Tin tức sự kiện
Chính phủ yêu cầu báo cáo việc thực hiện gói 30 nghìn tỉ đồng
08:29, 24/12/2013 (GMT+7)
* Một trong các nội dung trọng tâm được nêu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp năm 2014 là báo cáo tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỉ đồng. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2014 tình hình triển khai thực hiện...
* Báo cáo tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2013, lực lượng Công an cùng Quân đội giữ vững ổn định chính trị xã hội, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước.
Cắt giảm tối đa kinh phí hội nghị, dừng mua sắm ôtô công
“Chính phủ mong muốn nghe nhiều ý kiến của các địa phương nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý tại hội nghị trực tuyến.
Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) và kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2013, cả những mặt được và những hạn chế, yếu kém nhằm thống nhất nhận thức và hành động theo Nghị quyết của Chính phủ, cùng chung sức tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014 mà Quốc hội đã thông qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các thành viên Chính phủ |
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, năm 2013, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra (so với tháng 12/2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua, đạt mục tiêu đề ra). Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cả năm ước đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, đạt 96,9% dự toán năm, tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2012.
Chính phủ đề ra 9 nhóm giải pháp lớn để thực hiện nhiệm vụ năm 2014. Trước hết là tiếp tục ổn định kinh tế, vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá. Thu hồi và giảm nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Rà soát lại các chính sách thu ngân sách, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế theo các cam kết quốc tế. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác. Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách còn nợ.
Chính phủ cũng nêu rõ, phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả. Tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng (điện, than, xăng dầu) và dịch vụ công thiết yếu (y tế, giáo dục) theo lộ trình và mức độ phù hợp, phối hợp đồng bộ với các chính sách liên quan bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát. Chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm tra, giám sát các hành vi lạm dụng vị thế có thị phần lớn trên thị trường để điều chỉnh giá bất hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng năng lượng, thức ăn chăn nuôi, sữa công thức cho trẻ em.
Làm rõ gói hỗ trợ 30 nghìn tỉ
Cùng với đó, năm 2014 tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất. Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2014 tình hình triển khai thực hiện gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, những khó khăn vướng mắc và kiến nghị các giải pháp khắc phục...
Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, đáng chú ý năm 2014 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
Chính phủ yêu cầu năm 2014 rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp chậm triển khai, không có khả năng triển khai...
Loại bỏ những “thầy thuốc mất chất”
Trong các nhiệm vụ của năm 2014, vấn đề y đức được “khoanh vùng”. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Tăng cường nhân lực y tế chất lượng cao và đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ y tế. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc...
|
Lực lượng Công an cùng Quân đội phát huy tốt vai trò nòng cốt, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội
Báo cáo tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết năm 2013, công tác bảo đảm an ninh trật tự đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, sự ủng hộ của nhân dân, lực lượng Công an cùng Quân đội phát huy tốt vai trò nòng cốt, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước.
Năm 2013, lực lượng Công an đã triệt phá 2.643 băng nhóm tội phạm, đạt 74,49% (cao hơn 1,49% so với năm 2012), đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, các lực lượng đã phát hiện 12.138 vụ vi phạm về trật tự quản lý kinh tế, nhiều hơn 518 vụ; phát hiện 435 vụ tham nhũng, nhiều hơn 104 vụ so với năm 2012. Việc đấu tranh với tội phạm ma túy cũng đạt nhiều kết quả. So với năm 2012, các vụ việc khiếu kiện gây mất trật tự an ninh, chính trị đã giảm 89,5% số vụ và 30,58% số người tham gia. Các bộ, cơ quan và địa phương chú trọng tập trung giải quyết công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong dư luận nhân dân để có biện pháp giải quyết phù hợp, bảo đảm đúng pháp luật và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân...
Bộ trưởng cũng cho biết một số vấn đề còn tồn tại trên mặt trận đảm bảo ANTT như: Tội phạm hoạt động có tổ chức có xu hướng phức tạp, nhiều vụ án có mức độ nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; tội phạm chống người thi hành công vụ giảm nhưng xuất hiện nhiều hành vi manh động, liều lĩnh; tính chất liên kết, đan xen giữa tội phạm kinh tế, tham nhũng, hình sự, ma túy ngày càng thể hiện rõ và có xu hướng trẻ hoá...
Về các giải pháp trong thời gian tới, Đại tướng Trần Đại Quang cho rằng UBND các địa phương cần tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng, giải quyết ổn định tại chỗ, không để phức tạp kéo dài, hạn chế tối đa khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương. Các cơ quan chức năng cần trả lời thẳng thắn ngay đúng hay sai trong thẩm quyền của mình, tránh tình trạng trả lời chung chung, chuyển đơn lòng vòng đi nhiều nơi, gây phức tạp và tâm lý trông chờ hy vọng, gây khó khăn cho việc giải quyết dứt điểm. Tập trung rà soát, thống kê kiểm tra quá trình giải quyết, xác định rõ nguyên nhân khiếu kiện để thống nhất biện pháp chỉ đạo giải quyết dứt điểm...
|
“Tôi thấy lạ khi thị trường đóng băng mà giá không giảm”
Phát biểu tại phiên họp trực tuyến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tỏ ý lo ngại khi thị trường nhà đất vẫn “nhìn nhau neo giá”, việc kéo giảm vẫn rất nhỏ giọt. Trong điều kiện ảm đạm, các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản phải chấp nhận quy luật của thị trường là khi thanh khoản kém thì buộc phải giảm giá, tăng khuyến mại, chiết khấu chứ không phải nhìn nhau kìm giá. “Tôi hơi thấy lạ là trong khi thị trường đóng băng mà các dự án nhà ở, bất động sản xung quanh Hà Nội không thấy giảm giá gì cả” - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo lắc đầu.
|
CAND