(Congannghean.vn)-Tối 10/3 (tức ngày 20 tháng giêng năm Ất Mùi 2015), tại phường Quỳnh Phương đã diễn ra lễ hội đền Cờn và khai trương mùa du lịch thị xã Hoàng Mai năm 2015. Đến dự có đại diện các Sở, ban ngành cấp tỉnh cùng hàng ngàn lượt người dân khắp nơi về với lễ hội.
Đền Cờn tọa lạc trên gò Diệc, nằm sát bờ sông Mai Giang ngay sát cửa biển Lạch Cờn thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Đây là ngôi đền thiêng được xây dựng vào đầu thế kỷ 13, thờ tứ vị thánh nương. Theo sử cũ chép lại, dưới triều Nam Tống, do bị thất thủ quân Nguyên Mông, nhà vua cùng Thái Hậu, hoàng hậu và 2 công chúa cùng tướng lĩnh đã lên thuyền xuôi về phía Nam chạy trốn.
Đánh trống khai hội |
Trên đường đi lánh nạn, gặp sóng to, gió lớn, thuyền bị đắm chỉ còn lại 4 mẹ con Thái hậu bám trụ vào cột buồm, trôi dạt vào núi Quy Lĩnh, huyện Quỳnh Lưu (nay là phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai) được sơ cứu và chăm sóc. Song nghĩ đến cảnh nước mất, nhà tan, chạy giặc để lại giang sơn, nay vua tôi đã chết nên cả 4 mẹ con đã gieo mình xuống biển. Tứ vị thánh nương sau khi chết nhập vào cây gỗ thần lập lờ trôi vào lạch Cờn.
Vào năm 1312, do có công âm phù vua Trần Anh Tông đánh thắng đánh thắng quân xâm lược nên được vua phong nơi đây là “Quốc gia – Nam Hải Đại Càn Thánh Nương”. Từ đó đến nay, trải qua bao thế kỷ, đền Cờn được trùng tu, xây dựng khá quy củ và giữ nguyên vẻ cổ kính, nguyên sơ. Đây cũng là nơi tưởng niệm tâm linh của đông đảo bà con ngư dân thắp hương cầu khấn mỗi dịp ra khơi cho sóng yên, biển lặng, được mùa cá tôm.
Văn nghệ chào mừng |
Những năm kháng chiến chống Mỹ, đền Cờn liên tục bị bom đạn đánh phá khiến một số hạng mục bị hư hỏng nặng. Sau chiến tranh, hòa bình lập lại, đền Cờn dần được trùng tu, khôi phục lại các đồ tế lễ, điện thờ… Đến năm 1993, đền Cờn được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Đền Cờn còn được xem là nơi có vị trí quan trọng trong thế giới tâm linh không chỉ người dân xứ Nghệ mà còn cả du khách thập phương.
Lễ hội đền Cờn và khai trương du lịch Hoàng Mai năm 2015 được tổ chức trong 2 ngày 20, 21 tháng Giêng âm lịch, gồm 2 phần chính. Phần lễ gồm: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội – lễ mới, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ; Phần hội gồm: triển lãm ảnh, hội thi tiếng chim hót chào xuân, chương trình văn nghệ đậm đà bản sắc xứ Nghệ, thi đấu các môn thế thao (đua thuyền, đẩy gậy, bóng chuyền và các trò chơi dân gian truyền thống…
Thi đấu bóng chuyền một trong những hoạt động của lê hội |
.