Tin tức sự kiện
Liên minh kinh tế Á- Âu: Thêm 1 chân kiềng
08:19, 14/10/2014 (GMT+7)
Cuối tuần qua, Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) do Nga là đầu tàu đã kết nạp thành viên thứ 4 - Armenia. EEU là một khu vực thương mại tự do được tạo thành từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ để cạnh tranh với Liên minh châu Âu (EU).
Các nhà lãnh đạo các nước EEU cũng đã ký một văn bản nhằm cung cấp lộ trình cho Kyrgyzstan gia nhập EEU.
Ngoài ra, Moldova và Gruzia đã chọn quan hệ gần gũi hơn với EU, nhưng cũng ký thỏa thuận làm đối tác của EEU. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang là một ứng cử viên tiềm năng của EEU.
Theo Tổng thống Nga V.Putin, kế hoạch về EEU được xây dựng dựa trên "giá trị tốt nhất của Liên Xô".
Kế hoạch thành lập EEU được đưa ra thảo luận và nhất trí tại cuộc gặp giữa các nguyên thủ 3 nước Belarus, Kazakhstan và Nga ở thủ đô Astana của Kazakhstan hồi tháng 5 vừa qua nhằm thay thế cho Liên minh thuế quan (thành lập vào năm 2010) để tạo dòng chảy tự do về người, vốn và hàng hóa, giúp củng cố nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển hài hòa và xích lại gần nhau của các nước thành viên.
EEU cũng được kì vọng sẽ xây dựng một cơ cấu kinh tế đủ mạnh để đối trọng với EU.
Với việc Tổng thống Nga V.Putin ký phê chuẩn Hiệp ước thành lập EEU hôm 3/10 vừa qua, Nga đã trở thành nước đầu tiên hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết thiết để EEU có hiệu lực từ 1/1/2015.
Theo nhận định của Tổng thống Kazakhstan, N. Nazarbayev, liên minh mới này sẽ là “một cầu nối giữa phương Đông và phương Tây”.
Việc EEU ra đời cũng củng cố và dần hiện thức hóa tham vọng chuyển hướng sang thị trường đầy tiềm năng châu Á-Thái Bình Dương của Nga.
Trước đó, Moscow đã triển khai chính sách hướng Đông khi hình thành một “liên minh năng lượng” với Trung Quốc qua thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD.
Cách đây 3 năm, trong bài phát biểu cuối cùng tại Hạ viện Nga (Đuma) với vai trò là Thủ tướng, ông Putin đã vạch ra ưu tiên cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba là thúc đẩy hợp tác trong toàn bộ không gian Á – Âu, tăng cường vai trò toàn cầu của nước Nga thông qua thúc đẩy hội nhập giữa các quốc gia Liên Xô cũ.
EEU có tổng dân số 170 triệu người, diện tích 20 triệu km2. Với các lợi thế sẵn có, như sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, trong đó chiếm gần 20% trữ lượng khí đốt và gần 15% trữ lượng dầu mỏ thì Hiệp ước về xây dựng EEU đã góp phần đưa Nga, Kazakhstan và Belarus lên một tầm cao hội nhập hoàn toàn mới.
Tổng giá trị của ba nền kinh tế Nga, Belarus và Kazakhstan trong năm 2013 đã vượt con số 2.200 tỷ USD trong khi tổng sản lượng công nghiệp lên tới 1.500 tỷ USD. Dự đoán, tổng GDP của Nga, Belarus và Kazakhstan vào năm 2030 sẽ tăng thêm khoảng 900 tỷ USD, nhờ các tác động tích cực từ việc hội nhập kinh tế thông qua EEU.
Với vị thế nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới hiện nay, Nga sẽ giữ vai trò "hạt nhân" của EEU.
Giới phân tích cho rằng, việc EEU ra đời là một sự kiện lịch sử có khả năng làm thay đổi cấu trúc địa-chính trị và địa-kinh tế của toàn bộ châu lục.
Nguồn: Chinhphu.vn