Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201502/mo-xe-cac-con-dia-chan-dau-lua-585525/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201502/mo-xe-cac-con-dia-chan-dau-lua-585525/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mổ xẻ các cơn địa chấn dầu lửa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 06/02/2015, 10:49 [GMT+7]

Mổ xẻ các cơn địa chấn dầu lửa

Trái với xu hướng dầu tăng giá trong cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970-1980 trước đây, giá dầu đang đối mặt với một thực tế hoàn toàn khác.
 
Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2014, giá dầu WTI giao tháng 2/2015 đóng cửa ở mức 52,69 USD/thùng, giảm khoảng 45,87% so với cuối năm 2013; giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức 55,4 USD/thùng, giảm tới 48,26% so với cuối năm 2013. Chưa dừng lại ở đó, giá dầu tiếp tục lao dốc và chưa có dấu hiệu dừng lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/01/2015, giá dầu WTI giao tháng 3/2015 trên sàn giao dịch Nymex New York đóng cửa ở mức 44,45 USD/thùng, giá dầu Brent trên thị trường London đóng cửa ở mức 48,47 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 11/3/2009. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong phiên giao dịch ngày 31/01/2015, giá dầu thế giới tăng nhẹ (giá dầu WTI đóng cửa ở mức 48,24 USD/thùng, dầu thô Brent đóng cửa ở mức 52,99 USD/thùng) nhưng vẫn ở mức thấp và chưa thể phục hồi vững chắc. Xu hướng giảm giá dầu khiến thị trường và các nhà đầu tư liên tưởng lại những cuộc khủng hoảng dầu lửa đã xảy ra trong quá khứ nhằm xác định nguyên nhân và giải pháp có thể.
 
Cuộc khủng hoảng dầu lửa đầu tiên xảy ra vào tháng 10/1973, khi các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa Arab (OAPEC) tuyên bố phong tỏa dầu lửa nhằm trả đũa cho sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh giữa một bên gồm Ai Cập và Syria, với một bên là Israel nhằm giành lại phần lãnh thổ bị Israel chiếm đóng từ tháng 6/1967 dưới sự hỗ trợ quân sự của Mỹ. 
 
Để trả đũa, OAPEC đã tuyên bố phong tỏa dầu lửa đối với Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Vương quốc Anh và Mỹ. Cụ thể, ngày 16/10/1973, OPEC đã tăng giá dầu thêm 70% lên 5,11 USD/thùng. Một ngày sau đó, các bộ trưởng OPEC nhất trí giảm 5% sản lượng dầu khai thác. 
 
Ngày 19/10, Tổng thống Nixon yêu cầu Quốc hội hỗ trợ khẩn cấp 2,2 tỉ USD cho Israel, quyết định này khiến các nước OPEC giận dữ và bắt đầu tiến hành phong tỏa, cắt giảm xuất khẩu dầu vào thị trường Mỹ. Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ bắt đầu xu hướng giảm từ năm 1970, làm trầm trọng thêm hậu quả của biện pháp phong tỏa. Cuối thời kỳ phong tỏa này (tháng 3/1974), giá dầu thế gới tăng từ 3 USD/thùng lên gần 12 USD/thùng.
 
Bên cạnh các biện pháp trả đũa của OPEC, giá dầu tăng còn bắt nguồn từ sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng, bắt đầu từ ngày 15/8/1971. Sau khi chế độ bản vị vàng sụp đổ, USD và đồng tiền của các nước công nghiệp phát triển bắt đầu chao đảo theo xu hướng giảm. Do giá dầu tính theo USD, nên USD mất giá đã đẩy dầu tăng giá. Tháng 9/1971, OPEC đưa ra thông cáo chung với lập luận là sẽ neo giá dầu với diễn biến giá vàng. 
 
Sau cú sốc dầu lửa vào năm 1973-1974, giá dầu lửa lại bùng phát vào năm 1979, mà nguyên nhân là do suy thoái và lạm phát tại Mỹ và các nước công nghiệp phát triển, USD tiếp tục lao dốc. Đợt tăng giá dầu lần này chấm dứt vào năm 1986, sau nỗ lực của Mỹ và Liên Xô trong việc tăng sản lượng dầu khai thác, nhất là tại Alaska, biển Bắc, Vịnh Ba Tư và Siberia. Cuối những năm 1980, Liên Xô đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nhiều nguồn năng lượng khác cũng được khai thác, góp phần hỗ trợ nguồn cung và giá dầu thế giới hạ nhiệt dần.
 
