Tin tức sự kiện

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (23/1/1916 - 23/1/2016)

Thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Quốc Hoàn

10:02, 13/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đồng chí Trần Quốc Hoàn tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/1/1916 tại xóm Đình, làng Dương Liễu, tổng Nam Kim, nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, đồng chí đã sớm thoát ly gia đình, quê hương; tham gia hoạt động tại nhiều tổ chức, phong trào yêu nước. Đồng chí từng có thời gian làm phu mỏ chì và hoạt động trong lòng Việt kiều yêu nước tại Boneng, Thà Khẹt ở Lào. Đến năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Trọng Cảnh (sau này lấy tên là Trần Quốc Hoàn) đã tham gia tổ chức học sinh phản đế.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn

Tháng 3/1934, đồng chí Trần Quốc Hoàn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến năm 1936, trong lúc bị thực dân Pháp quản thúc ở Hà Tĩnh, đồng chí trốn ra Hà Nội, tham gia hoạt động trong mặt trận dân chủ, công tác ở Ban quản trị báo Bạn dân, Thời thế, Hà Thành Thời báo.

Từ năm 1937 - 1939, theo chỉ đạo của Đảng, đồng chí rút vào hoạt động bí mật, tiếp tục chỉ đạo công tác in ấn và phát hành tờ báo “Giải phóng” do các đồng chí Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp và Đào Duy Kỳ sáng lập trước đó. Công tác ở cơ quan báo chí một thời gian, đồng chí được điều động phụ trách Trạm Giao thông của Xứ ủy Bắc Kỳ, kiêm Trưởng ban chỉ đạo phong trào cách mạng của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Đến năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 6 năm tù giam và 20 năm quản thúc, đày đi nhà tù Sơn La.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 12/1946, đồng chí Trần Quốc Hoàn được cử làm phái viên Trung ương ở Hà Nội, năm 1947 làm Bí thư Liên khu ủy II, tháng 3/1948 làm Bí thư Liên khu ủy X, năm 1949 làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội. Năm 1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 19/8/1952, đồng chí được Trung ương Đảng phân công phụ trách ngành Công an. Ngày 6/9/1952, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nha Công an Việt Nam. Tháng 2/1953 giữ chức Thứ trưởng Thứ Bộ Công an. Cũng trong năm 1953, khi Thứ Bộ Công an được đổi tên thành Bộ Công an, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Công an trong suốt 28 năm (1953 - 1981) và kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương từ năm 1953 - 1962.

Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; đến năm 1972 là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Năm 1976, tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu lại vào Bộ Chính trị; đồng thời là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.

Từ năm 1961 - 1984, đồng chí tham gia Quân ủy Trung ương; cuối năm 1980 được Trung ương cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1982, tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử làm Trưởng ban Dân vận Trung ương cho đến khi qua đời vào ngày 3/9/1986 tại Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi.

Ngoài giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an trong suốt gần 30 năm, đồng chí Trần Quốc Hoàn còn là nhà kiến tạo lý luận CAND, vừa trực tiếp nghiên cứu lý luận, vừa chỉ đạo tổ chức tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện và phát triển hệ thống lý luận CAND. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII và được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương; trong đó có Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.

Ngọc Thái (tổng hợp)

Các tin khác