Tin tức sự kiện
Hoạt động trái phép và xâm phạm chủ quyền Việt Nam
16:54, 10/05/2014 (GMT+7)
Ngày 9/5, dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ sự phản đối trước hành động ngang ngược của Trung Quốc là đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam. Tất cả các quốc gia và nhiều tổ chức trên thế giới đều khẳng định và bày tỏ sự lo ngại rằng, hành động đơn phương và trái phép này sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh trong khu vực, an toàn hàng hải và việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Phải tuân thủ UNCLOS
Có thể thấy, tình hình trên biển Đông những ngày qua đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận quốc tế. Hôm 8/5, khi trả lời các câu hỏi liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Farhan Haq cho biết, về cơ bản, LHQ mong muốn và tin tưởng rằng các quốc gia liên quan, cùng chung lợi ích ở Biển Đông sẽ giải quyết vấn đề theo một cách hữu nghị, hòa bình. Trong khi đó, tại Hà Nội, văn phòng đại diện của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cung cấp cho báo giới quan điểm của người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU.
Theo đó, người phát ngôn nói: "Chúng tôi quan ngại về những diễn biến gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến việc di chuyển giàn khoan HD-981 của Trung Quốc”. Cơ quan phụ trách đối ngoại của châu Âu kêu gọi các bên cần tuân thủ Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tránh những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực. Cùng quan điểm này, Nhật Bản cũng có tuyên bố coi hoạt động của Trung Quốc là hành động "khiêu khích" đối với an ninh khu vực. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 9-5 cho rằng, Bắc Kinh cần phải làm rõ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về cơ sở của những hoạt động hàng hải ngày một gia tăng này. Về các cuộc tham vấn chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc về COC nhằm giảm thiểu các cuộc xung đột trên vùng biển này, ông Fumio Kishida khẳng định, Nhật Bản sẽ hối thúc Trung Quốc và các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông kiềm chế và tuân phủ luật pháp quốc tế để xoa dịu căng thẳng.
Bản đồ cho thấy vị trí đặt giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đã không những vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam mà còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, làm mất lòng tin giữa hai nước và cộng đồng quốc tế |
Hành động sai trái và ngang ngược
Tính đến chiều 9/5, ngày càng có thêm nhiều chính phủ và bài bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ rõ hành động sai trái của Trung Quốc trong vụ đặt giàn khoan HD-981 trên vùng biển của Việt Nam. Đặc biệt, một số hãng thông tấn còn lên án lối hành xử của Trung Quốc trong việc chủ động tấn công các tàu kiểm ngư của Việt Nam rồi lại “lu loa”, đổ lỗi cho phía Việt Nam. Tờ New York Times viết, việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng để tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam cho thấy lập trường ngày càng thiên về “sức mạnh cơ bắp” của Bắc Kinh trong tranh chấp với các nước láng giềng. Tờ The Wall Street Journal thì nhận định, cuộc đối đầu mới nhất này cũng chứng thực vai trò của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) trong việc thúc đẩy các tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh, bất chấp việc lãnh đạo doanh nghiệp này luôn khẳng định chỉ quan tâm đến lợi nhuận…
Ngay cả Mỹ cũng không chịu nổi hành động ngang ngược này của Trung Quốc. Cụ thể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 7/5 cho rằng, việc tàu Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu của Việt Nam là một cách hành xử nguy hiểm và mang tính hăm dọa. Ngày 8/5, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tiếp tục nêu rõ, chỉ riêng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển có tranh chấp đã là một hành động khiêu khích.
Hạ nghị sĩ Mỹ Faleomavaega, thành viên Tiểu ban Đối ngoại về châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ thì cam kết, Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục có những phản ứng mạnh mẽ trước hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Hạ nghị sĩ Faleomavaega khẳng định, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc hoàn toàn không có sở pháp lý quốc tế. Ấn Độ, quốc gia thành viên nhóm BRIC và cũng là nước từng có nhiều phản ứng mạnh mẽ trước những hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc trong sự kiện Bắc Kinh cho đặt giàn khoan HD-981 trên vùng biển Việt Nam.
Được biết, hôm 8/5, Trung Quốc cũng đã tổ chức họp báo quốc tế về vụ việc giàn khoan HD-981 nhưng lại cố tình vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam và đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ giới phóng viên báo chí tham dự cuộc họp cũng như dư luận quốc tế.
Hội Luật gia Việt Nam và Hội Hữu nghị Italia - Việt Nam lên án hành động của Trung Quốc
Ngày 9/5, Hội Luật gia Việt Nam và Hội Hữu nghị Italia – Việt Nam đã ra tuyên bố kịch liệt phản đối hành động của Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trên vùng biển của Việt Nam. Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam có đoạn viết: “Khu vực giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại UNCLOS. Các việc làm trên của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS (Điều 58, Điều 77) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN. Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp, rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”. Đồng thời, Hội Luật gia Việt Nam cũng kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ UNCLOS.
Hội Hữu nghị Italia – Việt Nam cũng lên án hành động của Trung Quốc, coi đây là hành động “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây căng thẳng tăng cao trong vùng, đe dọa an ninh và hòa bình trong toàn bộ khu vực”. Thông qua ấn phẩm Mekong cũng như trang web của mình, Hội Hữu nghị Italia - Việt Nam sẽ đưa những thông tin cập nhật liên quan đến tình hình Biển Đông, những phân tích và tư liệu lịch sử nhằm chứng minh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chủ quyền của Việt Nam để cho những người Italia nói chung và những người Italia yêu Việt Nam hiểu hơn về vấn đề này.
|
Nguồn: cand.com.vn