Trái với xu hướng dầu tăng giá trong cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970-1980 trước đây, giá dầu đang đối mặt với một thực tế hoàn toàn khác. Giá dầu lao dốc trong thời kỳ 1997-1998 khủng hoảng tài chính châu Á là do suy thoái tại hầu hết các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực. 
 
Tương tự, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 chủ yếu là do suy thoái kinh tế trầm trọng và kéo dài đã làm giảm nhu cầu về dầu lửa trên phạm vi toàn cầu, hầu hết các nền kinh tế chủ chốt đều bị suy thoái và tăng trưởng GDP chậm dần. Trong khi đó, sản lượng dầu tại Mỹ, Canada tăng mạnh và lượng dầu khai thác tại Iraq, Libya, Iran tăng trở lại sau thời kỳ gián đoạn khá dài. Vì thế, nguyên nhân cơ bản khiến dầu giảm giá lần này là do dư cung toàn cầu và do OPEC không giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. 
 
Mục đích của việc OPEC không giảm sản lượng được cho là nhằm giữ thị phần trước sự bùng nổ của dầu đá phiến Mỹ và các thành viên OPEC lo ngại về một điều tương tự xảy ra trong những năm 1980, khi Saudi Arabia cắt giảm sản lượng khai thác và các nước ngoài OPEC gia tăng khai thác, nhưng giá dầu vẫn không tăng. Các nhà hoạch định chính sách tại quốc gia Trung Đông này không dám mạo hiểm và vẫn lo ngại, việc cắt giảm sản lượng khai thác sẽ không làm tăng giá dầu mà chỉ khiến Saudi Arabia mất quyền kiểm soát dầu mỏ. 
 
Các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, để dầu có thể tăng giá trở lại, tất cả các nước xuất khẩu dầu mỏ phải đồng thời cắt giảm sản lượng dầu khai thác. Tuy nhiên, giả thiết này hoàn toàn không khả thi do mỗi nước phải đối mặt với tình hình kinh tế - xã hội khác nhau. Trên thực tế, giá dầu giảm đang dẫn đến những vấn đề trầm trọng đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Bắc Âu và Vịnh Ba tư. Trong đó, dân số tăng và nghèo đói đã đẩy một số nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ vào tình trạng khó khăn do không kịp điều chỉnh khi dầu giảm giá. Trong số này có Mexico, Nigeria, Algeria và Libya. Một số nước như Venezuela, Kuwait vẫn đang bán dầu với giá thấp hơn mức giá đề xuất của OPEC. Đây là bất đồng khó giải quyết, nên các nước thành viên OPEC không thể đưa ra quyết định thống nhất. Năm 2015, OPEC khó có thể áp đảo thị trường dầu mỏ thế giới. 
 
Về triển vọng giá dầu, các chuyên gia đưa ra những nhận định khác nhau, nhưng chưa kỳ vọng giá dầu sẽ sớm phục hồi trở lại. Ngân hàng UBS Thụy Sĩ dự đoán, giá dầu Brent trung bình trong năm 2015 là 52,50 USD/thùng, giảm so với mức 69,75 USD/thùng dự báo trước đó, trong khi giá dầu WTI giảm xuống 49 USD/thùng từ 64,75 USD/thùng dự báo trước đó. UBS cũng dự báo giá dầu Brent và WTI sẽ hồi phục lên trên 60 USD/thùng vào năm 2016 và đến năm 2018, khoảng 60 tháng kể từ khi giá bắt đầu lao dốc, giá dầu Brent sẽ đạt 90 USD/thùng.
 
Ngân hàng Barclays dự báo, giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng nữa, đồng thời hạ dự báo giá dầu Brent năm 2015 xuống 44 USD/thùng từ mức trước đó là 72 USD/thùng. Bộ phận dự báo và tư vấn rủi ro thuộc tập đoàn "The Economist" dự báo, giá dầu trung bình trong năm 2015 là 54 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu có thể giảm xuống mức 42 USD/thùng vào quý I/2015 trước khi tăng dần lên cho đến cuối năm.
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.