Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 24/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua thảo luận ở đoàn, Quốc hội rất đồng tình, ủng hộ với các giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ, chứng lý sẵn sàng làm cơ sở để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu họ không rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, sau khi trao đổi, thảo luận tại đoàn về tình hình biển Đông, các đoàn đại biểu Quốc hội nhất trí cao những chủ trương, giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Đặc biệt, sau phát biểu của Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế Đông Á đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận trong nước và quốc tế. “Chúng ta phát huy truyền thống của cha ông phải hết sức khéo léo để vừa giải quyết được vấn đề về biển Đông vừa giữ được mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước… Tôi nghĩ đất nước đã có 4.000 năm lịch sử, càng phải kiên nhẫn. Đã vì hòa bình và độc lập nhất quyết phải kiên nhẫn, phải bằng biện pháp hòa bình để đấu tranh, giải quyết vấn đề, không có cách nào khác được. ” - ông Phúc nói.
Liên quan việc Quốc hội có ra nghị quyết hay tuyên bố về vấn đề này hay không, ông Phúc cho rằng, tùy theo tình hình và mức độ để ứng phó cho phù hợp. Đến nay, Bộ Ngoại giao đã 26 lần có đề nghị trao đổi nhưng Trung Quốc chỉ bố trí một lần gặp Thứ trưởng Ngoại giao ta. Chúng ta luôn luôn mong muốn giải quyết vấn đề bằng giải pháp hòa bình, chúng ta đã nhiều lần đề nghị gặp gỡ trao đổi theo các cấp nhưng họ không gặp. “Tôi nghĩ Trung Quốc phải có sự thay đổi, tôi nói với anh mãi mà anh không gặp thì thế giới nghĩ sao. Một đất nước mà luôn luôn nói đứng thứ hai thế giới mà sao lại hành xử như vậy? Cái đó bản thân chính quyền Trung Quốc phải suy nghĩ, nếu không Trung Quốc tự mình đánh mất uy tín, bị thế giới cô lập” - Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.
Việt Nam có đầy đủ chứng lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa |
Đối với bà con người gốc Hoa ở Việt Nam, họ sinh sống ở Việt Nam, là công dân ở Việt Nam, cùng đóng góp xây dựng đất nước Việt Nam và chúng ta rất hoan nghênh. Theo ông Phúc, vừa qua bà con gốc Hoa cũng thể hiện quan điểm của mình là không đồng tình với việc làm sai trái của chính quyền Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, họ đã rất phản đối. Ngay cả số công nhân Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam, nhiều người đã bày tỏ mong muốn ở lại Việt Nam để lao động sản xuất, Đảng và Nhà nước ta rất hoan nghênh và tạo điều kiện.
Nói về cơ sở pháp lý, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, chúng ta hiện có đủ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Mặc dù khi đưa ra toà án quốc tế sẽ có những khó khăn nhưng rõ ràng Việt Nam đã thực hiện quyền quản lý của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ, tài liệu còn lưu trữ. Cha ông ta đã có những đội lính như Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ ngày đó. Rất nhiều chứng cứ khẳng định cơ sở pháp lý này và mới đây, vừa có thêm một quyển atlas của nước ngoài được đưa về càng khẳng định thêm chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta có chính nghĩa, là tinh thần đoàn kết của người dân, triệu triệu người như một. Đó mới là sức mạnh lớn nhất của chúng ta, để bao bọc từng hòn đảo, để bảo vệ chủ quyền. Khi triệu người như một thì sức mạnh đó không thế lực nào địch được.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng cho biết đã trao đổi tại đoàn vấn đề khởi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế nếu Trung Quốc tiếp tục hành vi sai trái, không rút giàn khoan khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Về vấn đề này, trong trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí quốc tế bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á về việc liệu Việt Nam có nộp đơn kiện Trung Quốc theo các cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự hay không, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Bạn hỏi về biện pháp quân sự? Không. Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ”. Về việc khởi kiện pháp lý, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. “Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế” - Thủ tướng khẳng định.
Nói về cơ sở pháp lý khởi kiện Trung Quốc, PGS.TS luật sư Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế khẳng định, trong vấn đề này, Trung Quốc rất đuối lý. Tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là phi lý, họ ngụy tạo chứng cứ, thậm chí bịa đặt. Trung Quốc luôn né tránh, tìm cớ thoái thác khi đưa vấn đề biển Đông ra các diễn đàn, hội nghị, toà án quốc tế. Lý do lớn nhất là Trung Quốc luôn ở phía phi nghĩa, phi pháp. Vì đuối lý, thất lý, nên Trung Quốc luôn từ chối mọi diễn đàn quốc tế - pháp lý về biển Đông, kể cả ASEAN, Liên Hợp Quốc cũng như các cơ quan tài phán quốc tế, mặc dù Trung Quốc có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an, có thẩm phán tại Tòa án của Liên Hợp Quốc và Tòa án Quốc tế về Luật Biển...
.