Ngay sau vụ xả súng kinh hoàng tại Thủ đô Paris, Pháp một loạt các nước châu Âu đã đưa ra cảnh báo, thắt chặt hệ thống an ninh.
Trụ sở của nhiều tờ báo lớn tại thủ đô Berlin đều được cảnh sát bảo vệ, một việc chưa có tiền lệ tại Ðức. Lực lượng an ninh Ðức cũng tăng cường tuần tra tại trụ sở các đại sứ quán nước ngoài và các tòa nhà chính phủ ở Berlin. Cục Cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) đã triển khai kế hoạch an ninh đặc biệt với các biện pháp khẩn cấp đề phòng nguy cơ xảy ra khủng bố trên toàn nước Đức.
Một loạt các nước châu Âu đã đưa ra cảnh báo, thắt chặt hệ thống an ninh. |
Bộ trưởng Nội vụ Ðức Thomas de Maiziere cho rằng, "không loại trừ một vụ tiến công khủng bố tương tự có thể xảy ra trên lãnh thổ Ðức". Ông cam kết lực lượng an ninh trên toàn nước Ðức sẽ được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Sau cảnh báo của Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5) về nguy cơ xảy ra vụ khủng bố kiểu Paris ở "xứ sở sương mù", ngày 9/1, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cam kết cơ quan tình báo nước này sẽ được đáp ứng mọi nguồn lực cần thiết để ứng phó với các mối đe dọa khủng bố.
Theo ông Osborne, nhiều kế hoạch và nỗ lực từ chính phủ, lực lượng cảnh sát cho tới các cơ quan an ninh đã và đang được thực hiện nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố. Trong tuần qua, chính phủ Anh đã chi bổ sung hơn 100 triệu bảng cho hoạt động theo dõi những đối tượng có khả năng tham gia các cuộc xung đột ở Iraq và Syria, những kẻ bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan từ Internet và muốn gây tội ác điên cuồng.
Cảnh sát Bỉ đã triển khai nhiều đơn vị cảnh sát cơ động tại thành phố Anvers - nơi có các địa điểm được coi là “nhạy cảm” như khu vực có nhiều cửa hàng bán kim cương hoặc nơi tập trung nhiều người Do Thái sinh sống.
Theo đại diện cảnh sát vùng Anvers, trước các nguy cơ tấn công khủng bố, cảnh sát vùng đã tiến hành cơ cấu lại nội bộ nhằm triển khai lực lượng nhanh nhất khi có sự cố xảy ra.
Trong một diễn biến liên quan, giới chức Italy khẳng định không loại trừ khả năng nước này bị tiến công khủng bố và đã siết chặt an ninh tại các địa điểm nhạy cảm, đặc biệt ở thủ đô Rome. Trước đó, Chính phủ Italy đã nhận được rất nhiều lời đe dọa tiến công khủng bố tại các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Rome và Tòa thánh Vatican. Một số nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Na Uy cũng tuyên bố nâng mức đe dọa an ninh tại các nước này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, EC sẽ đề xuất một chương trình mới nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố. Theo đó, sẽ xây dựng Hệ thống lý lịch hành khách của ngành hàng không, cho phép các thành viên tổ chức thu thập và chia sẻ thông tin về hành khách. Mặc dù hệ thống này bị cho là vi phạm quyền tự do công dân, song EC cho rằng, cần có cơ chế theo dõi di chuyển của các chiến binh Hồi giáo cực đoan khi có tới 3.000 người châu Âu đã từng tham gia hàng ngũ thánh chiến Hồi giáo tại Iraq và Syria.
* Nhằm bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Pháp, 15 đại diện Hội đồng Bảo an LHQ đã mặc niệm các nạn nhân vụ xả súng. Hàng trăm nghìn người đổ xuống các đường phố ở Pháp, Hà Lan, Hy Lạp, Ðức, Anh, Bồ Ðào Nha, Séc... lên án chủ nghĩa cực đoan.
* Ngày 9/1, Mỹ đã ban bố cảnh báo đi lại trên quy mô toàn cầu sau khi liên tiếp xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Pháp, Australia và Canada.
Theo cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, các vụ tấn công nhằm vào người Mỹ đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là nguy cơ xảy ra các vụ tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và Phương Tây - vốn được coi là hệ quả của việc Mỹ đứng đầu liên minh quốc tế tiến hành các cuộc không kích chống lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria và Iraq.
.