Tin tức sự kiện

Việt Nam đi đầu trong thúc đẩy sáng kiến hợp tác ASEM

10:09, 22/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Không chỉ là thành viên sáng lập, Việt Nam còn luôn là thành viên năng động, có trách nhiệm, tích cực khởi xướng và đi đầu thúc đẩy, triển khai nhiều sáng kiến thiết thực trong hợp tác ASEM.

Đó là đánh giá chung của các đại biểu tham dự Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện trong thế kỷ 21” do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 20/4 tại Hà Nội.

Các đại biểu dự Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện trong thế kỷ 21”
Các đại biểu dự Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện trong thế kỷ 21”

Đây là hội nghị tầm chính sách đầu tiên về Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) do Việt Nam tổ chức kể từ sau khi đăng cai Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEM lần thứ 5 năm 2004, đồng thời cũng là hội nghị quốc tế đầu tiên của diễn đàn đa phương sau Đại hội Đảng lần thứ XII, thể hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối ngoại đa phương.

Hội nghị là dịp nhìn lại chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của ASEM, qua đó, góp phần xây dựng định hướng hợp tác ASEM trong thập niên tới để đề xuất tại HNCC ASEM lần thứ 11 - HNCC kỷ niệm 20 năm thành lập ASEM tại Mông Cổ từ 15-16/7/2016.

Tại đây, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, thống nhất nhận thức và tăng cường phối hợp liên ngành đẩy mạnh triển khai đối ngoại đa phương nói chung và hợp tác ASEM nói riêng trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện.

Tham dự Hội nghị có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về HNCC ASEM lần thứ 5 năm 2004 Vũ Khoan; ông Avirmed Battur, Cố vấn về An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Tổng thống Mông Cổ, nước chủ nhà HNCC ASEM lần thứ 11; lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ của các thành viên ASEM và đại diện của các tổ chức quốc tế tại Hà Nội; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam.

Các ý kiến tại Hội nghị đều khẳng định những thành tựu có ý nghĩa trong hợp tác ASEM cũng như vai trò cầu nối Á-Âu của Diễn đàn ASEM 20 năm qua; chia sẻ đánh giá môi trường an ninh, phát triển đang chuyển biến nhanh, phức tạp hơn và các thách thức toàn cầu gay gắt hơn, nền tảng kinh tế thế giới tiếp tục thay đổi mạnh mẽ trên tầm toàn cầu và ở hai châu lục, tạo nhiều cơ hội cũng như thách thức mới đối với ASEM và các thành viên.

Đứng trước nhu cầu đổi mới, nâng tầm hợp tác và để duy trì vị thế, ASEM cần hợp tác sâu rộng hơn, gắn với ứng phó các thách thức toàn cầu và phát triển bền vững. Các đại biểu đã nêu nhiều đề xuất, khuyến nghị cụ thể để làm sống động hơn hợp tác kinh tế vì phát triển bền vững, nâng cao tính thiết thực của đối thoại chính trị, nâng tầm đóng góp trong xử lý các thách thức toàn cầu, tăng cường kết nối Á-Âu, đổi mới giao lưu nhân dân và nâng cao hình ảnh Diễn đàn.

Hội nghị đánh giá cao việc 20 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm, tích cực khởi xướng và đi đầu thúc đẩy, triển khai nhiều sáng kiến thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn…

Đại diện các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, địa phương và doanh nghiệp trong nước cũng chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm trong tham gia hợp tác ASEM, đồng thời nêu rõ quyết tâm khắc phục kịp thời những bất cập trong tư duy, trong cách thức phối hợp liên ngành, chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến mới… để nâng tầm đóng góp của Việt Nam cho Diễn đàn trong thập niên tới.

Thành lập tháng 3/1996, Diễn đàn ASEM đã qua 5 lần mở rộng và hiện nay hội tụ 53 thành viên ở hai châu lục Á-Âu, trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và 12 nước G20.

ASEM hiện đại diện cho khoảng 62% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 68% thương mại toàn cầu.

Với tư cách thành viên sáng lập Diễn đàn, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực, nổi bật là đăng cai thành công HNCC ASEM lần thứ 5 năm 2004, tổ chức 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ-thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động, đề xuất 21 sáng kiến và đồng bảo trợ 24 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực hợp tác.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác