Tin tức sự kiện

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

08:52, 25/01/2014 (GMT+7)

Tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm; trước năm 2016, cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện trồng rừng thay thế ngay trong năm 2014; hỗ trợ đột xuất cho người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 20-24/1/2014.   

Tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm

Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều chủng virus cúm khác nhau cả trên người và động vật tại một số quốc gia, ngày 23/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới.

Để chủ động ngăn chặn các chủng virus cúm gia cầm mới, độc lực cao xâm nhập và lây lan vào Việt Nam, hạn chế thấp nhất virus lây nhiễm và gây tử vong cho người, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng, đề xuất phương án tái cơ cấu các chợ có buôn bán gia cầm sống theo hướng bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus sang người.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế cùng các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch cúm gia cầm trong nước và các nước xung quanh; tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát gia cầm và người qua biên giới; giám sát gia cầm, chợ gia cầm sống, bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh cúm nhằm phát hiện sớm nhất các chủng vi rút cúm gia cầm mới, độc lực cao khi mới xâm nhập vào trong nước để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người", trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.

Trước năm 2016, cơ bản hoàn thành cấp GCN quyền sử dụng đất

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về đất đai, đo đạc lập bản đồ địa chính và đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính; tập trung xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính hiện đại, theo mô hình tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu.

Trước năm 2016, cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính, trích đo địa chính có tọa độ. Bảo đảm kinh phí đáp ứng yêu cầu hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, thống nhất hệ thống hồ sơ địa chính trên cả nước. Trong năm 2015, hoàn thành tổng điều tra về đất đai, trong đó tập trung điều tra chi tiết một số loại đất quan trọng...

Thực hiện trồng rừng thay thế ngay trong năm 2014

Tại Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đối với các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác phải thực hiện trồng rừng thay thế ngay trong năm 2014 và đảm bảo hoàn thành toàn bộ trong năm 2015.

Đối với các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đang thực hiện quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác, phải có phương án trồng rừng thay thế và hoàn thành việc trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng cho dự án trong thời gian 18 tháng kể từ khi phương án trồng rừng thay thế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các dự án đầu tư mở mới, khi phê duyệt dự án đầu tư phải đồng thời phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Mọi trường hợp không có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thì kiên quyết không phê duyệt phương án đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang các mục đích khác từ năm 2014 trở đi, chỉ thực hiện đối với các dự án trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hỗ trợ đột xuất cho người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ đột xuất cho người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam gặp khó khăn về đời sống trong năm 2013.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia về nước chưa có hộ tịch, hộ khẩu, gặp khó khăn về đời sống.

Hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên thuộc 7 tỉnh: An Giang, Long An, Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp và Đắk Nông.

Các đối tượng trên được hỗ trợ về hỗ trợ đời sống, nhà ở, y tế, chi phí chữa bệnh, tiền ăn Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.

Miễn thuế XNK vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 15/3/2014, vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Cá nhân bị chết khi bảo vệ ANTT được xem xét công nhận là liệt sĩ

Theo Nghị định số 6/2014/NĐ-CP về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thì cá nhân bị chết do trực tiếp tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ.

Cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự khi áp dụng biện pháp vận động quần chúng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ danh dự, tài sản của các cơ quan, tổ chức; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của cá nhân trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng.

Đồng thời, thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích hoặc bị thiệt hại trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

Cá nhân kinh doanh không được tự in hóa đơn

Theo Nghị định số 4/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 thì cá nhân kinh doanh không được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng hóa, dịch vụ.

Nghị định 4/2014/NĐ-CP cũng bổ sung thêm một số quy định so với quy định hiện hành. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; doanh nghiệp có rủi ro cao về việc chấp hành pháp luật thuế. Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về công nghệ thông tin thực hiện biện pháp giám sát, quản lý phù hợp nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật về hóa đơn.

Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế hoặc doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế thì không được sử dụng hóa đơn tự in mà phải thực hiện mua bán hóa đơn của cơ quan thuế có thời hạn 12 tháng…

Huy động giới sử học cả nước tham gia biên soạn bộ Quốc sử

Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và các cơ quan liên quan tập hợp và huy động các nhà sử học trong cả nước tham gia biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử).

Đây là bộ sử chính thống của đất nước và của dân tộc, trong đó, tổng hợp những kết quả nghiên cứu mới nhất về lịch sử Việt Nam.

Đồng thời, huy động các nhà sử học tích cực tham gia tư vấn, phản biện các công trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc, như sách giáo khoa lịch sử, chương trình môn lịch sử trong trường học, các hoạt động liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam; tiếp tục củng cố, mở rộng hệ thống tổ chức Hội ở các Bộ, ngành, địa phương và phát triển hội viên ở các chi hội; chú trọng mở rộng quan hệ giao lưu với giới sử học quốc tế.  

Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giao thông vận tải cần tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, giảm ùn tắc giao thông.

Trong đó, tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Giao thông vận tải và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Xây mới 5 bệnh viện, viện tuyến TƯ và tuyến cuối tại TP.HCM

Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh”  gồm: 1- Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai - Bộ Y tế; 2- Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức - Bộ Y tế; Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh - bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ như bệnh viện tuyến trung ương; 4- Cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh - bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ như bệnh viện tuyến trung ương; 5- Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng.

Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia

Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 13 nội dung gồm: 1- Phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường; 2- Kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm; 3- Cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; 4- Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; 5- Thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; 6- Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; 7- Tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; 8- Tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; 9- Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường; 10- Nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường; 11- Phát triển ngành kinh tế môi trường để hỗ trợ các ngành kinh tế khác giải quyết các vấn đề môi trường; 12- Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường; 13- Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong hoạt động giao thông vận tải; góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu trên, cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, đảm bảo tính kết nối, tạo thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ Logistics.

Cụ thể, phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm cả kết cấu cầu cảng và luồng hàng hải của các cảng biển quốc gia phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển; đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ kết nối vào cảng biển, tạo thuận lợi cho hoạt động của cảng và dịch vụ Logistics.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống đường bộ kết nối với các hành lang, vành đai kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển đã được phê duyệt; cải tạo, nâng cấp các tuyến luồng, cảng, bến cảng thủy nội địa phù hợp với quy hoạch, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa.

Đồng thời, phát triển hệ thống đường sắt kết nối với hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt kết nối với cảng biển khu vực Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu; hoàn thiện hệ thống cảng hàng không, sân bay tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, tạo thuận lợi phát triển dịch vụ Logistics.

Xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội

Đề án “Xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, phản ánh đúng chất lượng tín dụng, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng tài sản, củng cố năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động, đảm bảo Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đề án sẽ tiến hành đánh giá lại chất lượng tài sản, khả năng thu hồi và giá trị của nợ xấu. Tập trung xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tăng cường ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu và vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới về các địa phương tiêu thụ.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương, Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang phải tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng (Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường) làm tốt công tác chống buôn lậu; ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu (đặc biệt là mặt hàng thuốc lá, rượu, bia) và việc vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới về TP Hồ Chí Minh và các địa phương để tiêu thụ.

Phó Thủ tướng lưu ý các đơn vị chức năng liên quan phải có hình thức xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu.

Đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội

Tại Thông báo số 22/TB-VPCP về triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, không được để xảy ra tình trạng thiếu điện như một số năm trước đây.

Khẩn trương khắc phục sự cố tai nạn mỏ than Đông Vông

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố tai nạn mỏ than Đông Vông, tỉnh Quảng Ninh làm 6 người thiệt mạng, tổ chức an táng chu đáo cho người bị nạn và thăm hỏi, hỗ trợ gia đình bị nạn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Các tỉnh biên giới phải giám sát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu

Để ngăn chặn sự lây lan dịch cúm gia cầm, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND các tỉnh biên giới phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thực phẩm, phụ gia thực phẩm nhập khẩu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh biên giới phải ngăn chặn không để hàng hóa nhập khẩu trái phép, không bảo đảm an toàn thực phẩm qua biên giới; tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088).

Cùng với đó, các tỉnh biên giới phải làm tốt công tác tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn, kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ các cửa khẩu, lối mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực chợ đầu mối,... Đặc biệt chú trọng công tác tổ chức thực hiện tại các xã, phường, thôn bản giáp biên giới; điều tra, phát hiện và xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm.

Làm rõ việc học sinh bị nhiễm độc do đồ chơi không rõ nguồn gốc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ việc học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song bị nhiễm độc do sử dụng đồ chơi không rõ nguồn gốc.

Trước đó, vào lúc 13 giờ đến 13 giờ 30 phút, ngày 16/1, trước khi vào học chính thức, một số học sinh trường Tiểu học Chu Văn An, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song đã mua một loại đồ chơi ở gần cổng trường.

Trong quá trình chơi do dẫm đạp, quăng ném, quả đồ chơi đã phát nổ làm cho gần 40 em học sinh có triệu chứng choáng váng, khó thở, có em bị ngất xỉu...

Chinhphu

Các tin khác