng tá Trần Quang Khải (quê xã Tân Rĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn 371; Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (quê xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), Phi đội trưởng.
Nguyên nhân sự cố của máy bay Su 30Mk2 mang số hiệu 8585 đang được các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn
Liên quan đến vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1031/CĐ-TTg về việc máy bay Su 30-MK2 của Quân chủng Phòng không-Không quân bị nạn trên vùng biển tỉnh Nghệ An ngày 14/6/2016.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Bộ Quốc phòng tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn phi công và máy bay trong vụ việc nêu trên. Tổ chức giải quyết tốt hậu quả; điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc và tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không, để kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay, không để xảy ra vụ việc tương tự.
Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả vụ tai nạn xảy ra.
Nguồn: Chinhphu.vn