(Congannghean.vn)-Từ sáng 31/1, không khí lạnh tràn về khiến TP Vinh chìm trong mưa lạnh. Càng gần đến giờ diễn ra lễ vinh danh dân ca Ví, Giặm trời ngừng mưa, thời tiết đẹp như thuận lòng người. Hàng ngàn đại biểu và người dân đổ về Quảng trường Hồ Chí Minh để theo dõi Lễ vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ 19 giờ, các ngả đường Hồ Tùng Mậu, Trường Thi, Nguyễn Văn Cừ bị cấm, lực lượng cảnh sát giao thông rất nỗ lực để đảm bảo an toàn giao thông, an ninh khu vực diễn ra buổi lễ.
20 giờ 10 phút, Lễ vinh danh chính thức diễn ra trọng thể với sự tham dự của đông đảo đại biểu Trung ương và địa phương. Về phía Trung ương có các đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đại biểu quốc tế có bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Đại diện hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có các đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Võ Kim Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Đông đảo đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nuoc, Bộ ban ngành Trung ương |
22 giờ ngày 27/11/2014, tại Paris, Cộng hòa Pháp, Dân ca Ví, Giặm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (Unesco) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Dân ca Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo từ hàng trăm năm nay. Ví Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thương nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, quay tơ, dệt vải... Vì vậy các lối hát cũng được gọi theo tên các hoạt động như Ví phường vải, Ví phường cấy, Ví đò đưa, Giặm kể, Giặm vè, Giặm Đức Sơn...
Để bảo tồn và phát huy làn điệu quê hương, từ năm 1996, ngành văn hóa, hội văn nghệ dân gian, các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức dạy hát dân ca trên truyền hình, đưa dân ca vào trường học... Phong trào hát dân ca được phổ biến rộng khắp trong tầng lớp nhân dân. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhạc sỹ đã dày công nghiên cứu, sưu tầm biên soạn những công trình về hát Ví, Giặm, tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm tiếp tục phát triển những giá trị của dân ca Ví, Giặm. Dân ca Ví, Giặm được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 26 huyện, thành phố, thị xã 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Hiện nay trên địa bàn có gần 100 CLB dân ca với 803 nghệ nhân, các nghệ sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp.
Bà Katherine Muller trao bằng công nhận di sản cho đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH, TT & DL |
Phát biểu tại lễ nhận bằng và vinh danh, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, việc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh thực sự là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà của cả nước.
Tại buổi lễ, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã trao bằng công nhận di sản cho đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo và đại diện cộng đồng 2 tỉnh. Bà Katherine Muller Marin cũng chia sẻ, UNESCO mong muốn chính quyền và người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có những biện pháp để phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, thực hiện những nội dung trong chương trình hành động quốc gia đã được xây dựng để di sản phát triển hơn nữa.
Đồng chí Vũ Đức Đam công bố chương trình hành động bảo tồn phát huy di sản |
Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ đã công bố dự thảo chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và giao nhiệm vụ cho 2 tỉnh.
Sau phần lễ trao bằng công nhận, chương trình vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với chủ đề Về miền Ví Giặm với những tiết mục dân ca đặc sắc và sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu cùng các câu lạc bộ, nghệ nhân dân gian ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
.