Tin tức sự kiện
Đối ngoại tháng 6: Tiếp tục kiên trì bảo vệ chủ quyền
08:06, 07/07/2014 (GMT+7)
Hoạt động đối ngoại tháng 6 đánh dấu nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan; tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với hai nước châu Âu và khẳng định cam kết quốc tế về quyền con người.
Tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 18/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngoại giao góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng
Các hoạt động ngoại giao trong tháng 6 ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước bằng các biện pháp hòa bình, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để giải quyết căng thẳng tại Biển Đông.
Ngày 18/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nhân dịp sang Việt Nam tiến hành cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam đã được nêu trong các cuộc tiếp xúc các cấp của hai bên thời gian qua, đề nghị hai bên cần kiểm soát tình hình, không để xảy ra xung đột, tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc, đàm phán để giải quyết tranh chấp, bất đồng hiện nay.
“Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực; gây bất bình và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.
Thủ tướng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tiến hành cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Ngày 20/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời phỏng vấn TTXVN về Biển Đông trong đó nhấn mạnh Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện các chủ trương và giải pháp đáp ứng nguyện vọng chính đáng, tha thiết của hơn 90 triệu đồng bào ta.
“Tôi xin nhắc lại lời của vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần đã được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư: Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”
Về ngoại giao song phương, ngay từ đầu tháng 6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lần thứ 3 trao Công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; rút ngay giàn khoan, tàu và các phương tiện liên quan ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn các hành vi tương tự. Công hàm cũng yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong tháng 6, Bộ Ngoại giao tổ chức hai cuộc họp báo quốc tế lần thứ 4 và 5 về tình hình Biển Đông nhằm thông báo cho cộng đồng quốc tế những thông tin liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương 981, nêu rõ hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái từ phía Trung Quốc.
Tại diễn đàn đa phương, ngày 6/6, tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, một lần nữa gửi thư lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đại sứ Lê Hoài Trung đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho lưu hành Công hàm trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, gửi đến tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc.
Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng nước Cộng hòa Italy Matteo Renzi. |
Trong tháng 6, Việt Nam tiếp đón Thủ tướng Cộng hòa Italy Matteo Renzi và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte tới thăm chính thức theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong chuyến công du chính thức đầu tiên tới Việt Nam (ngày 9-10/6) của một Thủ tướng Italy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Thủ tướng Matteo Renzi và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhau trao đổi sâu rộng định hướng và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Italy (thiết lập tháng 1/2013) ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Đặc biệt, hai nước nhất trí nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD trong hai năm tới.
Trên bình diện đa phương, Thủ tướng Italy nhấn mạnh coi trọng vai trò cầu nối của Việt Nam trong hợp tác giữa ASEAN và EU.
Thủ tướng Renzi cho biết Italy đã đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển hợp tác thương mại, đầu tư; đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình nghiêm trọng ở Biển Đông và khẳng định các bên cần kiềm chế không dùng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hội đàm tại Hà Nội chiều 16/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan phát triển tích cực, hiệu quả và năng động trên tất cả các lĩnh vực thể hiện qua việc hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước vào năm 2010.
Hai bên nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Nông nghiệp và An ninh lương thực nhân chuyến thăm và coi đây là trọng tâm hợp tác của hai nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Hà Lan chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Biển Đông, khẳng định Hà Lan đồng quan điểm với Tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) và Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN: Các bên liên quan cần kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cũng trong tháng 6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp bà Penny Pritzker, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ và các đại biểu đại diện Hội đồng kinh doanh Thương mại Hoa Kỳ-ASEAN đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam.
Khẳng định cam kết quốc tế về quyền con người
Đại diện các nước và tổ chức quốc tế chúc mừng Trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Trung Thành (trên cùng bên phải) sau khi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua UPR của Việt Nam. |
Ngày 20/6 tại Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua Báo cáo về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) với sự chứng kiến của đầy đủ đại diện 192 nước thành viên Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, Trưởng đoàn Việt Nam tại phiên họp, đã công bố với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc danh sách 182 khuyến nghị Việt Nam chấp thuận trên tổng số 227 khuyến nghị mà các nước và tổ chức quốc tế đã nêu ra trong đợt rà soát định kỳ phổ quát lần 2 đối với Việt Nam (80,17%).
Đây là một tỷ lệ chấp thuận rất cao trong lịch sử hoạt động của Cơ chế UPR tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, chân thành, cởi mở và quyết tâm cao của Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Trung Thành khẳng định việc Việt Nam chấp thuận số lượng lớn các khuyến nghị xuất phát từ chính sách nhất quán và cam kết mạnh mẽ bảo đảm và phát huy các quyền con người tại Việt Nam.
Chinhphu