Tin tức sự kiện

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp

16:07, 09/12/2013 (GMT+7)
Khẳng định Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân
 
*Lần đầu tiên, Hiến pháp viết hoa chữ "Nhân dân", điều đó thể hiện sự tôn trọng Nhân dân. Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 1/ 1/ 2014.
 
*Hiến pháp đã kết tinh được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số Nhân dân, thể hiện được ý Đảng, lòng dân với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.
 
Sáng 9/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/ 2013. Đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì buổi họp báo.
 
Tại buổi họp báo, đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thông báo những nội dung cơ bản trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Hiến pháp được bố cục 11 chương, 120 điều là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Hiến pháp đã thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước Nhân dân; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội công bố Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 1/1/2014
Đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội công bố Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 1/1/2014

Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Hiến pháp tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; khẳng định vai trò của đối ngoại và chủ động hợp tác quốc tế…

 
Theo Nghị quyết số 64/2013/QH13, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ nhất. Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan mới theo quy định của Hiến pháp. Những công việc đang được cơ quan Nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan Nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp thì phải chuyển giao cho cơ quan Nhà nước đó để tiếp tục giải quyết kể từ ngày Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực. Các Luật, Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với Hiến pháp. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức Viện KSND, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).
 
Tại Chương IV - Bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp quy định: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức và công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh (Điều 64); Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh, quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế (Điều 65); Nhà nước xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng (Điều 66); Nhà nước xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm (Điều 67).

CAND

Các tin khác