Tin tức sự kiện

QH thống nhất 10 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phát triển KT-XH

16:35, 12/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Sáng nay, 12/4, với đa số đại biểu Quốc hội ấn nút tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 để Chính phủ và các cơ quan Nhà nước tập trung thực hiện trong 5 năm tới.

Với đa số đại biểu Quốc hội ấn nút tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Với đa số đại biểu Quốc hội ấn nút tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đồng thời, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế là tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm là 6,5-7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200-3.500 USD.

Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP. Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP.

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%.

Trong khi đó, các chỉ tiêu về xã hội là tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2020 khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2020 dưới 4%.

Đến năm 2020 có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt trên 80% dân số. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm.

Các chỉ tiêu về môi trương là tỷ lệ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh năm 2020 là 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn. Tỉ lệ chất thải nguy hại được xử lý năm 2020 là 85%. Tỉ lệ chất thải y tế được xử lý năm 2020 là 95-100%. Tỉ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%.

Theo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước đó đã có đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chỉ tiêu tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN 5 năm là 2.106 nghìn tỷ đồng, trong đó phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-020 là 200.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa chỉ tiêu này vào Nghị quyết trên vì chỉ tiêu về tổng chi đầu tư phát triển thuộc phạm vi của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ huy động ngân sách Nhà nước thuộc phạm vi kế hoạch tài chính trung hạn 2016-2020.

Theo chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính trung hạn sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016).

10 nhiệm vụ, giải pháp chính

Để thực hiện các mục tiêu trên, các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để các cơ quan Nhà nước thực hiện bao gồm: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020, điều hành lãi suất linh hoạt theo diễn biến lạm phát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phí và lệ phí và các luật thuế. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, giảm dần vay bảo lãnh Chính phủ, vay để cho vay lại; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư đạt chỉ số nhóm 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước có hiệu quả, thực chất, đúng mục tiêu, có thời hạn cụ thể. Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân; hoàn thiện pháp luật, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên. Đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp gắn với chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Trong đó là triển khai xây dựng hệ thống các tuyến đường bộ, đường cao tốc, đường sắt Bắc-Nam và nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, đường thủy nội địa và ven biển. Rà soát, bố trí hợp lý các trạm thu phí giao thông đường bộ để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Bảo đảm khởi công và hoàn thành giai đoạn I dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đúng thời gian theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội...

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ. Phát triển hợp lý và từng bước bảo đảm bình đẳng giữa giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập.

Nghiên cứu, ban hành các cơ chế mang tính chất đột phá nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất lao động và gia tăng giá trị của sản phẩm.

Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học. Xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ...

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ưu tiên nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng những nơi xung yếu phòng, tránh thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, phổ cập đến toàn dân về các phương án ứng phó và thích nghi từng cấp độ của quá trình tác động biến đổi khí hậu.

Kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại khu vực nông thôn, các làng nghề, cụm công nghiệp địa phương và các lưu vực sông.

Trước mắt trong năm 2016 đầu tư một số dự án để phát huy hiệu quả chống khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng ở các tỉnh Nam Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và ĐBSCL. Kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong...

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác